Tin mới

Giáo viên giải quyết bế tắc bằng tạt axit, tự tử: "Thiếu tâm, ngắn tầm"

Thứ năm, 27/03/2014, 15:56 (GMT+7)

(Tinmoi.vn) Theo chuyên gia tâm lý, cả hai vụ giáo viên tạt axit vào mặt đồng nghiệp và giáo viên buộc hai con cùng tự tử là cách tự xử theo lối tiêu cực thể hiện sự lầm lẫn, thiếu tâm, ngắn tầm và thừa sự ích kỷ.

(Tinmoi.vn) Theo chuyên gia tâm lý, cả hai vụ giáo viên tạt axit vào mặt đồng nghiệp và giáo viên buộc hai con cùng tự tử là cách tự xử theo lối tiêu cực thể hiện sự lầm lẫn, thiếu tâm, ngắn tầm và thừa sự ích kỷ. 

Bế tắc sinh nông nổi

 Thầy giáo tạt axit vào 4 đồng nghiệp, cô giáo trói 2 con tự tử là những thảm án đau lòng liên tiếp xảy ra trong tuần qua gây chấn động dư luận. 
Sự việc thầy giáo Nguyễn Minh Tiên (35 tuổi, ngụ huyện Thanh Bình, tỉnh Đồng Tháp), giáo viên dạy môn tiếng Anh - Trường THCS Tân Phú (huyện Thanh Bình, tỉnh Đồng Tháp) đã mang axit, tạt thẳng vào 4 đồng nghiệp xảy ra ngày ….

Theo lời khai của ông Tiên, hành động trên xuất phát từ sự bất bình về cách giải quyết cồn việc của lãnh đạo, cán bộ phòng giáo dục. Cụ thể, ông Tiên bức xúc vì vợ bị cách chức Hiệu trưởng Mầm non xã Tân Mỹ, bản thân bị chuyển công tác do xích mích chuyện tiền bạc với hiệu trưởng. 
Nhiều ý kiến bất bình, lên án cách giải quyết mâu thuẫn của ông Tiên và cho rằng đó là cách hành xử như quỷ dữ, côn đồ. Một người có trí thức, có phẩm chất người thầy không thể hành động hồ đồ, dã man như vậy. 

Giải quyết bế tắc bằng tạt axit, tự tử:

Vì bất bình việc điều chuyển công tác, kỷ luật, ông Tiên đã tạt axit vào 4 lãnh đạo phòng giáo dục

Tuy nhiên, ở một góc cạnh khác, nhiều ý kiến cho rằng, sự việc phản ánh sự thật nhức nhối trong quan hệ giáo viên với quan chức giáo dục. Đằng sau sự kiện này ẩn chứa nhiều điều đáng nói về xã hội và ngành giáo dục hiện nay. Không phải bỗng nhiên một người thầy ít nói nhưng nóng tính, có người còn nói là hiền lành, không có mâu thuẫn với giáo viên nào trong trường lại đường đột có hành vi như quỷ dữ, côn đồ.

Bi kịch của cô giáo Giang Thị Mỹ Diệu (SN 1987, trú tại thôn Phước Bắc, xã Tam Lãnh, huyện Phú Ninh, Quảng Nam) khiến dư luận vừa thương cảm vừa có phần oán trách vì một phút nông nổi mà bà Diệu đã tước đi sinh mạng của ba con người.

Giải quyết bế tắc bằng tạt axit, tự tử:

Tâm thư của cô giáo tự tử cùng hai con

Theo như bức tâm thư và lời kể của những người hàng xóm, vì bế tắc, cùng đường: chồng nghiện ma túy, ba ruột bị ung thư không tiền chạy chữa qua đời, ba chồng bị Tai nạn giao thông chết thảm,…sự việc diễn ra dồn dập khiến cô giáo Diệu suy sụp tinh thần, quẫn trí dẫn đến hành động: trói chặt 2 con vào mình rồi cùng nhảy hồ tự tử.

