Tin mới

Dịch sởi, chuyện ăn cắp sách và thói ngụy biện nực cười

Thứ tư, 16/04/2014, 16:02 (GMT+7)

(Tinmoi.vn) Ăn cắp sách thì bảo là ăn cắp văn hóa, chết vì sởi thì bảo không phải chết vì sởi, thói bao biện của không ít quan chức đang khiến người dân sửng sốt vì “bội phục”.Thực hư tin trẻ "tử vong hàng loạt" do dịch sởi?Dịch sởi lan ra 12 tỉnh, thành phốĐã có 108 trẻ chết vì sởi và biến chứng sau sởi

Đã có 108 trẻ chết vì sởi và biến chứng sau sởi

Thực hư tin trẻ "tử vong hàng loạt" do dịch sởi?

(Tinmoi.vn) Ăn cắp sách thì bảo là ăn cắp văn hóa, chết vì sởi thì bảo không phải chết vì sởi, thói bao biện của không ít quan chức đang khiến người dân sửng sốt vì “bội phục”.

 

Chuyện cô nữ sinh S. ở Gia Lai chỉ vì lỡ trộm vài cuốn sách mà bị nhân viên siêu thị bắt đeo biển “tôi là kẻ trộm” và chuyện Bộ Y tế chỉ thừa nhận 25 trong số 108 bệnh nhân sởi tử vong là chết do bệnh này đang làm dân mạng Việt Nam “sốt xình xịch”. Ngoài sự phẫn nộ dành cho hành vi tàn nhẫn của siêu thị Vỹ Yên, sự thương xót các cháu bé chết vì sởi và lo lắng về tình hình dịch, người ta không khỏi ngỡ ngàng trước cách lý giải vấn đề quá “tài tình” của một số nhà quản lý.

Có lẽ vì quá phẫn nộ về chuyện một học sinh của mình bị làm nhục ở nơi công cộng – cả ngoài đời lẫn trên mạng xã hội – và quá xót thương cô bé phải chịu đựng tổn thương quá lớn mà bà Phan Thị Hằng Nga, Phó Giám đốc Sở Giáo dục Gia Lai, khi trả lời phỏng vấn một tờ báo điện tử về vụ việc này đã phát biểu rằng, em S. có hành vi trộm sách cũng chỉ do quá ham đọc mà có thể nhà nghèo không có tiền mua, rằng ăn cắp cũng có nhiều loại, ăn cắp sách có thể coi là “ăn cắp văn hóa để làm giàu văn hóa cho mình”.

 Dịch sởi, chuyện ăn cắp sách và thói ngụy biện nực cười

 

Có lẽ vì muốn bênh học sinh của mình mà vị lãnh đạo của ngành giáo dục tỉnh Gia Lai quên mất rằng chuyện nào phải ra chuyện nấy. Làm nhục người khác dù với bất cứ lý do gì, như siêu thị Vĩ Yên đã làm với em S., cũng là hành vi man rợ, cần lên án. Ham đọc sách là một đức tính đáng khuyến khích và khen ngợi, bởi ham thích này đã nhạt đi quá nhiều ở học sinh thời bây giờ. Tuy nhiên điều đó không có nghĩa là nên bao biện cho tội ăn cắp của nữ sinh kia, khoác cho hành vi đó một ý nghĩa đẹp đẽ rằng đó chỉ là hành vi làm giàu văn hóa cho bản thân.

Có lẽ khi nói như vậy, bà Nga nhớ đến một câu nói của văn hào Nga M.Gorki: “Ăn cắp sách không phải là ăn cắp”. Khi thốt ra cái câu được rất khiến nhiều người tâm đắc ấy, Gorki chắc chắn không nói đến chuyện ăn cắp sách được bày bán trong cửa hiệu, mà nói đến chuyện “quên” trả bạn bè cuốn sách hay mà mình mượn. Hai tình huống này khác nhau về bản chất. Khi cuốn sách đang được bày bán, nó là hàng hóa, “cầm nhầm” nó là ăn cắp tài sản, gây thiệt hại về quyền lợi vật chất cho người khác.

