Tham dự tọa đàm, về phía đại biểu trung ương có Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, Chủ tịch Ủy ban quốc gia UNESCO Việt Nam Lê Hoài Trung; Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Bùi Thế Duy; đại diện các bộ, ban, ngành.
Quang cảnh tọa đàm
Các đại biểu dự tọa đàm
Về phía thành phố Hà Nội, dự tọa đàm có Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Vương Đình Huệ; Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy Nguyễn Văn Phong; Phó Chủ tịch UBND thành phố Ngô Văn Quý.
Đại biểu quốc tế, tham dự có ông Michael Croft, Trưởng đại diện UNESCO tại Việt Nam; các vị đại sứ, đại biện, đại diện đại sứ quán các nước và các tổ chức quốc tế tại Việt Nam.
Phát biểu khai mạc tọa đàm, Bí thư Thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ nhấn mạnh, tiếp nối truyền thống văn hiến, anh hùng, vì hòa bình, phát huy mạnh mẽ tiềm năng, nguồn lực sáng tạo, Hà Nội tin rằng, nếu biết phát huy tối đa khả năng sáng tạo trong môi trường kết nối quốc tế, thành phố sẽ một lần nữa hiện thực hóa tầm nhìn và khát vọng sáng tạo mang tên Thăng Long từ ngàn năm trước, xứng đáng là Thủ đô, trái tim của cả nước, vai trò đầu tàu, vị trí trung tâm đầu não chính trị - hành chính quốc gia, trung tâm lớn của cả nước về văn hóa, khoa học, giáo dục, kinh tế và giao dịch quốc tế.
Bí thư Thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ phát biểu khai mạc.
Theo Bí thư Thành ủy Vương Đình Huệ, quá trình tham vấn trong nước và quốc tế thời gian qua đã chỉ ra và nhấn mạnh những lợi thế về truyền thống, nguồn lực, động lực trong thiết kế sáng tạo của Hà Nội, cũng như bối cảnh phát triển năng động của Thủ đô và đất nước trong bối cảnh hội nhập quốc tế giai đoạn mới. Song song với việc xác định các nguồn nội lực, các đối tác phát triển của Hà Nội và Việt Nam cho rằng, Hà Nội không thể bỏ qua việc xác lập vị trí tiên phong trong khu vực và các nền tảng có tính toàn cầu để định vị tầm nhìn, xác định mục Tiêu Chiến lược phát triển của Thủ đô ngày càng văn minh, hiện đại.
Bí thư Thành ủy Vương Đình Huệ khẳng định, thành phố tổ chức cuộc tọa đàm cấp cao với mong muốn lắng nghe, trao đổi với các chuyên gia uy tín trong nước và quốc tế, các đại sứ quán, các nhà đầu tư, doanh nghiệp về các ý tưởng, sáng kiến nhằm hỗ trợ Hà Nội xây dựng và xác định chiến lược và kế hoạch dài hạn nhằm phát huy hiệu quả, vai trò là Thành phố sáng tạo UNESCO. Đây cũng là cơ hội quảng bá hình ảnh con người Hà Nội, con người Việt Nam và thu hút sự quan tâm, ủng hộ của cộng đồng trong nước và quốc tế. Đây là hoạt động có ý nghĩa thiết thực chào mừng kỷ niệm 1010 năm Thăng Long - Hà Nội và Đại hội lần thứ XVII Đảng bộ thành phố nhiệm kỳ 2020-2025; kỷ niệm 66 năm Ngày Giải phóng Thủ đô, sẽ được tổ chức trong những ngày tới; góp phần tuyên truyền, giới thiệu về định hướng phát triển mới của thành phố Hà Nội cùng các tiềm năng, cơ hội hợp tác trong lĩnh vực thiết kế sáng tạo.
Bí thư Thành ủy Vương Đình Huệ mong muốn, các đại biểu tham dự tọa đàm sẽ đưa ra những ý kiến đóng góp tích cực, thẳng thắn, quý báu để thành phố xây dựng kế hoạch hành động chi tiết, cụ thể, hướng tới Hà Nội thực sự là trung tâm sáng tạo của khu vực.
