Tin mới

"Đòn hiểm" của MI6, CIA và các cuộc thương thảo bí mật khiến Libya từ bỏ vũ khí hạt nhân

Thứ năm, 10/05/2018, 21:06 (GMT+7)

Tháng 9/2013, tình báo CIA và MI6 bí mật tới Tripoli gặp Gaddafi. Sau 17 phút chỉ trích Mỹ và phương Tây, Gaddafi trở nên nghiêm túc và nói rằng ông muốn "rửa sạch thanh danh".

Tháng 9/2013, tình báo CIA và MI6 bí mật tới Tripoli gặp Gaddafi. Sau 17 phút chỉ trích Mỹ và phương Tây, Gaddafi trở nên nghiêm túc và nói rằng ông muốn "rửa sạch thanh danh".

LTS: Ngày 29/4 vừa qua, trong một cuộc phỏng vấn với đài truyền hình Fox News, Cố vấn An ninh Mỹ John Bolton đã tuyên bố nước này đang cân nhắc áp dụng kiểu mẫu giải trừ hạt nhân của hồi những năm 2003-2004 đối với Triều Tiên. Tuyên bố này đã gây nhiều tranh cãi trong dư luận trong những ngày vừa qua.

Tòa soạn xin trân trọng gửi tới quý độc giả loạt bài tư liệu về Quá trình giải trừ vũ khí hạt nhân và các vũ khí hủy diệt hàng loạt khác của Libya để giúp quý độc giả có cái nhìn tổng quan hơn về sự kiện lịch sử này.


Đêm 19/12/2003, lãnh đạo Libya Gaddafi đã khiến cả thế giới phải bất ngờ khi lên tiếng xác nhận một điều: Libya đã quyết định từ bỏ nỗ lực chế tạo bom hạt nhân, kho vũ khí hóa học và toàn bộ tên lửa tầm xa của mình.

Quyết định của Libya đã khiến ngay cả những chuyên gia kiểm soát vũ khí giàu kinh nghiệm nhất cũng phải ngạc nhiên.

Những thông cáo chuẩn chỉ, đầu tiên là từ Bộ ngoại giao Libya, sau đó là Gaddafi, rồi tới Thủ tướng Anh Tony Blair và cuối cùng là Tổng thống Mỹ George W. Bush, là kết quả của nhiều tháng ngoại giao cẩn trọng, công tác phân tích, thu thập tình báo khéo léo, chiến dịch chống phổ biến vũ khí táo bạo, nhiều thập kỷ cấm vận kinh tế và cuối cùng - như cựu Thứ trưởng Ngoại giao đặc trách An ninh Quốc tế và Kiểm soát Vũ khí Mỹ Robert G. Joseph nói trong cuốn sách của mình - là quyết tâm mang tính chiến lược của ông Gaddafi: "Ông ta có nhiều thứ để mất hơn là được nếu duy trì chương trình vũ khí".

"Rửa sạch thanh danh"

Tính đến mùa xuân năm 2003, Gaddafi rõ ràng vẫn còn nghi ngờ về chương trình hạt nhân và vũ khí hóa học của mình, có lẽ là vì những lý do liên quan tới sự an toàn của bản thân. Mặc dù Libya đã công khai phủ nhận sở hữu chương trình vũ khí hạt nhân, Gaddafi vẫn tìm kiếm đối thoại về vũ khí hủy diệt hàng loạt với phương Tây.

Chỉ vài ngày sau khi Mỹ tấn công Iraq vào tháng 3/2003, con trai Gaddafi, Saif al-Islam và Musa Kusa, người đứng đầu lực lượng tình báo nước ngoài của Libya lúc bấy giờ, đã tiếp cận các quan chức Anh.

Đòn hiểm của MI6, CIA và các cuộc thương thảo bí mật khiến Libya từ bỏ vũ khí hạt nhân - Ảnh 2.

Musa Kusa, người đứng đầu lực lượng tình báo nước ngoài của Libya năm 2003. Ảnh: Reuters

Dù không thừa nhận Libya sở hữu chương trình vũ khí nhưng họ tỏ ra quan tâm tới chuyện "xoa dịu căng thẳng" về Vũ khí Hủy diệt Hàng loạt (WMD). Họ đã đề nghị người Anh chuyển thông điệp của mình tới Washington.

