“Nhiều ý kiến kêu đoàn Chữ thập đỏ Việt Nam ở lại giúp đỡ Nepal, vậy còn cha còn mẹ, còn vợ chồng con cái họ ở nhà bỏ cho ai? Nhỡ một trận động đất kinh hoàng hơn xảy ra thì ai lo cho họ?”.
Trận động đất mạnh 7,8 độ Richter hôm 25/4 đã khiến đất nước Nepal chìm trong cảnh tang tóc, đổ nát. Hàng ngàn người thiệt mạng, hàng vạn người bị thương, hàng triệu người bị ảnh hưởng và nhiều công trình, nhà cửa bị phá hủy bởi trận động đất kinh hoàng.
Hơn một tuần trôi qua từ khi xảy ra trận động đất, các nỗ lực cứu hộ vẫn đang diễn ra tại Nepal. Bên cạnh các thông tin về diễn biến sự việc là những tranh cãi đến giờ vẫn chưa dứt về việc đoàn 10 người của Hội Chữ thập đỏ (CTĐ) Việt Nam sang Nepal học hỏi kinh nghiệm ứng phó với thiên tai, động đất nhưng khi gặp động đất thật lại vội vàng rời nước bạn để về Việt Nam.
Suốt những ngày qua, hành động rời Nepal khi gặp động đất của đoàn công tác Hội CTĐ Việt Nam đã tạo ra những cuộc tranh cãi không ngừng của dư luận trong nước. Đa số các ý kiến lên án, chỉ trích hành động bị cho là “trốn chạy”, không có tinh thần nhân đạo của đoàn công tác Hội CTĐ Việt Nam. Ngược lại, một số ý kiến lại tỏ ra cảm thông với nhóm cán bộ CTĐ.
Bạn đọc Huy Nguyễn bình luận: “Mỗi khi ở đâu đó có thiên tai, các nước thi nhau cử các tổ chức Chữ thập đỏ hay tổ chức cứu nạn và y tế tới giúp. Thiên tai lần này tại Nepal thật là quá đau xót, nó quá sức tưởng tượng của mọi người khi quá nhiều người chết và mất mát về tiền của so với một đất nước nghèo như vậy. Ngồi đọc những tin tức về họ và mong có một điều kỳ diệu nào đó đến với đất nước này thì đọc được tin về nhóm Chữ thập đỏ của quê mình.
Rõ ràng trực tiếp ở bên đó để học hỏi kinh nghiệm về động đất, vậy mà khi có động đất thật thì sao không ở lại để học kinh nghiệm thực tiễn? Không ở lại giúp đỡ những con người ấy vậy? Nếu là bạn hay tôi hoặc bất kì ai ở trong trường hợp đó cũng thấy sợ và mong được sớm trở về nhà, nhưng khi đã mang trong mình một chức danh nào đó thì hãy cố làm tốt trách nhiệm, vì ngoài kia còn có vô số người không cần những chức danh đó vẫn đang cố gắng giúp đỡ nhiệt tình những người khó khăn hoạn nạn. Thật buồn khi đọc cái tin "Nhóm người Việt đầu tiên rời Nepal an toàn" lại là nhóm Chữ thập đỏ của Việt Nam sang học hỏi về cách ứng phó đối với động đất!”.
Anh Nguyễn Xuân Duy - một thành viên trong đoàn công tác của Hội Chữ thập đỏ Việt Nam - đang kể lại việc thoát hiểm khi gặp động đất ở Nepal sau khi về Việt Nam an toàn. Ảnh: VNE. |
Bạn M.A tỏ ra bức xúc: “Mình phát biểu hơi tàn nhẫn, nhưng mà đi học ứng phó với động đất thì ở lại giúp đỡ rồi học, chứ đi về thì chỉ học được chen chân chạy khi xảy ra thiên tai thôi. Có bài học trước mắt không chịu học”.
“Giờ tôi mới biết, ứng phó với động đất tức là tìm cách chạy thoát thân khỏi nơi động đất càng nhanh càng tốt. Còn những người xung quanh ta bị nạn thì mặc kệ”, bạn Dũng Nguyễn Đức chua chát.
Nick-name Thanh Nguyên bình luận: “Không tin được các anh chị là người của Hội Chữ thập đỏ. Nếu không giúp người dân Nepal, cũng mong anh chị giúp những người Việt Nam đang gặp khó khăn tại đó. Đằng này chỉ biết bỏ chạy?!”.