Có thể làm giàu văn hóa cho bản thân bằng hành vi ăn cắp sao? Phó giám đốc Sở Giáo dục Gia Lai có thể định hướng gì cho các học sinh trong việc bồi dưỡng nhân cách bằng quan điểm này, nhất là khi, như bà nói, các em đang trong giai đoạn phát triển tâm lý? Là một nhà giáo dục, lẽ nào bà Nga lại quên rằng chính ở giai đoạn phát triển tâm lý và định hình nhân cách đó, việc giúp các em biết tự trọng, biết phân biệt đúng sai, tốt xấu có tầm quan trọng sống còn? Chúng ta có thể thông cảm với em S., nhưng đừng khiến S.  – và những em khác - hiểu rằng ăn cắp sách thì đáng thông cảm hơn ăn cắp những hàng hóa khác. Các cụ xưa nói, “ăn cắp quen tay, ngủ ngày quen mắt”. Người Pháp cũng nói: “Bé là quả trứng, lớn là con bò”. Cho dù giá tiền của những vật bị “cầm nhầm” đó khác nhau, nhưng bản chất của hành vi hoàn toàn giống nhau. Dù là trẻ em cũng cần biết điều đó. Việc bao biện cho hành vi trộm sách như bà Nga đã làm nghe thì bao dung độ lượng, nhưng e là không có lợi về giáo dục.

Sự ngụy biện của bà Nga có lẽ xuất phát từ sự xúc động, do cảm xúc hơi “che mờ” lý trí, nhưng sự ngụy biện của các nhà quản lý y tế Việt Nam trong dịch sởi năm nay thì chắc chắn là một việc thuần lý trí và có tính toán. Cho dù các bác sĩ cho biết đã có hàng trăm bệnh nhân sởi thiệt mạng trong 2 tháng, Bộ Y tế vẫn chỉ thừa nhận con số 25.  Chỉ đến khi cảm thấy con số này không thuyết phục được ai, bởi người dân bây giờ không chỉ có một nguồn thông tin duy nhất là văn bản chính thức của cơ quan quản lý, Bộ mới chịu “thò” ra con số cao gấp 4 lần: 108. Tuy nhiên, cơ quan này vẫn khẳng định không hề “giấu bớt” số ca tử vong, bởi vì thực ra trong 108 bệnh nhân sởi tử vong ấy, chỉ 25 người thực sự chết do sởi, số còn lại là chết do mắc sởi kết hợp với các bệnh nền khác như viêm phổi, viêm đường hô hấp, tim mạch, suy dinh dưỡng… “Con số 25 ca tử vong mà Bộ Y tế công bố là hợp lý”, tiến sĩ Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, nói.

 Dịch sởi, chuyện ăn cắp sách và thói ngụy biện nực cười

Dịch sởi đã làm chết 108 đứa trẻ trong vòng 2 tháng.

Nếu bắt chước lập luận của Bộ Y tế, ta có thể khẳng định luôn là trên thế giới chẳng có ai chết vì HIV/AIDS cả, mà chết vì các loại nhiễm trùng hay khối u… đấy chứ; và kẻ cầm dao đâm chết người có thể lý sự rằng nạn nhân có chết vì dao của tôi đâu, chết vì vỡ tim đấy chứ… Những đứa trẻ mắc sởi đã tử vong bị Bộ Y tế loại ra khỏi danh sách “chết do sởi” kia, liệu có mất mạng không nếu chỉ đơn thuần bị suy dinh dưỡng hay viêm đường hô hấp mà không “dính” thêm bệnh sởi? Trong khi đó, các tài liệu y khoa về bệnh sởi đều cho biết, căn bệnh này làm yếu hệ miễn dịch và tình trạng suy dinh dưỡng, viêm phổi… là những hậu quả kéo theo của nó.

Cuộc giằng co giữa dư luận và ngành y tế về chuyện công bố hay không công bố dịch là “kịch bản” quá quen thuộc mỗi khi có dịch bệnh bùng phát bất thường, ảnh hưởng nghiêm trọng đến tính mạng và sức khỏe của nhiều người dân. Là cơ quan chăm lo sức khỏe của dân nhưng Bộ Y tế luôn là lực lượng “kiên định” nhất trong việc trì hoãn hoặc từ chối công bố dịch, cho dù người dân đã phát hoảng lên vì có quá nhiều người chết. Dịch tả năm 2008 (hồi đó ngành y tế kiên quyết không dùng từ “dịch tả”, đồng thời yêu cầu báo chí không dùng từ này mà gọi là “dịch tiêu chảy cấp nguy hiểm”) cũng vậy và dịch sởi bây giờ cũng vậy, bất chấp đề xuất của người dân và các bác sĩ.

