Bất chấp các lệnh trừng phạt hà khắc của phương Tây, giá trị tài sản ròng của các tỉ phú Nga vẫn tiếp tục tăng cao. Trong khi đó, những xích mích với Mỹ kể từ đầu năm nay đã tác động lớn đến túi tiền của giới siêu giàu Trung Quốc.
RT trích dẫn các chỉ số của Bloomberg Billionaires Index cho biết, giá trị tài sản ròng của các tỉ phú đã tăng thêm 10,8% kể từ đầu năm 2018 so với cùng kỳ năm ngoái, vượt qua các tỉ phú Nga đến từ các quốc gia khác trên thế giới.
Theo đó, khối tài sản của các "ông lớn" năng lượng như Leonid Mikhelson, Gennady Timchenko và Vagit Alekperov đã tăng trưởng mạnh nhất trong số 10 tỉ phú thuộc top 10 của Nga.
Lí do họ đạt được sự tăng trưởng đáng kinh ngạc này là do Giá dầu thô tăng mạnh trong bối cảnh mối quan hệ giữa Nga và phương Tây, đặc biệt là Mỹ, ngày càng căng thẳng.
Xếp sau các tỉ phú Nga trong bảng xếp hạng của Bloomberg là những đại gia của Mỹ, với giá trị tài sản ròng tăng 7,5% kể từ đầu năm nay. Trong khi đó, những người giàu nhất của nước Anh lại gặp khó khăn vì Brexit, nên tài sản của họ chỉ tăng 3,4%.
Các chỉ số còn cho thấy giới tỉ phú Trung Quốc chính là đối tượng "thê thảm" nhất. Những xích mích với Mỹ kể từ đầu năm nay đã tác động lớn đến túi tiền của giới siêu giàu Trung Quốc.
Cụ thể, giá trị tài sản ròng của 10 người giàu nhất Trung Quốc đã giảm hơn 27% chỉ trong năm 2018, chủ yếu do họ đã bán tháo công nghệ và bất động sản khi xung đột với Mỹ bắt đầu tăng nhiệt.
Trái với sự khởi sắc của giới siêu giàu Nga, giá trị tài sản ròng của các tỉ phú đến từ các quốc gia khác trên thế giới như Pháp, Thụy Điển, Thụy Sĩ, Ấn Độ hay Đức... đều giảm từ gần 1% tới hơn 14%.
Kể từ sau khi bán đảo Crimea sáp nhập vào Nga năm 2014, Mỹ và phương Tây đã liên tiếp giáng nhiều đòn trừng phạt hà khắc nhằm vào Moskva. Gần đây, Nga lại tiếp tục lãnh thêm đòn vì những lùm xùm quanh vụ đầu độc cựu điệp viên hai mang Skripal, vì tình hình ở Ukraine, và do cáo buộc vi phạm lệnh trừng phạt Triều Tiên.
Tổng thống Nga Vladimir Putin luôn khẳng định các đòn trừng phạt của phương Tây không thể ngăn nước này phát triển, thậm chí còn đem lại cho Nga một số lợi ích.
Chính quan chức Mỹ cũng "ngậm ngùi" thừa nhận nền kinh tế Nga quá lớn để trừng phạt kiểu Iran, Triều Tiên.
Ngày 26/9, trong phiên điều trần trước Tiểu ban Tài chính phụ trách Chính sách tiền tệ và Thương mại Mỹ, Trợ lý Bộ trưởng Tài chính Mỹ Marshall Billingslea cho rằng các lệnh trừng phạt kiểu Iran, Triều Tiên không có tác động hiệu quả tới toàn bộ nền kinh tế Nga.
Lý do mà quan chức này đưa ra là do nền kinh tế Moscow có quy mô lớn nhất định, cũng như có mối liên quan chặt chẽ tới hệ thống tài chính và chuỗi cung ứng toàn cầu. Chính vì điều này, nếu Mỹ trừng phạt Nga trên diện rộng, có thể sẽ phát sinh ra những hậu quả không thể ngờ tới với Mỹ, các đồng minh hoặc nền kinh tế thế giới.
Đức Hoà (tổng hợp)