Việc Hà Nội đề xuất ngừng ăn thịt chó đã làm dấy lên nhiều ý kiến của các báo lớn trên thế giới như The Guardian, BBC hay Reuters về vấn đề ăn thịt chó tại Việt Nam.
Gần đây, khi dự thảo cấm tiêu thụ thịt chó ở Hà Nội được đem ra bàn luận và xem xét thì các báo lớn nước ngoài đã đồng loạt đưa tin về sự kiện này - phản ánh đúng góc nhìn và sự quan tâm của người nước ngoài về vấn đề tiêu thụ thịt chó ở Việt Nam.
Tờ The Guardian đưa tin về việc ăn thịt chó ở Việt Nam
Theo tờ The Guardian và bài báo "How eating dog became big bussiness in Vietnam" được đăng tải ngày 27 tháng 9 năm 2013 ("Việc ăn thịt chó đã trở thành một ngạch kinh doanh ở Việt Nam) của tác giả Kate Hodal, bà đã khẳng định rằng mỗi năm có hàng trăm cho tới hàng nghìn con chó bị đánh bắt trộm ở Thái Lan, sau đó tuồn qua Hà Nội để kết thúc cuộc đời trong các cửa hàng. Nhu cầu thịt chó cao tới mức nguồn cung đã trở nên chuyên nghiệp và tàn nhẫn dưới hình thức vận hành qua chợ đen.
Bài viết của tác giả Kate Hodel trên tờ The Guardian từ năm 2013, đề cập tới thực trạng ngành kinh doanh thịt chó ở Việt Nam.
Bài viết cũng khẳng định rằng việc ăn thịt chó ở Việt Nam đã trở thành một thói quen được duy trì qua nhiều thế hệ, người Việt Nam ăn thịt chó vì cho rằng thứ thực phẩm này đem lại lợi ích cho sức khỏe, và trên thực tế nó rẻ và cung cấp một lượng đạm dồi dào cho cơ thể. Đồng thời, nguồn cung không đảm bảo tính minh bạch của thịt chó tạo điều kiện cho những vụ ăn cắp chó, đôi khi là những hệ lụt nguy hiểm hơn khi những tên trộm chó bị chính người dân bắt được và hành hung.
Tờ Reuters năm 2013: "Chó ở Việt Nam - Không chỉ còn là bữa tối"
Vào năm 2013, tờ Reuters cũng đã đưa tin về thói quen ăn thịt chó của người Việt Nam trong bài viết: "Chó ở Việt Nam - Không chỉ còn là bữa tối" - "Dogs in Vietnam: Not just for dinner anymore".
Tin đưa từ tờ Reuters: "Chó ở Việt Nam - Không chỉ còn là bữa tối" - "Dogs in Vietnam: Not just for dinner anymore".
Theo đó, từ những năm 2013, một số người Hà Nội đã bắt đầu có tư duy đổi mới về chuyện ăn thịt chó. Ông Nguyễn Bảo Sinh, chủ sở hữu của khu nghỉ dưỡng của vật nuôi, cho rằng giờ đây người Việt Nam không còn bị ám ảnh bởi các vấn đề lương thực và dần có mức sống cao hơn. Do đó, việc ăn thịt chó dần bị coi là một hành động "tàn bạo."
Tờ báo cũng phản ánh về một đầu nậu ở Cao Xá, một trung tâm cung cấp thịt chó ở ngoại ô Hà Nội. Đầu nậu này trả lời với Reuters rằng làng của anh ta từng có thời điểm cung cấp 2 tấn thịt chó một ngày cho các cửa hàng và tiệm ăn. Thịt chó vẫn còn phổ biến ở Việt Nam - cho dù xào, xiên que hoặc nướng - phần lớn vì niềm tin rằng ăn nó mang lại may mắn. Phần phỏng vấn của tở Reuters cũng đề cập tới một sinh viên ăn thịt chó để cầu may trước ngày thi Đại học - 5 năm đã trôi qua, không biết anh chàng này đã đỗ Đại học hay chưa nữa!
Tờ BBC đưa tin: "Ngày càng có nhiều người ở Việt Nam dần phản đối ăn thịt chó, thế nhưng nó vẫn là một thói quen bắt rễ sâu trong người Việt."
Tờ BBC đưa tin ngày 12 tháng 9: "Hà Nội đề xuất người dân ngừng ăn thịt chó" và dòng sapo: "Thủ đô của Việt Nam - Hà Nội - đang đề xuất tới người dân việc dừng ăn thịt chó vì nó ảnh hưởng xấu tới hình ảnh thành phố và đem tới nhiều nguy cơ về sức khỏe."
Tờ này đồng thời cũng trích dẫn một số bình luận của người dùng mạng Việt Nam, trong đó ý kiến nổi bật là: "Thịt chó không nên bị cấm hoàn toàn, thay vào đó nên đánh một khoản thuế thật nặng hoặc chỉ cho phép buôn bán nó ở một số khu vực cụ thể."
Tờ BBC cũng thông báo rằng vẫn còn hơn 1000 cửa hàng ở Hà Nội vẫn bán thịt chó và thịt mèo. Đề xuất của chính quyền Hà Nội kêu gọi người dân cũng ngừng ăn thịt mèo, dù ít phổ biến hơn tại Việt Nam nhưng cũng sẵn có. Trên thực tế, chó mèo ở Việt Nam bị bắt đều bị giết một cách tàn nhẫn; có khoảng 490.000 con chó và mèo ở Hà Nội và phần lớn trong số đó là thú cưng của các hộ gia đình.
Tin đưa từ tờ Asia Times: "Ở Việt Nam, chó không được đối xử như người bạn tốt nhất của con người"
Asia Times: "Ở Việt Nam, chó không được đối xử như người bạn tốt nhất của con người"
Tờ Asia Times cho rằng việc ăn thịt chó dù đã bám rễ sâu vào lối sống của người Việt nhưng lại đang dần biến mất bởi sự lên án mạnh mẽ từ những người yêu động vật. Trong một cuộc khảo sát ý kiến về vấn đề mua bán thịt chó, đã có tới 95% những người được hỏi ủng hộ lệnh cấm hoạt động này."
Tuy nhiên bản thân người sáng lập tổ chức Vietnam Animal Cruety (Chống bạo hành động vật Việt Nam), anh Leopold Vincent cho rằng ngay cả khi có lệnh cấm tiêu thụ thịt chó thì vẫn khó mà ngăn chặn triệt để được hành động này. Anh cho rằng người Việt Nam vẫn "sở hữu" động vật nuôi như chó mèo hơn là coi chúng như người bạn thân trong gia đình.
Nam Thanh (tổng hợp)
Theo Helino/Trí thức trẻ