Bộ viện cớ, tiêu chuẩn công bố dịch phải là số người mắc vượt quá dự tính của cơ quan y tế tuyến tỉnh, có ít nhất một trong các yếu tố nguy cơ như quy mô, tính chất dịch vượt quá khả năng kiểm soát của y tế tuyến tỉnh, có sự biến đổi tác nhân gây bệnh dẫn đến nguy cơ tăng tỷ lệ tử vong và chưa có biện pháp khống chế hiệu quả… Bộ Y tế có sai chỗ nào đâu, bởi tuy số tử vong cao vọt đến xót ruột nhưng con số mắc sởi không bằng năm trước, và các cơ quan y tế vẫn tự cho là đang kiểm soát được tình hình. Bộ cũng khẳng định virus sởi chưa có sự biến đổi về gene và độc lực…

Là người dân, thật khó mà lý sự được với quan chức y tế đầy mình thuật ngữ chuyên môn, nhưng lại có quyền đặt câu hỏi: Có phải là bất thường không khi sởi - căn bệnh vốn lành tính - bỗng nhiên lại làm chết quá nhiều người và có tỷ lệ biến chứng nghiêm trọng cao như thế? Thế nào là bệnh vẫn đang trong tầm kiểm soát, có liên quan gì đến con số tử vong không, nếu có thì 108 mạng người đã được coi là nhiều chưa? Bộ khẳng định virus sởi chưa có biến đổi về độc lực, vậy phát biểu của Trưởng khoa Nhi Bệnh viện Bạch Mai Nguyễn Tiến Dũng, người đang trực tiếp điều trị cho rất nhiều trẻ mắc sởi nặng, phải chăng là sai: "Đã có những thay đổi ở virus gây sởi trong mùa dịch này, đặc biệt là tình trạng virus tấn công thẳng vào phổi, làm phổi trẻ mờ trắng chỉ một ngày sau khi vào viện, trẻ suy hô hấp nhanh phải hỗ trợ thở oxy hoặc thở máy. Trong khi thông thường, các biến chứng viêm phổi, tiêu chảy... chỉ xuất hiện khi ban sởi đã bay hết"?.

Là nhà quản lý, dĩ nhiên Bộ Y tế luôn có cách chứng minh mình đúng bằng các thuật ngữ y học hay văn bản pháp quy, còn người dân thì chỉ cần biết rằng: nhiều đứa trẻ đã chết hoặc đang vật vã chiến đấu với thần chết, và nếu như được cảnh báo sớm hơn, với mức độ cao hơn về dịch bệnh, tình hình rất có thể đã không tệ như vậy, và rằng những tiêu chuẩn, quy định được lập ra cũng chỉ để phục vụ con người, trước tiên là để giữ mạng sống.

Sự mập mờ, “lý sự cùn” của ngành y tế khiến người dân có quyền nghi ngờ rằng, thay vì coi việc bảo vệ mạng sống, sức khỏe của bệnh nhân làm mục tiêu tối thượng, Bộ đang nghĩ trước tiên đến việc bảo vệ thành tích, giảm phần trách nhiệm của mình. 108 đứa trẻ ấy dù là chết do sởi hay chỉ chết vì biến chứng của sởi thì thực tế vẫn là: nếu không mắc sởi, chúng vẫn còn sống. Sự bao biện của Bộ Y tế về nguyên nhân tử vong thực sự của các bé, vì vậy, chỉ có ý nghĩa khi người ta cần làm báo cáo tổng kết về thành tích hay trách nhiệm của ngành mà thôi, hoàn toàn không liên quan đến đời sống thật của người dân. 

Minh Chính

Theo dõi Tinmoi.vn trên Tinmoi.vn - Google news

30 ngày giành giật sự sống cho con tại tâm sởi

Nhìn bức ảnh trẻ thơ thoi thóp nằm trên giường bệnh vì sởi, tim người mẹ trẻ lại quặn lại, có lúc không kìm được nước mắt. Bởi chị đã có 30 ngày sinh tử cùng con tại tâm sởi.