Độc giả tên Huy thì nhận xét: “Đáng lẽ phải ở lại, trước hết là cùng với Hội Chữ thập đỏ Nepal giúp đỡ người dân vì những người này là người của Hội CTĐ Việt Nam chứ không phải du khách. Hội CTĐ Việt Nam nhân cơ hội này không quyết định cho nhân viên của mình ở lại giúp đỡ người dân nước bạn sao? Thứ hai là ở lại để học hỏi kinh nghiệm thực tế ứng phó một trận động đất rất lớn như thế này mới thu thập được nhiều kinh nghiệm. Có một bài học quí báu mà không chịu học, chỉ muốn học trên lý thuyết thôi!”.
Ở chiều ngược lại, nhiều người có cái nhìn cảm thông đối với hành động trở về nước của đoàn công tác Hội CTĐ Việt Nam.
Độc giả có nick-name Lý Sự bình luận: “Nhiều ý kiến kêu đoàn Chữ thập đỏ Việt Nam ở lại giúp đỡ Nepal, vậy còn cha còn mẹ, còn vợ chồng con cái họ ở nhà bỏ cho ai? Nhỡ một trận động đất kinh hoàng hơn xảy ra thì ai lo cho họ? Ai mà không ích kỉ nghĩ cho bản thân gia đình trước chứ. Cứ tự đặt mình vô hoàn cảnh người ta xem có bỏ chạy thục mạng về không, toàn anh hùng bàn phím!”.
Bạn Út Chí đồng tình: “Mình đồng ý với ý kiến này. Trong khi ai nấy cũng muốn được rời Nepal vì quá nguy hiểm, bao nhiêu người tập trung ở sân bay để được về nước, thì chúng ta không có lý do gì để chỉ trích họ cả. Nếu họ ở lại họ sẽ làm được gì và giúp như thế nào. Thật vui vì họ vẫn còn sống”.
“Vé là họ đã được đặt sẵn, khi họ ở lại thì phải bỏ vé và tốn thêm chi phí để trở về. Mà cũng không biết chừng nào mới về được trong tình trạng đó. Cộng thêm chi phí phát sinh khi ở lại. Bạn có thấy họ ăn mì gói với nước suối còn thừa không? Họ cũng chỉ là công chức thôi, dù có muốn ở lại cũng phải lo thân trước, không lo được thì làm gánh nặng thêm thôi”, thành viên Vịt viết.
Bạn đọc Anh Quynh phân tích: “Đây là đoàn cán bộ sang học tập, chia sẻ kinh nghiệm chứ không phải đoàn đi cứu trợ, các bạn bình luận cần hiểu rõ vấn đề. Những đoàn đi cứu trợ là những đoàn đã được trang bị đầy đủ các điều kiện và có kinh nghiệm tối thiểu. Trước khi cứu ai hãy xác định rõ mình có đủ điều kiện, kinh nghiệm để cứu họ không? Giống như một người không biết bơi mà cứ thấy có người sắp chết đuối là nhảy ùm xuống nước, lúc đó chưa cứu được thì đã chết toi rồi”.
“Mình nghĩ các bạn chỉ trích đoàn Chữ thập đỏ Việt Nam là quá khắt khe. Các bạn không ở trong hoàn cảnh của họ, có thể nói là thập tử nhất sinh, các bạn ngồi yên ấm ở Việt Nam, lướt web đọc tin và lên án những người vừa trải qua thảm họa. Mạng sống là vô cùng quí giá, và ai trong đoàn cũng có gia đình. Nếu những người trong đoàn là bố, mẹ, anh, chị, em hay con của các bạn thì liệu các bạn có muốn họ ở lại thêm phút giây nào nữa không?”, độc giả Mai Liên đưa ra ý kiến.
Nhiều người cho rằng, hành động rời Nepal khi xảy ra động đất của đoàn công tác Hội CTĐ Việt Nam không sai, nhưng cái cách họ kể lại sự việc, cách họ thể hiện cảm xúc trên báo chí và trên mạng xã hội sau khi trở về Việt Nam an toàn là không khéo và phản cảm, từ đó dẫn đến việc bị dư luận chỉ trích, “ném đá” dữ dội.
Mới đây, bức ảnh được cho là chụp một thành viên trong đoàn công tác Hội CTĐ Việt Nam vui cười tạo dáng đứng trước một ngôi nhà bị sập do động đất cũng khiến dư luận bức xúc.
Hoàng Cường