Theo tin tức tức trên Trí thức trẻ, Lao động, sáng 11/5, tại hội trường xét xử TAND tỉnh Thái Bình, TAND Cấp cao tại Hà Nội mở phiên phúc thẩm xét xử đối với bị cáo Phạm Văn Lẫm, Nguyễn Thị Quyết (chủ công ty Lâm Quyết) về tội danh "Lạm dụng tín nhiệm, chiếm đoạt tài sản".
Tại phiên tòa, Nguyễn Xuân Đường được ngồi ở phòng riêng, truyền hình trực tiếp đến phiên tòa qua màn hình tivi. Ảnh: TTT
Bị can Nguyễn Xuân Đường (tức Đường Nhuệ, SN 1971, trú tại số 366 đường Lê Quý Đôn, TP Thái Bình) – người đang bị khởi tố, tạm giam ở vụ án khác - được triệu tập đến tòa với tư cách người có nghĩa vụ và quyền lợi liên quan.
Sau khi Chủ tọa phiên tòa chất vấn Nguyễn Xuân Đường, đại diện Viện KSND Cấp cao tại Hà Nội – ông Phạm Văn Hoàng đề nghị Nguyễn Xuân Đường trả lời 3 câu hỏi liên quan đến việc chiếm đóng và cho người chiếm đóng Công ty Lâm Quyết vào tháng 10/2018. Tuy nhiên, Nguyễn Xuân Đường tỏ ra căng thẳng, liên tục lấy tay, áo lau mồ hôi, trả lời quanh co với lý do không nghe rõ câu hỏi.
Vợ chồng bị cáo Lẫm - Quyết tại tòa sáng ngày 11/5. Ảnh: Lao động
Trong phần xét hỏi, Nguyễn Xuân Đường trả lời HĐXX rằng ông không nhất trí với cáo buộc đã cho "đàn em" đóng gói các loại văn phòng phẩm, giấy tờ tại công ty Lâm Quyết mang đi.
Đường cho biết, không nhớ rõ tất cả các khoản đã cho Lẫm Quyết vay nợ, vì các hợp đồng cho vay đều do vợ là Nguyễn Thị Dương làm. Trong số tiền cho Lẫm Quyết vay, Đường nhớ có một khoản tiền là của bố mẹ.
Đường cũng không nhớ rõ ngày đến công ty Lâm Quyết, Đường chỉ nhớ vào một buổi chiều khi đang cùng vợ đi uống cafe thì nhận được tin công ty Lâm Quyết có chuyện.
Ngay lập tức, Đường và con nuôi Tiến 'trắng' xuống nhà xưởng để xem thực hư như thế nào. Đến nơi, Đường biết ông bà Lẫm, Quyết đã bỏ trốn, trong xưởng thấy rất nhiều người tập trung cùng vài chiếc tải đang chuẩn bị bốc gỗ.
"Khi có mặt thấy mọi người đông, có cả xe tải nữa nên tôi đã yêu cầu tất cả không được chuyển đồ đạc hay bắt cứ thiết bị gì ra khỏi công ty khi mà không có mặt vợ chồng Lẫm, Quyết", Đường khai và khẳng định, hôm đó đến xưởng chỉ có ông ta và con nuôi tên là Tiến "trắng", không hề có đến cả nhóm 5 – 7 người xăm trổ như người ta nói.
Đường cho rằng, do vợ chồng Lẫm Quyết vay nợ của rất nhiều người trong đó vay cả của ông một khoản tiền. Sau khi trốn, có người luôn túc trực để khuân đồ đạc đi nên ông cùng con có mặt để ngăn không cho ai khác xâm phạm, lấy đồ đi trong thời gian vợ chồng Lẫm Quyết chưa về.
Trong phần khai báo Đường cũng thừa nhận có đối thoại với ông Lẫm. Đường bảo do vợ chồng ông Lẫm vay của mình khoản tiền 1,7 tỷ đồng cộng với một khoản khác là 500 triệu, một hợp đồng nữa với bố mẹ Đường là 600 triệu, tổng số gần 3 tỷ. Trong những lần đối thoại, ông đã đề nghị ông Lẫm bán công ty để "trừ nợ". Sau khi đề xuất, ông Lẫm có hứa cho dãn lại vài ngày.
Tuy nhiên, những ngày sau ông Lẫm liên tục viện cớ lý do để trốn tránh, gây bức xúc nên có những cuộc đối thoại Đường đã bày tỏ thái độ hơi tục tĩu. "Đó chỉ là đề xuất bán công ty chứ không ép vợ chồng ông Lẫm vì không có nhu cầu, đó lại là công ty chuyên gỗ", Đường giải thích thêm.
Đề cập đến việc cho ông Lẫm vay với lãi suất như thế nào? Đường cho rằng cho vợ làm hợp đồng nên ông không biết. Đường còn khẳng định, tất cả các giấy tờ vay nợ với ông Lẫm, vợ chồng Đường đều để hết trong két sắt ở nhà.
Khi đại diện VKS hỏi Đường: "Lúc cho người đến bảo vệ tài sản của công ty Lâm Quyết có được sự đồng ý của ông Lâm không?" Đường ngập ngừng hồi lâu rồi trả lời: "Không, chưa liên lạc được".
Đại diện VKS hỏi thêm: "Thế nhà anh mà anh không cho phép ai đến thì anh có cho họ vào nhà không?", sau câu hỏi này Đường chỉ nói quanh co "không" và bày tỏ thái độ bực tức.
VKS hỏi tiếp: "Thế nếu người ta vào nhà anh mất cái gì thì anh có quyền nghi hoặc là xác định người ta không?" Đường tiếp tục đáp "Không".
Sau câu trả lời của Đường, VKS giải thích: "Tại tòa anh khẳng định là có mặt tại công ty, nếu mất cái gì rõ ràng anh là người liên đới, chuyện đó là đương nhiên".