Các cơ quan chức năng đang trong quá trình sửa đổi Nghị định 95/2021 và Nghị định 83/2014 về kinh doanh xăng dầucho phù hợp với tình hình mới. Đây là động thái được thực hiện theo chỉ đạo của Thủ tướng vào tháng 11/2022.
Bộ Tài chính không muốn quản xăng dầu
Trong quá trình soạn dự thảo các văn bản này, việc để Bộ Công Thương làm đầu mối quản lý xăng dầu được 2 Bộ Công Thương và Tài chính có ý kiến qua lại từ cuối năm 2022 đến nay.
Cụ thể, từ đầu tháng 11/2022, Bộ Tài chính đề nghị giao toàn diện vấn đề xăng dầu về cho Bộ Công Thương quản lý, kể cả quyết định giá và chi phí định mức. Theo Bộ Tài chính, việc chuyển quản lý xăng dầu về một đầu mối sẽ tránh được sự chồng chéo, tạo sự chủ động hơn trong điều hành.
Sau đề nghị này, đến đầu năm 2023, trong dự thảo sửa đổi, bổ sung Nghị định 95/2021 và Nghị định 83/2014 về kinh doanh xăng dầu đang được lấy ý kiến, Bộ Công Thương đề xuất trao lại quyền điều hành xăng dầu về Bộ Tài chính còn Bộ Công Thương sẽ phối hợp thực hiện.
Vài ngày sau đề xuất của Bộ Công Thương, Bộ Tài chính tiếp tục nêu ý kiến cho rằng nên giao về đầu mối là Bộ Công Thương và Bộ Tài chính chỉ kiểm tra theo quy định.
Đến đầu tháng 2 năm nay, trong dự thảo tờ trình sửa đổi hai nghị định nói trên, Bộ Công Thương tiếp tục giữ quan điểm giao toàn bộ điều hành giá xăng dầu và tính toán các chi phí kinh doanh cho Bộ Tài chính. Mới đây nhất, hôm 4/2, trong văn bản gửi tới Bộ Công Thương, Bộ Tài chính tiếp tục bảo lưu quan điểm giao thống nhất đầu mối quản lý giá xăng dầu về Bộ Công Thương.
Trước đó, tại kỳ họp Quốc hội hồi tháng 10/2022, Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết sẽ đề xuất chuyển quyền quản lý xăng dầu về một đầu mối thống nhất là Bộ Công Thương, gồm việc điều hành giá, chi phí kinh doanh định mức... Theo ông Phớc, việc này sẽ đảm bảo nguồn cung thuận lợi hơn.
Nên giao đầu mối về Bộ Công Thương
Trong một lần trao đổi với Người Đưa Tin, lãnh đạo của một doanh nghiệp đầu mối xăng dầu nhận xét việc 2 Bộ Công Thương và Tài chính có nhiều đề xuất khác nhau trong điều hành xăng dầu giống như việc hai bộ đang “đá bóng” cho nhau trong việc chịu trách nhiệm chính khi điều hành mặt hàng này.
Điều đáng nói, trong năm 2022, khi thị trường xăng dầu có biến động, nguồn cung thiếu hụt, hai Bộ Công Thương và Tài chính cũng đã có nhiều văn bản trao đi đổi lại trong công tác quản lý, điều hành. Và mỗi bộ đều bảo vệ quan điểm riêng về “trách nhiệm” của mình nhưng thị trường vẫn rất chậm có sự thay đổi.
Đánh giá về việc này, chuyên gia kinh tế, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh nhấn mạnh, việc sớm thống nhất để giao đầu mối quản lý xăng dầu về một bộ là rất cần thiết và cần nhanh chóng thực hiện.
Ông Thịnh cho rằng, Bộ Công Thương là cơ quan quản lý chuyên ngành về kinh doanh xăng dầu, vì vậy, Bộ Công Thương phải là người giúp cho các doanh nghiệp đầu mối, trung gian và các doanh nghiệp bán lẻ xây dựng nên hệ thống tổ chức sản xuất - kinh doanh sao cho đơn giản, phù hợp nhất đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ chính trị đề ra.
Hơn nữa, việc xuất nhập khẩu, quản lý cung cầu thị trường, quan hệ mua bán với nhà máy lọc dầu trong nước, tổ chức bán lẻ đều do Bộ Công Thương quản lý. Do đó, giao cho Bộ Công Thương là phù hợp
“Việc giao hết về đầu mối quản lý xăng dầu cho Bộ Công Thương là phù hợp, điều này sẽ giúp việc điều phối của Bộ Công Thương với các doanh nghiệp sẽ sát với thực tiễn”, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh nêu.
Đồng quan điểm, ĐBQH Trịnh Xuân An cho rằng, nên đưa về một đầu mối Bộ Công Thương. Ông An phân tích, xăng dầu là hàng hóa, liên quan đến xuất nhập, liên quan đến thị trường, đến điều tiết và Bộ Công Thương sẽ có khả năng, bộ máy, thực hiện được chức năng, nhiệm vụ quản lý.
“Lâu nay, Bộ Tài chính, Bộ Công Thương là liên bộ nhưng cũng không thể can thiệp sâu vào việc xác định giá. Việc lằng nhằng như vậy khiến việc điều hành không có sự linh hoạt”, ông An nói.
Ông Nguyễn Tiến Thỏa - Chủ tịch Hội Thẩm định giá Việt Nam cũng nhìn nhận, Bộ Công Thương là cơ quan phù hợp hơn cả trong việc quy đầu mối quản lý xăng dầu.
Hiện, Bộ Công Thương đang quản lý về xăng dầu, từ quy hoạch, xây dựng hệ thống kinh doanh xăng dầu, hệ thống cảng; quản lý về hạn ngạch, cấp hạn ngạch, cấp phép trở thành đầu mối... Vì thế, Bộ này hiểu rõ nhất sự vận hành hệ thống đó, gắn với các chi phí điều hành giá.
Hơn nữa, giao Bộ Công Thương là hợp lý còn bởi phù hợp nội dung Luật Giá đang sửa đổi và thực tế kinh doanh xăng dầu mang đặc thù của kinh doanh thương mại. Còn nếu giao cho Bộ Tài chính là đi ngược với chủ trương sửa đổi Luật Giá đã báo cáo và dự kiến được thông qua vào kỳ họp Quốc hội tháng 5/2023.
Trong Luật Giá, có một chủ trương, định hướng rất quan trọng, đó là phân cấp, phân quyền trong vấn đề quản lý giá cho các bộ, ngành, địa phương. Tức là lĩnh vực hàng hoá do bộ ngành nào quản lý, bộ đó mới nắm sâu được, xem xét các yếu tố đầu vào để quyết định giá. Do đó, đề xuất trao quyền quản lý xăng dầu cho Bộ Tài chính là không phù hợp.
Bên cạnh đó, ông Thoả nhấn mạnh, Bộ Công Thương cũng nên rà soát, đánh giá để giảm bớt số lượng khâu trung gian phân phối xăng dầu; đánh giá kỹ tác động Chính sách, nguồn lực tài chính khi sửa đổi quy định về kinh doanh doanh xăng dầu, cũng như nghiên cứu quy định mức chiết khấu tối thiểu để các cửa hàng bán lẻ đảm bảo hoạt động, kinh doanh.