Các đại biểu quốc tế dự buổi tọa đàm.
Phát biểu tại tọa đàm, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Lê Hoài Trung khẳng định, sau khi Hà Nội được công nhận là thành viên của Mạng lưới các thành phố sáng tạo, Bộ Ngoại giao, Ủy ban quốc gia UNESCO Việt Nam đã và đang đồng hành với thành phố Hà Nội trong việc quảng bá và phát huy danh hiệu, xây dựng kế hoạch cụ thể và huy động sự tham gia của nhiều cơ quan và các chủ thể trong xã hội nhằm phát triển thành phố sáng tạo, thực hiện cam kết với UNESCO khi xây dựng hồ sơ, góp phần làm cho văn hóa thực sự trở thành mục tiêu và động lực trong các chiến lược phát triển của Thủ đô.
Theo Thứ trưởng Lê Hoài Trung, danh hiệu Thành phố sáng tạo chắc chắn sẽ tạo một khuôn khổ thích hợp để thành phố Hà Nội tiếp tục gìn giữ và phát huy giá trị của các danh hiệu khác mà UNESCO đã ghi danh tại Hà Nội, vừa vì lợi ích của đất nước, vừa thực hiện các nghĩa vụ theo như cam kết của Hà Nội và Việt Nam với UNESCO. Thứ trưởng Lê Hoài Trung mong muốn và tin tưởng rằng, thành công của Hà Nội sẽ khẳng định vị trí và tầm vóc Thủ đô sáng tạo của nước Việt Nam trong khu vực Đông Nam Á và trên thế giới, thúc đẩy các thành phố khác của Việt Nam tham gia Mạng lưới, đóng góp tích cực vào sự phát triển chung của Mạng lưới các thành phố sáng tạo của UNESCO.
Về phần mình, Trưởng đại diện UNESCO tại Việt Nam Michael Croft cho rằng, Hà Nội đã giương cao ngọn đuốc của nền văn hóa hòa bình trong nhiều thập kỷ và giờ đây, với danh hiệu Thành phố sáng tạo, Hà Nội đã tái khẳng định cam kết của mình đối với sự phát triển lấy con người làm trung tâm. Ông Michael Croft khẳng định, đó là con đường bảo đảm rằng sự phát triển của thành phố không chỉ được tính bằng các số liệu thống kê và lợi nhuận, mà còn bởi những đặc điểm tốt đẹp nhất của con người, lòng trắc ẩn và sự sáng tạo.
Mạng lưới các thành phố sáng tạo UNESCO được thành lập năm 2004 nhằm thúc đẩy hợp tác quốc tế giữa các thành phố được vinh danh quốc tế với việc lấy nguồn lực văn hóa và sáng tạo văn hóa làm nền tảng cho quá trình phát triển đô thị một cách bền vững. Mạng lưới này được thiết lập từ 246 thành phố làm việc cùng nhau, hướng tới mục tiêu chung: Đưa sự sáng tạo và công nghiệp văn hóa trở thành trọng tâm của kế hoạch phát triển trong nước và kế hoạch hợp tác tích cực cấp quốc tế. Tháng 10-2019, tròn 20 năm kể từ khi Hà Nội được vinh danh là Thành phố Vì hòa bình của UNESCO, Hà Nội chính thức trở thành thành viên của Mạng lưới các thành phố sáng tạo của UNESCO trên toàn cầu với danh hiệu Thành phố sáng tạo. Thông qua việc tham gia Mạng lưới, các thành phố cam kết chia sẻ kinh nghiệm thực tiễn tốt nhất của mình và phát triển quan hệ đối tác công tư cũng như các tổ chức xã hội. Mạng lưới các thành phố sáng tạo là đối tác đặc quyền của UNESCO, không chỉ là nền tảng phản ánh vai trò đòn bẩy của sự sáng tạo trong phát triển bền vững mà còn là nền tảng của hành động và đổi mới, đặc biệt trong việc thực hiện Chương trình nghị sự 2030 về phát triển bền vững. |
Tiếp tục cập nhật...
Ảnh: Viết Thành