Nếu Trái đất đột ngột ngừng quay sẽ là thảm họa. Hầu như tất cả mọi người và mọi thứ không gắn liền với hành tinh sẽ tiếp tục di chuyển với tốc độ quay hiện tại của nó, nhanh nhất khoảng 1.600km/h, dọc theo đường xích đạo.
Andrew Layden , giáo sư vật lý và thiên văn học tại Đại học Bowling Green State ở Ohio, cho biết: “Động lượng của tất cả các vật chất thường quay – nước, không khí, tất cả các tòa nhà và những thứ tương tự – sẽ khiến chúng tiếp tục quay. Vì vậy, chúng [sẽ] tách ra khỏi bề mặt và tiếp tục di chuyển vòng quanh, về cơ bản, trong một quỹ đạo thấp quanh Trái đất".
Những phần duy nhất trên hành tinh của chúng ta có khả năng ít bị ảnh hưởng hơn sẽ nằm ở hoặc gần các cực, vốn quay ít hoặc không quay chút nào. Tuy nhiên, lực cực mạnh có thể sẽ gây ra sóng thần và động đất , vì vậy mọi thứ sẽ khá tồi tệ đối với toàn bộ Trái đất.
Nếu Trái đất quay chậm lại và dừng lại dần dần, cuộc sống vẫn sẽ thay đổi mạnh mẽ. Chẳng hạn, độ dài ngày và đêm sẽ dài hơn cho đến khi mỗi ngày kéo dài được 6 tháng. Layden cho biết, nó cũng sẽ thay đổi thời tiết của chúng ta vì các dòng không khí và đại dương bị ảnh hưởng mạnh mẽ bởi sự quay của Trái đất.
Chuyên gia này cho biết việc thiếu chuyển động quay có thể sẽ ảnh hưởng đến khả năng tồn tại của sự sống trên Trái đất. Hành tinh này tạo ra một từ trường, giúp bảo vệ chúng ta khỏi bức xạ có hại từ không gian. Các nhà khoa học cho rằng từ trường của Trái đất có liên quan đến kim loại lỏng đang chảy ở lõi ngoài hành tinh, tạo ra dòng điện và tạo ra từ trường do Trái đất quay. Việc mất từ trường của Sao Hỏa trong quá khứ xa xôi đã góp phần khiến hành tinh này trở nên không thể ở được.
Dẫu vật, khả năng Trái đất ngừng quay là rất khó xảy ra. Mọi hành tinh mà chúng ta biết đều quay, ngay cả những ngôi sao cũng quay chậm. Các ngôi sao hình thành từ những khối khí và bụi khổng lồ quay tròn, ngưng tụ lại với nhau dần dần. Bởi vì hệ mặt trời được hình thành từ một đĩa mảnh vụn khổng lồ, quay quanh mặt trời nên vật chất hình thành nên nó cũng đang quay tròn. Đây là lý do tại sao hầu hết các hành tinh trong hệ mặt trời đều quay cùng một hướng.
Các hành tinh cũng quay tròn do có vật thể va vào chúng, thường là trong quá trình hình thành. Giống như bi-a, trừ khi các vật thể chạm trực diện vào nhau, một hoặc cả hai sẽ bắt đầu quay.
Layden cho biết, bị va chạm cũng là một trong những nguyên nhân duy nhất khiến một hành tinh thực sự có thể ngừng quay đột ngột, hoặc ít nhất khiến tốc độ quay của nó bị chậm lại đáng kể. Nếu một vật thể rất lớn, có kích thước bằng hành tinh đâm vào Trái đất thì có thể khiến Trái đất ngừng quay hoặc quay theo hướng ngược lại. Điều này có thể đã xảy ra với ít nhất một hành tinh trong hệ mặt trời của chúng ta.
Sao Kim quay rất chậm, chậm hơn so với Trái đất vả tất cả các hành tinh khác, có thể là do một vụ va chạm như vậy. Sao Thiên Vương cũng quay theo hướng ngược lại với Trái đất. Các nhà khoa học cho rằng cả chuyện động quay ban đầu của sao Thiên Vương và Sao Kim có thể đã bị "dừng lại" do một tác động lớn, một số tác động động nhỏ hơn hoặc lực hấp dẫn lớn làm gián đoạn chuyển động quay của chúng. Trong trường hợp của Sao Kim, đó có thể là lực hấp dẫn của mặt trời lên bầu khí quyển dày của hành tinh này. Đối với sao Thiên Vương, có thể là do một mặt trăng lớn bị đẩy ra khỏi quỹ đạo của nó.
May mắn thay, quá trình quay của hành tinh chúng ta không có nguy cơ bị gián đoạn bởi lực hấp dẫn cực lớn và nếu Trái đất va chạm với một vật thể có kích thước bằng hành tinh, chúng ta sẽ có những điều lớn hơn phải lo lắng. Tuy nhiên, Layden cho biết, kịch bản này khó có thể xảy ra trong hệ mặt trời hiện đại bởi quỹ đạo của các hành tinh khá đều đặn, khó có thể cắt ngang đường đi của các vật thể có khối lượng lớn.