Thủ tướng Blair đã làm như vậy tại Trại David vào cuối tháng 3/2013.

Mặc dù chương trình nghị sự tràn ngập bởi thông tin về cuộc chiến mới nổ ra và kế hoạch cứu trợ nhân đạo, tái thiết, khôi phục các cơ quan dân sự ở Iraq, nhưng Blair và cố vấn Chính sách ngoại giao của ông, David Manning, vẫn kéo Tổng thống Bush và cố vấn an ninh quốc gia Mỹ Condoleezza Rice ra trao đổi riêng.

Họ nhắc tới đề nghị bất ngờ của Gaddafi. Người Mỹ tỏ ra hoài nghi nhưng trong vài phút, ông Bush và ông Blair đã hội ý về việc liệu đề nghị của Libya có nghiêm túc không và nếu có thì nó ẩn chứa điều gì.

Đứng trước các vụ tấn công 11/9, các lãnh đạo đều đặc biệt lo ngại về những nước như Libya, nơi mà chủ nghĩa khủng bố và vũ khí hạt nhân có thể tụ hội. Sau khi chật vật với hàng loạt nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc về Iraq và sự đáp trả của Saddam Hussein, họ háo hức tìm những phương thức mới để thuyết phục các nước từ bỏ chương trình vũ khí cấm.

Tuy nhiên, do nhiều động thái nguy hiểm và đặc biệt là vụ tấn công chuyến bay 103 của hãng Pan Am trên bầu trời Scotland, Libya trở thành đối tượng bị ghét bỏ.

Đòn hiểm của MI6, CIA và các cuộc thương thảo bí mật khiến Libya từ bỏ vũ khí hạt nhân - Ảnh 3.

Ông Stephen Kappes, người tham gia vào quá trình thương thuyết với Libya của Mỹ. Ảnh: TPM

Để đảm bảo bí mật, ông Bush đã đề nghị George Tenet, giám đốc Cục Tình báo Trung ương Mỹ (CIA), tiếp tục làm việc với người Anh. Tenet đã giao việc này cho Stephen Kappes, một trong hai quan chức hàng đầu của cơ quan này.

Mặc dù Kappes, một cựu lính thủy đánh bộ rất cẩn trọng, nói tiếng Ba Tư chứ không phải tiếng Ả rập nhưng kinh nghiệm phong phú về Trung Đông, châu Á và châu Âu khiến ông trở thành người hoàn hảo cho công việc này.

Tháng 4/2013, chưa đầy 1 tháng sau khi Libya đưa ra đề nghị, đại diện của 3 chính phủ đã đồng ý tổ chức cuộc gặp đầu tiên trong bữa sáng tại một khách sạn trang nhã ở Geneva. Tại tầng thượng của tòa nhà, Kappes và người đồng cấp Anh từ MI6 (cơ quan tình báo của Anh) mặt đối mặt với Musa Kusa.

Quyết định gặp gỡ ở Geneva không phải là ngẫu nhiên. Kusa không được chào đón ở Anh.

Năm 1980, là người đứng đầu "Cơ quan Nhân dân" của Libya ở London - cụm từ chỉ đại sứ quán của Tripoli - Kusa đã tuyên bố ủng hộ ám sát các thành phần đối địch với Gaddafi ở Anh. Phát ngôn này khiến Bộ Ngoại giao Anh tuyên bố ông là nhân vật không được hoan nghênh (persona non grata).

Mặc dù Washington và Tripoli không có quan hệ ngoại giao, không khí giữa Anh và Libya thì căng thẳng nhưng các cơ quan tình báo giữa các bên thì vẫn trao đổi với nhau.

Các quan chức Anh thường xuyên gặp người Libya để giải quyết các vấn đề liên quan tới vụ Pan Am 103. Ngoài ra, CIA cũng bí mật gặp các quan chức cấp cao Libya kể từ 1999 để "tìm hiểu về các nhóm khủng bố Hồi giáo".

Những cuộc gặp này đã gia tăng sau vụ 11/9, đặc biệt là khi Gaddafi tin rằng al-Qaeda đe dọa ông ta và chính quyền của ông ta. Không thể nói là các bên tin tưởng lẫn nhau nhưng các quan chức Libya và Mỹ đã tham gia vào những cuộc "đối thoại mang tính xây dựng".

