Cách đây 3 tháng, thương vụ trao đổi cặp Mộc Hương giá 23 tỷ đồng để lấy một mầm lan đột biến còn chưa mở mắt không chỉ gây sốt giới sinh vật cảnh mà còn khiến nhiều người “ngoại đạo” phải trầm trồ vì mức độ chịu chơi của 2 đại gia cây cảnh khét tiếng.
Theo anh Bùi Đức Dũng - đại gia nổi tiếng trong giới chơi cây cảnh ở TP Việt Trì (Phú Thọ), cho biết, cặp cây có tên gọi “Mộc hương huynh đệ” cổ thụ và được công nhận là cây di sản Việt Nam vì có tuổi đời lên đến 150 năm. Cặp cây này được trồng từ thời Pháp thuộc và được coi là gia bảo của gia đình mình.
Ấn tượng trước vẻ đẹp và giá trị độc đáo của cặp cây mộc hương cổ thụ này, anh Chính Trương - một nhà vườn chuyên bảo tồn và nhân giống các loài hoa lan, đặc biệt là hoa lan đột biến quý hiếm đã có mong muốn được sở hữu. Tuy nhiên, cũng giống như nhiều người đam mê cây khác đã từng trả giá đến 1 triệu USD, ý định mua cây của anh Chính không được anh Dũng chấp thuận.
Sau nhiều năm kiên trì theo đuổi, thuyết phục, đến ngày 15/4 vừa qua, anh Dũng đã quyết định chia sẻ chúng cho người đồng hương (Phú Thọ) có cùng đam mê trước sự chứng kiến của giới chơi cây cảnh tại TP Việt Trì.
Theo đó, cây mộc hương được định giá một triệu USD (khoảng 23 tỷ đồng) được trao đổi ngang giá với một kie lan đột biến Tuyết Đỉnh Hồng.
Tại thời điểm đó, do kie lan Tuyết Đỉnh Hồng vẫn đang ươm, chưa tách chậu nên anh Chính chưa thể bàn giao. Đến đầu tháng 7 này, thương vụ mới chính thức hoàn thành khi một kie lan được trao tay anh Dũng. Theo anh Chính, sau hơn 3 tháng nhận cây, cặp mộc đinh hương hiện đang được trả giá khoảng hơn 50 tỷ đồng nhưng anh vẫn chưa đồng ý bán.
Theo anh Dũng, tôi và anh Chính Trương đều là những người mê cây, nghe thông tin ở đâu có cây đẹp cây quý cũng phải đi tìm mua cho bằng được. Đây cũng là một phần lý do tôi nhận trao đổi 2 cây mộc huynh đệ lấy 1 kie lan đột biến Tuyết Đỉnh Hồng của anh ấy.
Anh Dũng cũng cho biết, việc trao đổi cây này giúp anh có thêm trải nghiệm về thú chơi hoa, cây cảnh, đặc biệt là lan đột biến Tuyết Đỉnh Hồng - dòng lan rừng đặc biệt quý hiếm của Sơn La.