Tin mới

Formosa tự phạt nặng ôtô chạy ẩu là trái pháp luật

Thứ tư, 16/09/2015, 19:21 (GMT+7)

“Việc Công ty Formosa Hà Tĩnh trang bị súng bắn tốc độ và cho phép lực lượng bảo vệ xử phạt tài xế chạy quá tốc độ trong khu vực Dự án Formosa là trái quy định của pháp luật. Bởi theo quy định của pháp luật hiện hành, chỉ có các cơ quan nhà nước có thẩm quyền mới được xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ…” – luật sư Đặng Văn Cường cho biết.

“Việc Công ty Formosa Hà Tĩnh trang bị súng bắn tốc độ và cho phép lực lượng bảo vệ xử phạt tài xế chạy quá tốc độ trong khu vực Dự án Formosa là trái quy định của pháp luật. Bởi theo quy định của pháp luật hiện hành, chỉ có các cơ quan nhà nước có thẩm quyền mới được xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ…” – luật sư Đặng Văn Cường cho biết.

Mới đây, sự việc Công ty TNHH Gang thép Hưng Nghiệp Formosa (Công ty Formosa) vừa cho phép lực lượng bảo vệ dùng súng bắn tốc độ, xử phạt xe chạy quá tốc độ trong khu vực dự án của mình ở Khu Kinh tế Vũng Áng (thị xã Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh) gây nhiều tranh luận.

Lý do được Công ty này đưa ra là để giảm bớt tình trạng xe cộ vi phạm chạy quá tốc độ và nâng cao an toàn trên hệ thống đường tại khu công nghiệp.

Theo đó, tài xế chạy quá tốc độ tối đa do công ty quy định là 30 km/giờ sẽ bị xử phạt. Cụ thể, chạy 31-51 km/giờ bị phạt 2 triệu đồng/lần, quá 51 km/giờ bị phạt 3 triệu đồng/lần. Vi phạm lần thứ tư trở lên bị phạt 3 triệu đồng/lần.

Để đảm bảo an toàn cho công nhân và cơ sở thiết bị trong dự án Formosa, hệ thống tín hiệu giao thông được lắp đặt trên trục đường vào xưởng - Ảnh: Vietnamnet

Trước đó, Công ty Formosa đã áp dụng mức phạt 90.000 đồng đối với những xe chạy quá tốc độ quy định 30 km/giờ.

Có ý kiến cho rằng, việc tổ chức giao thông phải do cơ quan chức năng quản lý, chứ không được tự ý “đẻ” quy định riêng.

Liên quan đến vấn đề này, PV đã có cuộc trao đổi với luật sư Đặng Văn Cường - Văn phòng luật sư Chính Pháp, Đoàn luật sư TP. Hà Nội và luật sư Giang Hồng Thanh, Văn phòng luật sư Giang Thanh.

Luật sư Cường cho biết, việc làm của Công ty Formosa Hà Tĩnh trái quy định của pháp luật. Bởi theo quy định của pháp luật hiện hành, chỉ có các cơ quan nhà nước có thẩm quyền mới được xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ.

Điều 68, Nghị định 171/2013/NĐ-CP ngày 13/11/2013 của Chính Phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường  bộ và đường sắt đã quy định cụ thể về thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ.

Luật sư Đặng Văn Cường - văn phòng luật sư Chính Pháp

“Căn cứ vào quy định của pháp luật nêu trên, lực lượng bảo vệ của Công ty Formosa không có thẩm quyền xử phạt tài xế chạy quá tốc độ do công ty quy định. Lực lượng bảo vệ của Formosa không có thẩm quyền xử phạt vi phạm giao thông nên không được lập biên bản, không được ra quyết định xử phạt” – luật sư nói.

Cũng theo luật sư Cường: “Nếu để Formosa tự đặt ra luật và xử phạt như trên thì vấn đề đặt ra ở đây là số tiền phạt thu được có được nộp vào ngân sách Nhà nước hay không và trong trường hợp tài xế không đồng ý với mức xử phạt, có khiếu nại thì sẽ giải quyết thế nào?”

“Trường hợp Formosa muốn đảm bảo trật tự an toàn giao thông trên địa bàn khu công nghiệp mình thì phải lập bản nội quy riêng. Bản nội quy này phải được tham vấn, có ý kiến và được các cơ quan chức năng có thẩm quyền xem xét, thẩm định và chấp thuận. Bản nội quy riêng này cũng phải dựa trên cơ sở các quy định hiện hành của pháp luật Việt Nam…” – luật sư Cường nhấn mạnh.