Trong cuộc gặp đầu tiên, Anh và Mỹ đã cố gắng đánh giá động lực và mục đích của Libya. Tinh thần của họ thêm phấn chấn khi Kusa thừa nhận rằng Libya đã vi phạm các nguyên tắc quốc tế, tạo điều kiện cho Kappes thuyết phục Libya chấp nhận cho các chuyên gia kỹ thuật vào nước này. Tuy nhiên, người Libya không cam kết gì.

Tới tháng 5/2013, Kappes và cộng sự người Anh lại ngỏ lời mời người Libya gặp mặt. Lần này, Kusa mang theo Saif al-Islam, con trai của Gaddafi.

Đòn hiểm của MI6, CIA và các cuộc thương thảo bí mật khiến Libya từ bỏ vũ khí hạt nhân - Ảnh 4.

Saif al-Islam, con trai của Gaddafi. Ảnh: EPA

Là người từng sống ở phương Tây, lại hiểu rõ cái giá mà Libya phải trả nếu bị cô lập, Saif đã đưa ra yêu cầu. Tuy nhiên Kappes và người đồng cấp Anh đáp rằng, sẽ không có tiến triển nào cho tới khi Anh và Mỹ xác nhận được Libya đã tiêu hủy hoàn toàn vũ khí hủy diệt hàng loạt, đồng thời đóng cửa các chương trình liên quan.

Tháng 8/2013, Kappes và người đồng cấp Anh lại gặp Kusa một lần nữa. Lần này ông mời họ tới Libya gặp Gaddafi. Vậy là tháng 9/2013, họ bí mật đáp máy bay tới Tripoli. Cuộc gặp diễn ra vào đêm muộn.

Sau 17 phút chỉ trích Mỹ và phương Tây, Gaddafi trở nên nghiêm túc hơn và nhiều lần nói rằng ông muốn "rửa sạch thanh danh". Tuy nhiên, bất cứ khi nào Kappes nhắc tới chương trình WMD của Libya thì Gaddafi đều giận dữ phủ nhận.

Vậy là Gaddafi muốn được công nhận đã từ bỏ các chương trình bất hợp pháp mà ông ta không thừa nhận mình vận hành. Tuy nhiên theo Tenet, Gaddafi có vẻ bớt gay gắt trước khái niệm "các chuyến thăm kỹ thuật". Ông đã chỉ đạo cố vấn của mình sắp xếp cho hoạt động này.

Đòn bẩy của Anh - Mỹ

Bế tắc kết thúc vào 3/10/2013, sau nhiều năm thu thập tin tình báo liên quan tới mạng lưới A.Q.Khan, một mối đe dọa phổ biến hạt nhân khác, và cũng là khi một bộ khung mới về chống phổ biến vũ khí - Sáng kiến An ninh Hạn chế Vũ khí Hủy diệt Hàng loạt (PSI) ra đời.

Bốn tháng sau khi ban hành PSI, Mỹ và các đồng minh chặn được BBC China, một chiếc tàu thuộc sở hữu của người Đức với điểm đến là Libya. Tàu này đã được điều hướng tới cảng Taranto của Italy.

Khi tra soát giấy tờ và hàng hóa trên tàu, các quan chức phát hiện ra 5 thùng hàng tiêu chuẩn chứa hàng nghìn thành phần trong chương trình làm giàu uranium bí mật của Libya dù trên bản kê ghi là "phụ tùng máy móc đã qua sử dụng".

Các thiết bị này do các tay buôn lậu hạt nhân của A.Q.Khan sản xuất ở Malaysia. Người Italy thả cho tàu đi sau 5 giờ trì hoãn để tránh đánh động Libya nhưng trước đó họ đã tháo dỡ những thùng hàng bất hợp pháp. Vậy là người Libya bị "bắt quả tang" nhập khẩu thiết bị để làm giàu uranium.

Diễn biến mới này khiến các nhà hoạch định chính sách Âu - Mỹ đứng trước một lựa chọn khó khăn: Họ nên công bố vụ việc, gia tăng tín nhiệm cho một chính quyền Mỹ vốn đã bị chỉ trích vì thất bại trong việc tìm WMD ở Iraq và đứng trước nguy cơ phá hỏng cuộc đàm phán hay lặng lẽ sử dụng số hàng bí mật để làm đòn bẩy với Tripoli?

