Với con mắt tinh tường, Đường Thái Tông Lý Thế Dân đã được người đời sau ca ngợi là "CEO giỏi nhất lịch sử Trung Quốc".
Tài năng chọn người, dùng người và quản lý nhân lực của Đường Thái Tông Lý Thế Dân có thể dùng 16 chữ để tổng kết: "Lắng nghe lời khuyên, trọng dụng người tài, cung kiệm tiết dùng, khoan hậu yêu dân".
Ngày nay, nhiều nhà kinh doanh Trung Quốc đều vô cùng sùng bái nghệ thuật quản lý và cách dùng người của vị Minh Quân thời nhà Đường này. Thậm chí, giới doanh nhân đời sau còn tôn sùng Đường Thái Tông là CEO tài giỏi nhất trong lịch sử.
Dù đã trải qua hàng thế kỷ, nhưng những nguyên tắc quản lý cũng như nghệ thuật chọn người, dùng người của Lý Thế Dân vẫn phát huy tác dụng to lớn khi được áp dụng ở thời hiện đại.
Đạo chọn người của Lý Thế Dân: Nhìn chuẩn, dùng đúng!
Vua Đường Lý Thế Dân có mắt nhìn người vô cùng chuẩn xác. (Ảnh minh họa).
Tôn trọng và đào tạo nhân tài là sách lược chủ yếu giúp Đường Thái Tông gặt hái thành công trong việc trị quốc.
Cũng bởi ông rất giỏi trong việc phát hiện và trọng dụng hiền tài, nên nhân tài trong thiên hạ đều tình nguyện vì nhà vua cống hiến.
Đối với doanh nghiệp ngày nay mà nói, mấu chốt của việc dùng người gói gọn trong 6 chữ: "Nhìn phải chuẩn, dùng phải đúng". Làm được như vậy, nhân tài tự khắc sẽ xuất hiện trước mặt họ, nếu không thì người tuyển dụng cũng có thể dễ dàng phát hiện nhân tài.
Danh sĩ nhà Đường là Hàn Dũ Thuyết từng để lại một câu:
"Đời có Bá Nhạc, sau đó mới có Thiên Lý Mã. Thiên Lý Mã dễ tìm, mà Bá Nhạc thì khó kiếm". (Bá Nhạc là người phát hiện ra Thiên Lý Mã - ý chỉ người phát hiện nhân tài).
Vấn đề trong việc tìm kiếm nhân tài trong thời đại này không nằm ở chỗ có tìm được người mới hay không, mà quan trọng là nhà tuyển dụng có phát hiện được người giỏi hay không.
Nghệ thuật dùng người của minh quân nhà Đường
Nhân tài trong thiên hạ nguyện cống hiến vì Đường Thái Tông. Điều này bắt nguồn từ cách đối xử với người tài của vị vua này. (Ảnh minh họa).
Trong số những nhân tài phụng sự cho Lý Thế Dân, Gián nghị Đại phu Ngụy Trưng chính là một điển hình của kiểu "nghịch tài" (ý chỉ những người có tài nhưng tính cách gai góc).
Vị quan này thường thẳng thừng can gián những khuyết điểm của Đường Thái Tông, thậm chí còn từng chỉ đích danh 10 sai lầm của Lý Thế Dân khiến nhà vua vô cùng lúng túng.
Thế nhưng, Đường Thái Tông trước sau vẫn coi Ngụy Trưng như một hiền sĩ hiếm có để trọng dụng.
Nhờ có những "nghịch tài" thẳng thắn như Ngụy Trưng, lại thêm lòng rộng lượng đối với "nghịch tài" của Lý Thế Dân, giang sơn nhà Đường mới thêm phần vững chắc, thời kỳ Trinh Quán thịnh thế mới có cơ hội để xuất hiện.
Dù ở thời đại nào, một tập thể nếu muốn phát triển, điều cốt yếu là lãnh đạo phải tin tưởng người của mình, một khi trọng dụng thì chớ nên nghi ngờ. Làm được điều ấy, trên dưới ắt sẽ một lòng, chuyện khó đến mấy cũng có thể vượt qua.
Ở thời đại của chúng ta ngày nay, mỗi nhân viên đều mong muốn được lãnh đạo trọng dụng và tín nhiệm. Sự coi trọng của cấp trên sẽ càng khiến họ thêm phần thoải mái và mạnh dạn trong công việc.
Lòng tin của cấp trên chính là niềm khích lệ lớn nhất đối với nhân viên. Có được sự khích lệ quý giá này, họ sẽ sẵn sàng phát huy tài trí, không ngừng sáng tạo, mãi giữ được nhiệt tình với công việc.
Cảm mến nhân tài, Lý Thế Dân phong chức tước không màng thân thế, hiềm khích
Trong những năm Lý Thế Dân trị vì, có rất nhiều hiền tài của tiền triều, người thuộc dân tộc thiểu số, xuất thân tầm thường... vẫn được nhà vua phong chức tước. (Tranh minh họa).
Khi còn tại vị, Thái Tông chọn hiền tài không bao giờ bàn đến thân sơ, chẳng tránh né kẻ có oán thù, không thiên vị bè phái, càng không tra hỏi về thân thế.
Lúc mới lên nắm quyền, những nhân vật cốt cán trong tập đoàn chính trị của ông có thể kể tới như Trưởng Tôn Vô Kỵ (anh trai của Trưởng Tôn Hoàng hậu), Phùng Huyền Linh (quan viên của triều Tùy trước đó), Trương Hàng Thành (xuất thân áo vải), Ngụy Trưng (mưu sĩ cho đối thủ tranh ngôi của nhà vua năm xưa – Lý Kiến Thành).
