Sinh ra với số phận hẩm hiu tôi cũng học cách chấp nhận rồi. Những tưởng mọi thứ dần trở nên tốt đẹp sau khi tôi thoát li khỏi gia đình mình, ấy vậy mà định mệnh vẫn chưa chịu tha cho tôi.
Từ ngày bắt đầu có ký ức, gia đình trong tôi là những trận cãi nhau kịch liệt của bố mẹ. Hai ông bà có thể cãi nhau vì bất cứ điều gì, vào bất cứ thời điểm nào. Nồi niêu xoong chảo, cốc chén trong nhà cứ thế lần lượt tan tành sau mỗi trận chiến của họ. Tôi lớn lên trong những câu chửi thề, những lời nhục mạ, mạt sát lẫn nhau. Năm tôi 8 tuổi, em gái tôi 4 tuổi, bố mẹ tôi quyết định đường ai nấy đi. Tòa phán cho tôi về ở với mẹ, em gái về ở với bố.
Sống với mẹ chưa đầy nửa năm, một hôm bà bỗng thu dọn hết đồ đạc rồi đưa tôi trở về nhà bố. Tôi nghe mẹ nói với ông rằng bà vừa kiếm được việc làm trên thành phố và do không đủ điều kiện chăm sóc nên gửi tôi lại nhờ bố tôi chăm sóc một thời gian. Cũng từ sau hôm đó, tôi không bao giờ gặp lại mẹ mình nữa. Tôi đã từng chờ đợi mẹ trong mỏi mòn rồi thất vọng hết lần này đến lần khác. Không biết bao nhiêu đêm tôi vùi mặt trong gối, tự trách móc bản thân, tự hỏi tôi đã làm gì sai, vì sao mẹ không cần đến tôi nữa? Sau này nghe đâu bà đã cưới chồng khác, có một cuộc sống mới tốt đẹp hơn nhưng cho đến khi tôi lớn, bà cũng vẫn bặt vô âm tín.
Cuộc sống của tôi ở nhà bố là chuỗi ngày cay đắng và tủi nhục. Cũng cùng là con ruột nhưng bố tôi chỉ thương yêu và chiều chuộng mỗi cô em gái. Còn tôi, ông đối xử như một cái gai trong mắt, một vật để trút giận mỗi lần ông cảm thấy không vui hay đi nhậu xỉn về nhà. Có lần trong trận đòn roi, ông nói với tôi rằng nhìn gương mặt tôi giống y hệt mẹ nên cứ mỗi lần nhìn thấy tôi là ông đã không thể kiềm chế nổi.
Rồi bố tôi cũng đi thêm bước nữa. Vợ mới của bố không thể có con nên xem em gái như con ruột vậy. Còn tôi mãi mãi cũng chỉ là con ở trong nhà, bị xem thường, bị đối xử không ra gì. Cả nhà 3 người họ thì luôn tươi cười hạnh phúc trong khi đó mọi việc từ bếp núc, giặt giũ, dọn dẹp, tất cả đều đổ dồn hết vào đầu tôi. Sự uất ức trong tôi cứ lớn dần theo từng ngày, đến khi vừa tốt nghiệp phổ thông, tôi quyết tâm đi tìm việc làm, tự kiếm tiền để trang trải cuộc sống và thoát li khỏi gia đình bố.
Khoảng thời gian làm công nhân ở xưởng may, tôi gặp được anh. Từ nhỏ đến lớn tôi chưa từng được nếm trải cái gì gọi là thương yêu hay tình thân máu mủ, chính vì thế chỉ cần một chút sự quan tâm nho nhỏ và những lời ngọt ngào đường mật của anh, tôi đã nhanh chóng xiêu lòng. Sau hơn một năm sống cùng nhau, tôi với anh quyết định đi đến kết hôn.
Hai vợ chồng tôi cùng nhau làm việc, tích cóp từng đồng lẻ, hy vọng vài năm sẽ đủ tiền để mua một căn nhà nhỏ xây dựng tổ ấm. Cuộc sống tuy vất vả nhưng thật hạnh phúc biết bao. Những tưởng cuộc đời tôi sau này sẽ bước sang một trang mới tốt đẹp hơn, nhưng không, bi kịch vẫn ở đó, chực chờ ập vào đầu tôi một cách thật bất ngờ.
Kể từ khi bước chân ra khỏi nhà bố, tôi chưa từng nghĩ sẽ quay trở lại nơi đó. Tôi căm ghét ông, căm ghét cái nơi chứa đựng biết bao nhiêu đau đớn và khổ sở trong suốt tuổi thơ tôi đã phải sống. Hai năm lấy chồng, bố tôi không hề thăm hỏi hay liên lạc với tôi một lần nào nhưng bỗng một hôm ông lại gọi điện nhắn tôi về nhà gấp. Đó cũng là lần đầu tiên tôi dắt chồng về ra mắt gia đình.
