Tin mới

Đơn giản hóa thủ tục đăng ký kinh doanh nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp phát triển

Thứ hai, 13/10/2014, 11:31 (GMT+7)

Đăng ký kinh doanh (ĐKKD) là một trong những thủ tục quan trọng trong khởi sự kinh doanh của các doanh nhân. Trong những năm qua, công tác đăng ký kinh doanh đã có nhiều chuyển biến quan trọng, ngày càng đáp ứng tốt hơn nhu cầu phát triển của nền kinh tế, đặc biệt là phục vụ sự tăng trưởng mạnh mẽ của khối kinh tế tư nhân. Tuy nhiên, thủ tục ĐKKD ở Việt Nam vẫn còn một số điểm cần tiếp tục hoàn thiện để góp phần thúc đẩy việc gia nhập thị trường của các doanh nghiệp. Chúng tôi đã có cuộc trao đổi với TS. Trần Thị Hồng Minh – Cục trưởng Cục Quản lý Đăng ký kinh doanh, Bộ Kế hoạch & Đầu tư xung quanh vấn đề này.

 

 

Đăng ký kinh doanh (ĐKKD) là một trong những thủ tục quan trọng trong khởi sự kinh doanh của các doanh nhân. Trong những năm qua, công tác đăng ký kinh doanh đã có nhiều chuyển biến quan trọng, ngày càng đáp ứng tốt hơn nhu cầu phát triển của nền kinh tế, đặc biệt là phục vụ sự tăng trưởng mạnh mẽ của khối kinh tế tư nhân. Tuy nhiên, thủ tục ĐKKD ở Việt Nam vẫn còn một số điểm cần tiếp tục hoàn thiện để góp phần thúc đẩy việc gia nhập thị trường của các doanh nghiệp. Chúng tôi đã có cuộc trao đổi với TS. Trần Thị Hồng Minh – Cục trưởng Cục Quản lý Đăng ký kinh doanh, Bộ Kế hoạch & Đầu tư xung quanh vấn đề này.

PV: Xin chào TS. Trần Thị Hồng Minh! Thưa Bà, dưới góc độ là cơ quan quản lý Nhà nước về ĐKKD, xin Bà cho biết thực trạng đăng ký kinh doanh ở Việt Nam trong thời gian qua như thế nào?

TS. Trần Thị Hồng Minh: Trong những năm qua, thực hiện chủ trương của Đảng và Nhà nước về cải cách hành chính, Chương trình cải cách đăng ký kinh doanh quốc gia được triển khai từ năm 2007 đến nay đã đạt được rất nhiều thành tựu, đóng góp lớn trong việc cải thiện môi trường kinh doanh tại Việt Nam; với 02 kết quả nổi bật là: Hoàn thiện khung khổ pháp lý về đăng ký kinh doanh và thiết lập được Hệ thống Thông tin đăng ký doanh nghiệp quốc gia.

Hiện nay, thời gian xử lý thủ tục hành chính đã được rút ngắn, thành phần hồ sơ đăng ký kinh doanh được đơn giản hóa với các mẫu biểu được quy định rõ ràng, thuận tiện cho doanh nghiệp kê khai; thủ tục đăng ký kinh doanh được hợp nhất với thủ tục đăng ký thuế theo nguyên tắc “một cửa liên thông” tạo thuận tiện cho doanh nghiệp.

PV: Dự thảo Luật Doanh nghiệp sửa đổi dự kiến sẽ được thông qua tại Kỳ họp Thứ 8, Quốc hội Khóa XIII sắp tới. Vậy, Bà có thể cho biết một số điểm mới cơ bản về ĐKKD trong Dự thảo lần này và đánh giá của Bà về sự thay đổi này?

TS Trần Thị Hồng Minh: Dự thảo Luật Doanh nghiệp sửa đổi đã có nhiều quy định mới về lĩnh vực ĐKKD, trong đó có những điểm quan trọng như:

Thứ nhất, tách bạch được thủ tục đầu tư và thủ tục đăng ký kinh doanh đối với nhà đầu tư nước ngoài. Theo đó, nhà đầu tư nước ngoài cũng phải thực hiện đăng ký kinh doanh tại cơ quan đăng ký kinh doanh, thay vì trước đây ghép chung với thủ tục đầu tư;

Thứ hai, đơn giản hóa thành phần hồ sơ đăng ký kinh doanh theo hướng: bãi bỏ những thành phần giấy tờ mang tính tiền kiểm hiện đang gây khó khăn cho doanh nghiệp;

Thứ ba, bãi bỏ cơ bản việc ghi ngành nghề kinh doanh trên Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, thay vào đó, chỉ ghi nếu doanh nghiệp kinh doanh ngành nghề kinh doanh có điều kiện theo quy định của pháp luật;

Thứ tư, quy định nguyên tắc phải kết hợp đồng thời thủ tục đăng ký doanh nghiệp với các thủ tục về thuế, đăng ký lao động, bảo hiểm xã hội.

PV: Thưa Bà, có ý kiến cho rằng, nếu không ghi ngành nghề trong Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp sẽ gây ra nhiều khó khăn cho công tác quản lý Nhà nước trong việc kiểm soát hoạt động của doanh nghiệp. Quan điểm của Bà về vấn đề này như thế nào, thưa Bà?

TS Trần Thị Hồng Minh : Chúng tôi đồng tình với việc giảm thiểu tối đa việc ghi ngành, nghề kinh doanh trên Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, bởi đây cũng là thông lệ quốc tế.

Về công tác quản lý Nhà nước, theo Dự thảo Luật thì cơ quan Nhà nước vẫn có các thông tin về ngành, nghề kinh doanh dự kiến của doanh nghiệp (ngoài những ngành, nghề có điều kiện) bởi doanh nghiệp vẫn kê khai những ngành, nghề đăng ký trong Giấy đề nghị đăng ký doanh nghiệp (Điều 28). Tuy nhiên, do không ghi những ngành, nghề có điều kiện lên Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp nên việc kê khai ngành, nghề của doanh nghiệp sẽ dễ dàng hơn; không khó khăn như hiện nay.

Những quy định này sẽ tạo điều kiện cho việc đăng ký kinh doanh dễ dàng hơn, rẻ hơn cho doanh nghiệp và sẽ rút ngắn thời gian gia nhập thị trường của doanh nghiệp.

__________________________________________________

Bài phỏng vấn trên được thực hiện trong khuôn khổ Chương trình Hỗ trợ pháp lý liên ngành dành cho doanh nghiệp theo Quyết định số 585/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ (gọi tắt là Chương trình 585) do Bộ Tư pháp chủ trì, Đài Truyền hình Việt Nam và Công ty Cổ phần Truyền thông ALO phối hợp thực hiện, với sự hỗ trợ của Tổng Công ty Khí Việt Nam - PV Gas. Chi tiết nội dung trên được thực hiện trong chuyên mục Tọa đàm “Kinh doanh & Pháp luật”, phát sóng định kỳ hàng tuần vào 17h30’ Thứ bảy, phát lại vào 09h00’ Chủ nhật trên Kênh VTV2- Đài Truyền hình Việt Nam. Kính mời bạn đọc theo dõi!

Theo Người đưa tin

Theo dõi Tinmoi.vn trên Tinmoi.vn - Google news
Từ khóa: đăng ký kinh doanh