Còi xe là thiết bị thông báo tín hiệu, cảnh báo an toàn, ngoài ra nó không hề có mục đích sử dụng là làm đẹp cho chiếc xe hay cho người điều khiển. Tiếng còi xe rất dễ gây sự chú ý khi tham gia giao thông, nhưng một số người đã lạm dụng điều này để thu hút theo cách thái quá ánh mắt của người xung quanh.
Sử dụng còi xe công suất vượt chuẩn, trang bị những tính năng bất bình thường không giúp bạn đi xe an toàn hơn hay chiếc xe bền bỉ hơn. Thực tế là điều này lại để lại nhiều điều tiêu cực thay vì đánh giá tích cực từ đại đa số người tham gia giao thông. Và quan trọng là, sử dụng còi xe không đúng quy cách, lạm dụng bấm còi không phù hợp sẽ bị coi là hành vi vi phạm luật lệ an toàn giao thông, và phải nhận mức xử phạt cụ thể.
Theo đó, Nghị định 100/2019/NĐ-CP quy định rất rõ ràng các trường hợp như sau:
Theo Điểm n/ Khoản 1/Điều 6, bấm còi trong đô thị, khu đông dân cư từ 22h - 05h ngày hôm sau sẽ bị phạt từ 100.000 - 200.000 đồng. Bấm còi, rú ga liên tục trong đô thị, khu dân cư sẽ bị phạt từ 400.000 - 600.000 đồng (Điểm c/ Khoản 3/ Điều 6).
Sử dụng còi không đúng quy chuẩn kỹ thuật cho từng loại xe bị xử phạt từ 100.000 - 200.000 đồng và tịch thu còi, vậy nên bạn chớ dại dột mà tự ý lắp loại còi chuyên dụng của các phương tiện làm nhiệm vụ bảo vệ an ninh, trật tự cho chiếc xe phổ thông của mình. Ngoài ra, mức phạt sẽ càng tăng cao nếu chủ xe trang bị loại còi hơi cho phương tiện. Bấm còi, rú ga liên tục, bấm còi hơi bị phạt từ 400.000 - 600.000 đồng (Điểm d/ Khoản 3/ Điều 7).
Đối với phương tiện là xe ô tô, tất nhiên với hành vi vi phạm tương tự, nhưng mức phạt sẽ ở mức độ cao hơn cho từng lỗi, dao động từ 300-400 ngàn đồng. Đặc biệt, điều khiển xe lắp đặt sử dụng còi vượt quá âm lượng theo quy định bị phạt từ 02 - 03 triệu đồng và tịch thu còi, đây là khung phạt nặng nhất cho việc cố ý tạo sự thu hút bằng tiếng còi độc đáo khi tham gia giao thông.
Ngoài ra, xe không có còi, hoặc còi không hoạt động được cũng sẽ bị phạt các bạn nhé. Với xe máy mức phạt từ 100-200 ngàn, còn với ô tô sẽ từ 300-400 ngàn đồng.