Theo các chuyên gia, nếu Tổng thống Mỹ Donald Trump muốn chuyển tải một thông điệp mạnh mẽ hơn thì lựa chọn đầu tiên là phải phá hủy hoàn toàn sức mạnh không quân của Syria.
Một năm trước đây, sau cáo buộc sử dụng vũ khí hóa học giết hại dân thường, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã ra lệnh tấn công nước này bằng 59 quả tên lủa hành trình Tomahawk phá hủy căn cứ không quân Shayrat.
Năm nay, diễn biến tương tự có vẻ như đang lặp lại sau nghi vấn Chính phủ Syria tiếp tục dùng vũ khí hóa học tấn công người dân ở Douma, Đông Ghouta hôm 7/4/2018. Ông chủ Nhà Trắng lại đang đứng trước quyết định có phát động một đợt tấn công quân sự trừng phạt Syria nữa hay không.
Sau vụ không kích Shayrat vào tháng 4/2017, Mỹ tuyên bố đã phá hủy 20 máy bay chiến đấu, mà theo như miêu tả của Bộ trưởng Quốc phòng James Mattis là tương đương với 20% sức mạnh của không quân Syria, đồng thời đã làm suy yếu nghiêm trọng căn cứ không quân này.
Tuy nhiên, nhiều báo cáo đưa ra sau đó đã đặt ra nghi vấn về tuyên bố trên của Mỹ vì chỉ vài giờ sau vụ tấn công, các máy bay của Syria vẫn tiếp tục cất cánh.
Lần này, theo giới chuyên gia, nếu ông Trump muốn chuyển tải một thông điệp mạnh mẽ hơn thì một lựa chọn tiên quyết là phải phá hủy hoàn toàn sức mạnh không quân của Syria.
Căn cứ không quân Shayrat của Syria
Thường xuyên phải đối đầu với Syria trong hơn 70 năm qua, gồm cả các vụ không kích diễn ra liên tục, Israel là nước hiểu rõ sức mạnh của không quân Syria hơn bất cứ quốc gia nào khác.
Reuven Ben-Shalom - chuyên gia phân tích quân sự, người từng có 25 năm phục vụ Quân đội Israel (IDF) thậm chí còn coi khả năng quân sự của Syria "như một trò đùa".
Vị chuyên gia này đưa ra một con số minh họa: Theo Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế có trụ sở ở London, không quân Syria có 15.000 binh lính, trong khi con số này của Israel là 34.000, còn của Mỹ là 316.000.
Ben-Shalom nói rằng, ưu thế vượt trội về quân sự của Israel đủ đảm bảo nước này có thể phá hủy hoàn toàn không quân Syria. Mỹ thì hậu quả còn lớn hơn gấp nhiều lần.
Nhưng điều quan trọng ở đây, Ben-Shalom nói thêm, đối đầu không chỉ về khả năng quân sự mà "vấn đề chính yếu là chiếc ô mà Nga đã trao cho Syria. Người Nga đang ở Syria. Nếu Mỹ mạo hiểm tấn công thì rất có thể hành động phiêu lưu này sẽ châm ngòi cho chiến tranh thế giới thứ ba".
Jeremy Binnie, nhà phân tích quốc phòng đồng thời là biên tập viên phụ trách khu vực Trung Đông của Jane's by IHS Markit cho biết: "Hải quân Mỹ có thể sử dụng các tên lửa hành trình Tomahawk để tiến hành một đợt không kích lớn hơn nhiều lần như đã từng thực hiện với căn cứ Shayrat nếu họ huy động đủ tàu khu trục và tàu ngầm tấn công".
Các mục tiêu mục tiêu có nguy cơ cao bị tấn công sẽ là máy bay cùng nhiều phương tiện chiến đấu khác thay vì chỉ là các căn cứ.
Binnie dự đoán, Mỹ có thể phát động một chiến dịch không kích mạnh gấp 4 lần năm ngoài. Vì vậy, "nếu vụ tấn công Shayrat phá hủy được 20% sức mạnh không quân Syria như Mỹ từng tuyên bố thì lần này, với sức mạnh gấp 4 lần, về lý thuyết hoàn toàn có thể xóa sổ lực lượng này".
Tuy nhiên, theo Binnie, cũng cần phải tính tới những tiến bộ của Syria trong lĩnh vực phòng không vì họ đã được tăng cường bởi các hệ thống phòng thủ S-400 của Nga.
Đầu năm nay, Syria từng tuyên bố đã bắn hạ 1 tiêm kích F-16 của Israel.
Nhưng rủi ro lớn nhất mà ông Trump đang phải đối diện không, có thể không phải là các hệ thống phòng không của Nga, mà là khả năng những người Nga sẽ bị thiệt mạng trong chiến dịch không kích.
Năm ngoái, Mỹ đã cảnh báo Nga trước khi tấn công Shayrat và có thể thực hiện điều tương tự trong năm nay. Người Mỹ cũng biết những chỗ nào ở các căn cứ Syria có người Nga đóng quân. Nhưng Ben-Shalom cảnh báo, trong chiến tranh, mọi thứ vẫn có thể diễn ra ngoài dự kiến.