Tin mới

Dự án thủy điện Nepal "khốn đốn" vì nhà thầu Trung Quốc "bỏ của chạy lấy người"

Thứ sáu, 31/08/2018, 08:10 (GMT+7)

Do chi phí tái định cư và khắc phục môi trường quá cao, công ty của Trung Quốc đã rút khỏi dự án thủy điện West Seti trị giá 1,2 tỷ USD của Nepal.

Do chi phí tái định cư và khắc phục môi trường quá cao, công ty của Trung Quốc đã rút khỏi dự án thủy điện West Seti trị giá 1,2 tỷ USD của Nepal.

Theo SCMP, phái đoàn cấp cao từ Tập đoàn Đầu tư CWE (một công ty con của Tập đoàn Tam Hiệp Trung Quốc) tuần này thông báo với quan chức Nepal rằng, họ muốn rút khỏi dự án thủy điện West Seti, dù đã ký thỏa thuận hợp tác cách đây 6 năm.

Theo một cán bộ Ủy ban Đầu tư Nepal, biên bản ghi nhớ (MOU) năm 2012 và một thỏa thuận sau đó được ký giữa Cơ quan Điện lực Nepal và CWE giờ sẽ phải hủy bỏ.

Thủ tướng Nepal K.P Sharma Oli (phải) duyệt đội danh dự cùng Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường trong chuyến thăm Bắc Kinh tháng 6/2018. Ảnh: SCMP

Trong một nỗ lực cuối cùng nhằm cứu vãn hợp đồng, các quan chức cấp cao của Nepal bao gồm Bộ trưởng Tài chính Yubaraj Khatiwada và Bộ trưởng Năng lượng Barshaman Pun đã đưa ra đề nghị giảm công suất phát điện từ 750 MW xuống 600 MW trong cùng hợp đồng trị giá 1,2 tỷ USD và gia hạn hợp đồng mua bán điện từ 10 lên 12 năm.

“Tuy nhiên, phái đoàn Tập đoàn Tam Hiệp cho biết, mặc dù đề nghị của chính phủ Nepal sẽ giải quyết một số quan ngại của họ, chi phí tái định cư và khắc phục môi trường cũng như việc đưa điện tới thủ đô Kathmandu từ dự án thủy điện nằm ở khu vực hẻo lánh sẽ rất khó khăn về mặt tài chính và kỹ thuật. Phía Trung Quốc không muốn thay đổi lập trường”, vị quan chức thuộc Ủy ban Đầu tư Nepal nhấn mạnh.

Bản ghi nhớ MOU năm 2012 là sự khởi đầu của việc thâm nhập vào thị trường thủy điện tại Nepal của Trung Quốc. Việc này diễn ra 1 năm sau khi công ty Australia Snowy Mountain không có đủ kinh phí đầu tư. Tiềm năng thủy điện của Nepal ước tính vào khoảng 42.000 MW và là chìa khóa nhằm giúp nước này thoát nghèo.

Ngoài các dự án thủy điện, Nepal hy vọng hợp tác với Trung Quốc trong việc xây dựng các tuyến đường bộ và đường sắt mới, nhằm thoát khỏi sự phụ thuộc vào Ấn Độ.

Chính phủ Nepal mong muốn khôi phục lại thỏa thuận dự án thủy điện Budhi Gandaki có công suất 1.200 MW với Tập đoàn Gezhouba (Trung Quốc). Dự án này đã bị chính phủ trước đó hủy bỏ. Tuy nhiên, với việc công ty Trung Quốc rút khỏi West Seti, triển vọng của dự án Budhi Gandaki không mấy khả quan.

Trang Vũ (tổng hợp)

Theo dõi Tinmoi.vn trên Tinmoi.vn - Google news