Những người ấy sau này đều một lòng một dạ với Thái Tông, trở thành trọng thần cốt cán, có nhiều cống hiến to lớn cho sự phồn vinh của Đường triều.
Bên cạnh đó, Đường Thái Tông tiếp tục trọng dụng các sĩ tộc địa chủ, nhưng cũng rất tạo điều kiện cho các thứ tộc địa chủ khác. Điều này đã phá vỡ định chế chỉ bổ nhiệm sĩ tộc địa chủ có từ thời Ngụy Tấn.
Điều đáng quý hơn là vị Hoàng đế này đã phá bỏ rào cản về thành kiến dân tộc, tuyển chọn nhiều nhân tài có xuất thân là dân tộc thiểu số.
Năm Trinh Quán thứ 6, ông bổ nhiệm tù trưởng Khiết Hà Lực của tộc Thiết Lặc làm Tướng quân.
Năm Trinh Quán thứ 14, Thái Tông tiếp tục phong cho A Sử Na Trung của tộc Đột Quyết làm Đại tướng quân…
"Trải thảm đỏ đón nhân tài" là một trong những slogan phổ biến của các nhà tuyển dụng ngày nay, nhưng sự thực lại rất hiếm người thực sự làm được điều ấy, mà Tỷ phú Lý Gia Thành đích thị là một trong số ngoại lệ hiếm hoi đó.
Lý Gia Thành từ một người làm thuê trở thành đại gia đất Hương Cảng. Xí nghiệp của ông từ một nhà máy nhỏ cũ nát nay đã phát triển thành một tập đoàn khổng lồ.
Để đạt được những thành công to lớn trong sự nghiệp, đạo dùng người của tỷ phú họ Lý chính là một yếu tố mấu chốt.
Ông rất chú trọng tìm kiếm và bổ nhiệm các "khách khanh" (từ cổ để chỉ những người ở các nước chư hầu làm quan cho bản quốc).
Vì thế, đoàn cố vấn của tỷ phú họ Lý có rất nhiều nhân tài trẻ tuổi và khôn khéo, cũng có cả nhóm hiền tài dày dặn kinh nghiệm, túc trí đa mưu.
Kinh nghiệm quản lý gói gọn trong 3 chữ của vua Đường: Dùng chân tình!
Để có thể đưa nhà Đường phát triển tới đỉnh cao thịnh trị, Lý Thế Dân luôn đặt lợi ích của muôn dân trăm họ lên hàng đầu. (Ảnh minh họa).
Trong những năm trị vì Đường triều, Lý Thế Dân luôn đặt đạo lý "trước tồn trăm họ" lên hàng đầu.
Ông đã từng sống vào những năm cuối thời nhà Tùy, cũng chính mắt chứng kiến vương triều khổng lồ ấy rơi vào cảnh tan vỡ. Để tránh đi vào vết xe đổ tiền triều, Lý Thế Dân hiểu rõ hơn ai hết tầm quan trọng của việc an bang định nước.
Tư tưởng "tồn trăm họ" trước nhất được rút ra từ kinh nghiệm vong quốc của nhà Tùy, lại được bổ sung và đúc kết từ sự hưng vong của nhiều triều đại về trước.
Theo Lý Thế Dân, "dân là vốn của nước, vốn có chắc, nước mới an". Từ đó có thể hiểu, "tồn trâm họ" chính là làm mọi cách để bách tính có được cuộc sống yên ổn, chỉ có như vậy quốc gia mới hòa bình và ổn định lâu dài, mới có nền tảng vững chắc để trở nên cường thịnh. Đây mới là chân lý cốt lõi nhất của đạo làm vua.
Điều đáng nói nằm ở chỗ, nhiều nhà quản lý doanh nghiệp ngày nay lại không có đủ sự tôn trọng đối với nhân viên của mình. Họ sẵn sàng đưa ra những yêu cầu thái quá, chỉ đạo một cách thô lỗ, tìm mọi cách để khống chế, thậm chí tùy ý mắng mỏ, chê bai cấp dưới.
Những nhà quản lý độc tài này cho rằng, làm như vậy sẽ khiến họ càng thêm quyền uy, càng bộc lộ sự thông minh. Nhưng trên thực tế, hành động ấy chẳng những không khiến họ trở nên cơ trí hơn, mà càng nhanh chóng đẩy công ty rơi vào thảm cảnh "chảy máu chất xám".
Tấm gương Lý Thế Dân và tầm quan trọng của sức hút cá nhân từ người lãnh đạo
Sự uy vũ và dũng cảm của Lý Thế Dân trên chiến trường luôn được các tướng sĩ vô cùng ngưỡng mộ và khâm phục. (Ảnh minh họa).
Mỗi lần ra trận, Đường Thái Tông luôn là người xung phong lên trước. Có lần, ông mang 500 kỵ binh chủ động tách đại quân để dò xét địa hình phía trước. Kết quả bị quân địch bao vây, còn suýt bị Đan Hùng Tín đâm trọng thương.
Ngay lúc đó, Uất Trì Kính Đức đã liều mạng thúc ngựa xông lên, đâm Đan Hùng Tín ngã ngựa, che chở cho Lý Thế Dân thoát khỏi vòng vây.
Vậy mới thấy, chỉ khi người lãnh đạo xung phong dẫn đầu, trở thành một tấm gương mẫu mực, tinh thần nhiệt tình của họ mới đủ sức lan tỏa tới toàn thể nhân viên.
Tấm gương của một người lãnh đạo luôn sẵn sàng đi đầu có sức cảm hóa vô cùng lớn, sẽ tạo thành động lực và niềm khích lệ tuyệt vời cho cấp dưới của họ.
Trần Quỳnh