Thái độ của bố đối với tôi vẫn lạnh nhạt như xưa không có gì thay đổi. Ông nói vợ ông ốm nặng phải nhập viện và cần tiền chạy chữa, nghe nói tôi ở thành phố làm ăn cũng khấm khá nên đề nghị tôi đưa cho ông ít tiền xoay xở. Tôi biết bố gọi mình về thì chẳng có gì tốt lành nhưng không nghĩ rằng ông lại phũ phàng đến mức nói rằng số tiền đó xem như trả ơn ông đã cho tôi ăn học nhiều năm qua. Tôi đành bấm bụng bàn với chồng đưa trước cho bố 5 triệu đồng và hứa sẽ cố xoay thêm 10 triệu nữa để "trả nợ" cho ông.
Nói về em gái tôi. Ngay từ bé được sự nuông chiều của bố và mẹ kế nên tính tình nó vô cùng ương bướng, ngang ngược. Ngay cả khi tôi chẳng bao giờ có được sự yêu thương của gia đình, chẳng có thứ gì trong tay, nó vẫn luôn ganh ghét, tị nạnh với tôi vì tất cả mọi điều. Cái ngày tôi đưa chồng về nhà, cô em đỏng đảnh ấy bỗng đối xử với tôi vồn vã lạ thường. Nhìn vào mắt nó, tôi biết nó đã có tình ý với chồng tôi nhưng tôi vẫn tin tưởng tình cảm vợ của mình vững vàng lắm không có gì phải lo. Tôi thật ngu ngốc khi quên mất rằng cuộc đời của tôi đâu có gì tốt đẹp mãi mãi…
Bẵng đi khoảng 3 tháng, một hôm bố lại lên tìm tôi với tâm trạng tức giận hừng hực. Vừa ra mở cửa chưa kịp nói gì, ông đã lao vào tát tôi một cái trời giáng. Nghe những lời chửi bới của ông, tôi lùng bùng hết lỗ tai, đầu óc choáng váng không thể tin nổi những gì đang diễn ra.
"Mày đúng là con sao chổi. Thân mày không ra gì đã đành, mày còn không biết quản chồng cho tốt. Nó về nhà dụ dỗ em gái mày đến mức nó có bầu rồi kia kìa. Em mày chỉ mới tốt nghiệp, giờ thì mất hết tương lai chỉ vì đứa không ra gì như mày. Bây giờ mày tính sao?"
Thật sự tôi cũng chẳng biết phải làm gì nữa. Tôi chảy nước mắt nhưng miệng bất giác mỉm cười. Tôi cười cho cái sự khốn nạn của cuộc đời mình.
"Bố muốn con phải làm sao?", tôi hỏi.
"Mày ly dị với chồng mày ngay cho tao. Để nó về cưới em mày. Chứ mày muốn em gái mày mang tiếng chửa hoang rồi cả nhà tao mang nhục hay sao?", bố tôi nói.
Sau hôm đó, chồng tôi đã quỳ xuống van xin tôi tha thứ, anh ta nói đó chỉ là giây phút nhất thời không thể điều khiển bản thân vì say xỉn, anh đã xiêu lòng trước sự chủ động mời gọi của em gái tôi. Chẳng hiểu sao đến lúc này tôi bình tĩnh đến lạ.. Tôi không nói gì, cũng không nổi giận hay lớn tiếng trách móc mà chỉ lặng lẽ đặt lên bàn tờ đơn xin ly hôn rồi bỏ đi.
Cuộc đời tôi trước mắt cũng chưa biết ra sao. Tôi chẳng có người thân, không có gia đình hay bạn bè gì cả. Tôi nghĩ tốt nhất tôi chỉ nên sống một mình, tự sinh tự diệt rồi ra sao thì ra. Giờ tôi chẳng dám trông mong gì ở cái thứ xa xỉ được gọi là hạnh phúc. Có lẽ, số tôi sinh ra hẩm hiu nên suốt cuộc đời định sẵn là cô đơn và đau khổ rồi. Tôi chỉ hy vọng quãng đời còn lại của mình sẽ không bao giờ gặp lại nhưng con người khốn nạn kia nữa. Tôi sẽ cố mạnh mẽ để vượt qua, để tiếp tục sống thật tốt nhưng chắc chắn tôi sẽ không bao giờ tha thứ cho họ. Không bao giờ!
Tiểu Lệ
Helino/Trí thức trẻ