Tin mới

"Đi xe Rolls Royce hay Matiz mà vi phạm đều bị tịch thu"

Chủ nhật, 08/03/2015, 18:01 (GMT+7)

“Có người nêu ý kiến là anh này đi xe Rolls - Royce còn ông kia đi Matiz thì xử phạt thế nào. Nếu vi phạm, cả hai người đều bị xử lý như nhau, phương tiện tham gia hành vi đó cũng phải bị tịch thu như nhau”, Phó chủ tịch Ủy ban an toàn giao thông Quốc gia Khuất Việt Hùng khẳng định.

“Có người nêu ý kiến là anh này đi xe Rolls - Royce còn ông kia đi Matiz thì xử phạt thế nào. Nếu vi phạm, cả hai người đều bị xử lý như nhau, phương tiện tham gia hành vi đó cũng phải bị tịch thu như nhau”, Phó chủ tịch Ủy ban an toàn giao thông Quốc gia Khuất Việt Hùng khẳng định.


Trước một số ý kiến cho rằng việc tịch thu phương tiện của tài xế “ma men” khi giá trị mỗi loại xe khác nhau là không công bằng, ông Khuất Việt Hùng, Phó chủ tịch Ủy ban an toàn giao thông Quốc gia cho biết trên VnExpress, ở đây chúng ta bàn đến hình thức tịch thu phương tiện chứ không bàn đến giá trị của nó.

“Nếu phạt theo giá trị xe thì chúng tôi đã đề cập mức phạt tiền ngay từ đầu. Chúng tôi nghiên cứu và trình với Chính phủ đề xuất phạt phương tiện tham gia cùng hành vi vi phạm, uy hiếp đến an toàn xã hội. Bất cứ loại phương tiện nào cùng với người điều khiển phạm lỗi có mức xử phạt là tịch thu phương tiện thì xe máy hay ôtô không khác nhau”, ông Hùng lý giải.

Ông Hùng cũng nêu trường hợp có người ý kiến là anh này đi xe Rolls - Royce còn ông kia đi Matiz thì xử phạt thế nào? và cho biết, nếu vi phạm, cả hai người đều bị xử lý như nhau, phương tiện tham gia hành vi đó cũng phải bị tịch thu như nhau.

“Hay có người nói chỉ nên tịch thu xe không đăng kiểm hay xe đã gây tai nạn nghiêm trọng. Khi người sử dụng xe vi phạm thì phương tiện đều là như nhau, nếu chỉ thu xe không đăng kiểm thì lại giống như vấn đề so sánh giá trị xe”, ông Hùng nói thêm.

Ông Khuất Việt Hùng: Đi xe Rolls Royce hay Matiz mà vi phạm đều bị tịch thu.

Cũng theo ông Hùng, nhiều nước đã áp dụng hình sự hóa với lái xe say rượu để tăng tính răn đe. Chúng ta tránh hình sự hóa những hành vi vi phạm này, dù chúng tôi rất muốn hình sự hóa lái xe say rượu, vì chế tài càng mạnh thì càng có tính răn đe.

“Nếu cách ly người đó khỏi xã hội 1-2 năm, cơ hội của họ sẽ thấp. Còn nếu tịch thu phương tiện thì người đó vẫn có cơ hội lao động, học tập, làm những việc khác và có thể mua phương tiện khác. Rõ ràng khi tỷ lệ vi phạm nồng độ cồn còn cao như hiện nay thì chế tài hình sự sẽ gây khó khăn cho xã hội”, ông Hùng lý giải.

Ông Hùng khẳng định, nếu đề xuất này (đề xuất tịch thu xe ma men) được Chính phủ chấp thuận, chắc chắn sẽ giảm tai nạn giao thông liên quan đến rượu bia.

“Tỷ lệ vụ tai nạn xảy ra do uống rượu bia hiện chiếm 40%, những ngày lễ tết lên tới 60%. Các nguyên nhân khác gây tai nạn như lấn đường, thiếu chú ý... cũng có thể do uống rượu bia quá nồng độ mà mất kiểm soát hành vi”, ông Hùng phân tích.

Trong một cuộc trao đổi với báo chí trước đó, ông Khuất Việt Hùng cũng mượn cách nói ví von “lái xe say rượu như kẻ cầm dao chém loạn xạ trên phố”để nói về mức độ nguy hiểm của người say rượu, bia điều khiển xe tham gia giao thông.

Như tin tức đã đưa, Ủy ban ATGT Quốc gia đã đưa ra đề xuất kiến nghị Chính phủ cho phép thí điểm tịch thu bằng lái xe, tịch thu phương tiện đối với người điều khiển ô tô, mô tô say xỉn, có nồng độ cồn trên 80 miligam/100 mililít máu.

Đã có ý kiến băn khoăn về đề xuất trên.

Trao đổi trên Tuổi trẻ, luật sư Nguyễn Thị Hồng Liên, phó chủ nhiệm Đoàn Luật sư TP.HCM cho rằng, xét theo tình hình thực tiễn, việc áp dụng biện pháp tịch thu xe là chưa phù hợp trong thời điểm này”.

Theo bà Liên, biện pháp nên làm là “đánh vào túi tiền”, nâng mức phạt tiền lên để tăng sức răn đe, giáo dục và góp phần giảm thiểu tai nạn giao thông.

Đề xuất tịch thu xe ma men đang thu hút sự quan tâm của dư luận.

Trao đổi với phóng viên, luật sư Giang Hồng Thanh (Trưởng Văn phòng luật Giang Thanh) cũng cho rằng ý tưởng rất đáng hoan nghênh song cần phải cân nhắc bởi tính chất nguy hiểm cho xã hội của một anh lái xe say xỉn không lớn bằng hành vi đua xe trái phép và nhiều trường hợp khác.

"Ô tô lại là tài sản có giá trị lớn. Nếu chỉ vi phạm lần đầu, chưa gây hậu quả gì mà lại bị tịch thu phương tiện thì e rằng người bị xử lý sẽ phản ứng gay gắt. Dư luận cũng sẽ không đồng tình”, ông Thanh nêu quan điểm.

Bên cạnh đó, ông Thanh cho rằng rất nhiều trường hợp người điều khiển phương tiện chưa hẳn đã là chủ sở hữu, vậy là sẽ xảy ra tình huống “quýt làm mà cam chịu” rất khó chấp nhận.

H.Minh (tổng hợp)

Theo dõi Tinmoi.vn trên Tinmoi.vn - Google news