Điều khiển xe máy đi 1 người hoàn toàn khác khi chở thêm người thứ 2. Do đó, bạn cũng cần trang bị cho mình kỹ năng chở người ngồi sau để lái xe an toàn hơn khi lưu thông trên đường.
1. Đối với người cầm lái
Xuất phát và tăng giảm tốc độ:
Khi xuất phát và trong khoảng thời gian ngắn sau xuất phát, do sự tăng giảm tốc độ mà chuyển động thân thể của người cầm lái và của người ngồi sau không tạo thành một thể thống nhất. Tránh xuất phát đột ngột, tăng tốc đột ngột, vì đây chính là những nguyên nhân gây nên sự mất thăng bằng.
Vào khúc cua:
Khi vào khúc cua, chuyển động thân thể của người ngồi sau ảnh hưởng rõ rệt lên mức độ điều khiển được xe, đôi khi người cầm lái không thể điều khiển được chiếc xe di chuyển theo hướng đã định. Hãy cẩn thận chú ý đến chuyển động của người ngồi sau khi cầm lái. Ngoài ra, để đảm bảo an toàn, hãy giảm tốc độ trước khi vào cua.
Phanh:
Khi chở người ngồi sau, lực quán tính sẽ lớn hơn so với khi đi một người. Khi phanh, người cầm lái sẽ bị đẩy về phía trước do tác động của người ngồi sau. Do đó, người cầm lái phải khép người lại, giữ chặt tay lái để chống đỡ lực tác động của người ngồi sau. Khi phanh, cần thực hiện động tác trong tư thế thân hình thẳng góc với thân xe ở trạng thái ổn định. Với cùng một lực phanh, so sánh với khi chỉ có một người thì khoảng cách từ lúc bắt đầu phanh đến khi xe dừng lại sẽ dài hơn. Vì vậy, cần phải sử dụng phanh sớm hơn so với lúc đi một người. Chú ý không nên sử dụng phanh đột ngột.
2. Đối với người ngồi sau
Với người ngồi sau, hai chân phải đặt lên chỗ để chân dành cho người ngồi sau, đầu gối khép lại, hai cánh tay ôm người cầm lái hay một tay ôm người cầm lái và tay kia nắm lấy thanh vịn sau xe.
Trang phục gọn gàng thích hợp cho việc lái xe. Luôn luôn đội mũ bảo hiểm.
Không nên ngồi để hai chân một bên vì rất nguy hiểm.
Tại các khúc cua, nghiêng người theo chiều nghiêng của người cầm lái (chuyển động đồng nhất).
Trang Vũ (Tổng hợp)