Luật sư Giang Hồng Thanh, văn phòng luật sư Giang Thanh cho rằng, đây là trường hợp hy hữu, chưa từng xuất hiện hoặc chỉ lác đác xuất hiện trong thời gian gần đây. Chính vì vậy nên quan điểm về vấn đề này còn có nhiều tranh cãi và việc giải quyêt vấn đề này còn gặp nhiều lúng túng.

Luật sư Giang Hồng Thanh - văn phòng luật sư Giang Thanh

Theo luật sư Thanh, bất cứ doanh nghiệp, dự án nào hoạt động trên lãnh thổ Việt Nam cũng đều phải tuân thủ theo các quy định chung của pháp luật Việt Nam nói chung và Luật giao thông đường bộ cùng các văn bản hướng dẫn của luật này nói riêng. Điều này đã được Hiến định tại Hiến pháp nước CHXHCN Việt Nam.

Tại Nghị định số 171/2013/NĐ-CP ngày 13/11/2013 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt, chỉ có Điều 36 quy định về xử phạt người điều khiển phương tiện đăng ký hoạt động trong Khu kinh tế thương mại đặc biệt đối với hai trường hợp: (a) Không có tờ khai phương tiện vận tải đường bộ tạm nhập, tái xuất theo quy định và (b) Điều khiển xe không có phù hiệu kiểm soát theo quy định hoặc sử dụng phù hiệu hết hạn, phù hiệu không do cơ quan có thẩm quyền cấp.  Như vậy là đối với các trường hợp vi phạm khác thì xử lý theo quy định chung của Nghị định này.

“Như vậy, đối với quy định do Công ty Formosa đặt ra đã trái với quy định tại Mục 5 Nghị định số 171/2013/NĐ-CP ngày 13 tháng 11 năm 2013” – luật sư Thanh nói.

Luật sư Thanh cũng nhấn mạnh: “Nếu nói rằng trong khuôn viên của Công ty, Công ty muốn quy định thế nào cũng được. Vậy câu hỏi được đặt ra là giả sử có tranh chấp liên quan đến quy định nói trên thì cơ quan nào sẽ phải đứng ra giải quyết. Rõ ràng là cơ quan pháp luật Việt Nam chứ không thể là Formosa”.

Chưa xin phép cơ quan chức năng

Trong khi đó, trao đổi trên báo Pháp luật TP.HCM về việc, khi trang bị súng bắn tốc độ và cho phép bảo vệ xử phạt giao thông, Công ty Formosa Hà Tĩnh có xin phép cơ quan chức năng ở Việt Nam chưa? Đại diện công ty trả lời: “Trong nhà của anh, anh muốn quy định thế nào phải xin phép hả? Căn cứ theo điều nào, khoản nào, luật nào phải thế hả? Nếu tài xế không chấp hành, không nộp phạt thì cấm nhập xưởng, không được vào công trường làm việc”.

Theo ông Phạm Trần Đệ, Phó Trưởng ban Quản lý Khu kinh tế tỉnh Hà Tĩnh, Công ty Formosa Hà Tĩnh chưa báo cáo với Ban Quản lý Khu kinh tế tỉnh Hà Tĩnh về vấn đề này.

“Thực ra họ làm theo quy chế nội bộ của họ, làm trong khuôn viên công ty để đảm bảo ATGT thôi. Nếu họ áp dụng bên ngoài thì mới có chuyện chứ. Quan điểm của tôi là doanh nghiệp, cá nhân vẫn có thể đề ra quy chế nội bộ riêng, miễn rằng không trái đạo đức xã hội và pháp luật là được” – báo Pháp luật TP.HCM dẫn lời ông Đệ nói.

Báo Pháp luật TP.HCM cũng dẫn lời ông Bùi Đức Đại, Phó Giám đốc Sở GTVT tỉnh Hà Tĩnh cho rằng nếu Công ty Formosa Hà Tĩnh bắn tốc độ và xử phạt ngoài cổng công ty thì mới sai phạm. Còn trong nội bộ của công ty thì họ có quy định riêng của họ.

Tiểu Phương

Theo dõi Tinmoi.vn trên Tinmoi.vn - Google news