Hành xử lầm lẫn

Ở góc nhìn phân tích tâm lý, ông Nguyễn An Chất, Giám đốc Trung tâm tư vấn tâm lý An Việt Sơn cho rằng, hành động của ông giáo Tiên và bà Diệu gọi chung là tự xử. Hành động tự xử theo lối tiêu cực đều là những cái lầm lẫn nhưng cả hai vụ đều chung một nguyên cớ là bị áp lực quá lớn khiến họ bị sang chấn tâm lý, khi đến cực điểm thì bị sang chấn tâm lý đột ngột. 

Cụ thể, với vụ giáo viên đổ axit vào 4 đồng nghiệp ông Chất phân tích: “Bị điều chuyển công tác, xin không được rồi còn bị kỷ luật khiến anh ấy bị áp lực, bị sang chấn tâm lý  và đến khi bị sang chấn tâm lý đột ngột thì họ không còn là họ nữa. Lúc này họ hành động mang tính bản năng, tức thể hiện theo lối sống của 1 động vật thôi. 

Chuyên gia giải mã chuyện giáo viên giải quyết mâu thuẫn, bế tắc bằng tạt axit, tự tử

“Hành động như vậy nhằm bảo vệ những cái mà họ là đúng chứ chưa chắc đã là đúng. Thế mới nói làm như thế là nhầm lẫn rất lớn, thể hiện sự thiếu trách nhiệm với chính họ, với gia đình, cộng đồng. Ở đây cũng thể hiện cái tâm thì thiếu, cái tầm cũng kém và thừa ích kỷ, thiếu trách nhiệm”, ông Chất nói.

Còn với trường hợp cô giáo mầm non buộc hai con vào người đi ra hồ tự tử, ông Chất cho rằng, trường hợp này cũng có những yếu tố chung như vụ việc của thầy giáo tạt axit vào đồng nghiệp. Theo những thông tin ban đầu, bà Diệu bị rất nhiều áp lực với những sự cố liên tiếp ập đến: Bố chồng chết, bố đẻ chết, chồng bị nghiện, không có tài chính, lại đẻ hai con cách nhau có 1 năm. Gánh nặng kinh tế gia đình quá lớn dồn cả lên đôi vai cô ấy khiến cô ấy mệt mỏi dần dần bế tắc và đi đến quyết định lầm lẫn. 

Lý giải việc bà Diệu buộc hai con vào mình rồi nhảy xuống sông tự tử, ông Chất cho rằng, hành động này thể hiện tình mẫu tử quá lớn. 

“Hành động đó quá sai lầm nhưng cũng phải thông cảm, đừng lên án cô ấy giết người như một số ý kiến khác. Ở đây tình mẫu tử quá lớn vì một người mẹ nuôi con vất vả, chồng nghiện ngập nên khi nghĩ đến cái chết cô ấy chắc hẳn đã suy nghĩ khi mình chết đi các con sẽ bơ vơ và rất có thể trở thành người như bố chúng bây giờ. 

“Lúc này bà Diệu chắc chắn đã mắc bệnh trầm cảm quá cao. Lúc đầu là không muốn tiếp xúc với ai, buồn bã, cô đơn rồi không còn lỗi thoát, nhìn xa chỉ thấy bầu trời u ám, đi thì toàn chông gai và biểu hiện cao nhất của trầm cảm là nghĩ đến cái chết. 

Việc tìm đến cái chết thể hiện tầm nhìn về cuộc sống quá ngắn và cũng vì thế nên cô ấy  đã buộc hai con vào người cùng nhảy xuống sông tự tử. Nếu như cô ấy bình tĩnh, nghị lực hơn thì cô ấy hoàn toàn có thể vượt qua được tình trạng bi đát của cuộc sống hiện tại vì rất nhiều người sẽ giúp được cô ấy vượt qua được những cái hỷ nộ, ái ố của cuộc sống mà ai cũng có thể gặp ở một đoạn nào đó trong cuộc đời mình”, ông Chất phân tích. 

H.Minh

Theo dõi Tinmoi.vn trên Tinmoi.vn - Google news