Theo ông Cường, lượng mưa lớn và hoàn lưu sau bão chính là điểm quan ngại và "nguy hiểm chết người" của cơn bão số 4 với hướng đi vòng vèo nhất từ đầu mùa.
Sau nhiều lần đổi hướng di chuyển, đến chiều 15/8 đang đi theo hướng Tây, tăng cường độ từ cấp 8 lên cấp 9, phạm vi ảnh hưởng cũng rộng hơn từ Quảng Ninh đến Nghệ An.
TS. Hoàng Đức Cường, Giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng Thuỷ văn Quốc gia cho biết đến chiều 15/8, bão số 4 cách Móng Cái 370 km, Thái Bình 550 km, Vinh 650 km.
Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 9, giật cấp 11. Theo ông Cường, bão số 4 đổi hướng di chuyển, tăng tốc và mạnh dần hơn.
Mô hình dự báo của nước ngoài đều cho thấy bão sẽ di chuyển theo hướng Tây, rồi chuyển hướng Tây Tây nam.
Sáng mai (16/8), bão số 4 sẽ đi vào khu vực vịnh Bắc Bộ, duy trì cấp 9. Rạng sáng 17/8, bão khả năng giảm cấp 8, giật cấp 10-11, cập bờ và ảnh hưởng trực tiếp khu vực nam đồng bằng Bắc Bộ đến Bắc Trung Bộ.
"Nếu đổ bộ sớm có thể là khoảng 3-4h, muộn có thể là 9-10h ngày 17/8, tâm bão từ Hải Phòng đến Nghệ An, sức gió mạnh cấp 8. Ngay sau đó, bão số 4 di chuyển sang khu vực thượng Lào và tan dần", ông Cường nói.
Ông Hoàng Đức Cường.
Theo ông Cường, từ đêm mai đến hết ngày 17/8, mưa lớn, dồn dập ở khu vực Bắc Bộ, Bắc Trung Bộ, trọng điểm ở Đông Bắc, Tây Bắc Bộ, nam Sơn La, Hoà Bình, Nghệ An.
Quan ngại nhất đối với cơn bão này theo phân tích của TS Hoàng Đức Cường đó là lượng mưa lớn và hoàn lưu sau bão. Trọng điểm mưa là Đông Bắc, đồng bằng Bắc Bộ và Bắc miền Trung. Lượng mưa khoảng 250 - 350mm/cả đợt.
Ông Cường nhấn mạnh, đây có thể được coi là điểm "nguy hiểm chết người" của cơn bão có hướng đi vòng vèo nhất từ đầu mùa. Chính vì mưa lớn nên cảnh báo ngập úng các vùng trũng, thấp tại vùng đồng bằng Bắc Bộ.
Trọng điểm mưa sau khi bão số 4 đi sang Lào là các tỉnh, thành Hà Nội, Hải Phòng, Ninh Bình, Nam Định. Ông Cường cũng cảnh báo mực nước lũ ở Chương Mỹ (Hà Nội) có thể ở mức báo động 2-3, gây ngập úng song mức độ không bằng đợt lũ vào trung tuần tháng 7.
"Các tỉnh Hoà Bình, Sơn La, Yên Bái, Phú Thọ, Quảng Ninh, Lạng Sơn, Cao Bằng, Thanh Hoá, Nghệ An cần đề phòng nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất", ông nêu rõ.
Ông Trần Quang Hoài, Tổng cục trưởng Tổng cục Phòng chống thiên tai, cho biết đáng lo nhất hiện nay là sau nhiều ngày mưa, đất đã bão hoà nước và nguy cơ rất cao tiếp tục xảy ra lũ quét, đặc biệt là sạt lở đất, nếu xảy ra mưa lớn.
Trong những trận lũ, lũ quét, sạt lở đất xảy ra vừa qua, thống kê ở 7 tỉnh phía Bắc vẫn còn 3.589 hộ dân không có chỗ ở đảm bảo an toàn, cần phải di dời.
Theo đó, yêu cầu các địa phương triển khai ngay các lực lượng xung kích tại các thôn, bản để kiểm tra, rà soát, hướng dẫn di dời dân cư hiện đang sống trong khu vực nguy hiểm đến nơi an toàn.
Đặc biệt, ở những khu vực có nguy cơ cao xảy ra lũ quét và sạt lở đất, chính quyền phải cử lực lượng canh gác, cắm biển cảnh báo không cho người dân qua lại.
Tại khu vực Chương Mỹ, ông Hoài cho biết nước mới rút cạn, mực nước trên sông Bùi hiện nay khoảng 4,2 m (dưới mức báo động 1 là 1,8 m).
Do đó, ông Hoài đề nghị theo dõi sát diễn biến mưa, mực nước tại các khu vực thấp trũng để chủ động phòng tránh.
Đặc biệt đảm bảo đời sống, sinh hoạt và môi trường khu vực Chương Mỹ; phối hợp tốt giữa các địa phương trong việc chỉ đạo, điều hành chống ngập úng đô thị bơm nước ra sông Đáy, sông Nhuệ.
Trước đó, để ứng phó với bão số 4, Phó chủ tịch Thường trực UBND TP. Hà Nội Nguyễn Văn Sửu đã yêu cầu các đơn vị không chủ quan, triển khai ngay phương án "3 sẵn sàng", "4 tại chỗ", "5 không" (không Đuối nước, không để nhân dân bị đói, không bị khát, không bị điện giật, không bị dịch bệnh).
Đặc biệt, ông yêu cầu các quận, huyện, thị xã, nhất là các huyện: Chương Mỹ, Quốc Oai, Mỹ Đức, Thạch Thất… tiếp tục huy động lực lượng, phương tiện, chủ động khắc phục hư hỏng, sự cố công trình trong đợt mưa lũ vừa qua; huy động lực lượng tiếp tục bảo đảm an toàn hệ thống đê tả Bùi, tả Tích, đặc biệt là khu vực đê đã bị tràn trong đợt mưa lũ cuối tháng 7.
Hoàng Đan