Người Mỹ đã chọn phương án thứ hai.

Để tối đa hóa ảnh hưởng của vụ giữ BBC China, người Anh đã cử một quan chức tình báo cấp cao tới Tripoli 4 ngày sau vụ việc để thông báo riêng cho Gaddafi về số hàng hóa được tìm thấy trên tàu.

Các quan chức Libya đáp lại rằng, số thiết bị này đã được đặt hàng từ rất lâu trước khi bắt đầu đàm phán và dẫu gì, việc vận chuyển các phụ tùng máy ly tâm cũng không gây hậu quả lớn nào.

Quyết định tránh đối đầu trực diện và công khai với Gaddafi về lô hàng hóa ra lại sáng suốt. Sau này Saif Gaddafi đã nói với Tạp chí Time rằng, chính cách xử lý lặng lẽ và cứng rắn của Anh - Mỹ đã khiến Gaddafi tin rằng London, cũng như Washington hành động dựa trên thiện chí chứ không phải dàn dựng bối cảnh để can thiệp quân sự.

Các chuyến thăm "kỹ thuật" được lên kế hoạch. Trong vòng 10 ngày từ 19/10/2013, một nhóm chuyên gia 15 người đã lưu lại ở Libya.

Dù người Libya cung cấp thông tin thêm về chương trình vũ khí hóa học và tên lửa của mình nhưng họ vẫn kiên quyết phủ nhận mình có một chương trình vũ khí hạt nhân. Thậm chí một số người còn nói họ không hay biết gì về các phụ tùng máy ly tâm trên BBC China.

Quá trình thanh sát vũ khí rất chi tiết và khó khăn. Các thanh sát viên hiếm khi phát hiện ra dối trá nhưng họ lại thấy sự không đồng nhất trong báo cáo hoặc chứng cứ. Nhóm chuyên gia đã hỏi nhiều câu hỏi mà các cộng sự Libya không thể hoặc không sẵn lòng trả lời. Nhóm này sau đó đã rời Libya, bất mãn vì sự không hợp tác của Tripoli.

Libya thừa nhận

Tháng 11/2013, các đại diện Mỹ, Anh và Libya lại gặp nhau, lần này là ở nước Anh. Cuộc gặp rất căng thẳng.

Rõ ràng Gaddafi vẫn giấu giếm về chương trình hạt nhân của mình. Người Anh và người Mỹ cho rằng mình phải gây áp lực nhiều hơn nữa. Vậy là họ đối chất với người Libya về các bằng chứng mà họ có. Họ nói thẳng rằng họ đã nắm trong tay thông tin về việc Libya mua bán cơ sở máy ly tâm.

Giờ thì Libya không còn có thể phủ nhận được nữa.

Tripoli cho phép nhóm kỹ thuật Âu - Mỹ thực hiện một chuyến thăm khác vào 1-12/12/2003 và tới giữa tháng 12, mọi sự đã rõ.

Những bí mật về chuyện Libya đã làm như thế nào, nhập thiết bị hạt nhân cấm và tài liệu từ đâu tuôn ra, khiến các quan chức và tình báo Anh, Mỹ ngạc nhiên.

Trong chuyến thăm lần này, Tripoli đã cho các chuyên gia thấy thiết bị xử lý uranium để sử dụng trong các máy ly tâm, nguyên liệu Urani hexafluorua và các máy ly tâm có khả năng làm giàu các nguyên liệu này thành vật liệu ở mức vũ khí. Tất cả đều vi phạm Thỏa thuận Đảm bảo An toàn mà Libya cam kết với Cơ quan Nguyên tử Quốc tế (IAEA).

Libya cũng thừa nhận đã sản xuất khoảng 25 tấn khí mù tạt và một lượng nhỏ chất độc thần kinh cho vũ khí hóa học.

Kết thúc chuyến thăm này, Libya đã tiết lộ quá đủ về chương trình WMD của mình, cho phép công tác kiểm chứng và tiêu hủy bắt đầu. Thực ra họ còn tiết lộ cả những cơ sở mà nhóm chuyên gia không hề hay biết.

Theo dõi Tinmoi.vn trên Tinmoi.vn - Google news