Bà Đào Thanh Hoàn, Phó Giám đốc trung tâm nghiên cứu và ứng dụng tâm lý - giáo dục Ngọc Ân chia sẻ, bản thân bà bắt đầu quan tâm đến nhu cầu của trẻ em rối loạn phát triển từ khi phát hiện con trai bị tự kỷ và chưa có ngôn ngữ vào năm 2008. Gia đình bà Hoàn khi đó đã đưa con đi chữa tại các bệnh viện và rất nhiều trung tâm giáo dục đặc biệt, phục hồi chức năng ở Hà Nội.
Tại các trung tâm bà đã từng đưa con đến can thiệp, giáo viên thường bị quá tải vì số lượng học sinh đông; không đủ đồ chơi và các thiết bị giáo dục phù hợp với các em.
Bà Đào Thanh Hoàn, Phó Giám đốc Trung tâm.
“Đặc biệt, tôi gặp rất nhiều mảnh đời khó khăn do con bị rối loạn phát triển dẫn đến mất việc làm, vợ chồng ly hôn; cứ mỗi gia đình có 1 bé rối loạn phát triển là mẹ hoặc bố phải nghỉ làm. Từ đó, tôi ấp ủ sẽ mở một Trung tâm giáo dục đặc biệt để được đặt một bàn tay chia sẻ một phần khó khăn đối với các gia đình thiếu may mắn đó.
Và mong muốn hơn nữa là muốn tạo một môi trường giáo dục đặc biệt như một mái nhà ấm áp tràn đầy yêu thương để các thầy, cô giáo dục đặc biệt được phát huy chuyên môn, năng lực của mình và lan tỏa tình yêu thương đến các con thiếu may mắn trong xã hội..."- Bà Hoàn nói.
Theo bà Hoàn, các hoạt động chính của trung tâm bao gồm việc nghiên cứu ứng dụng thành tựu khoa học tâm lý, giáo dục vào lĩnh vực can thiệp sớm và hỗ trợ cho trẻ rối loạn phát triển về thể chất, trí tuệ, năng lực học tập và những kỹ năng tự lập cơ bản.
Thực hiện các dịch vụ: đánh giá, sàng lọc, can thiệp sớm cho trẻ rối loạn phát triển; tư vấn, phổ biến kiến thức cho phụ huynh và cộng đồng về phương pháp chăm sóc, giáo dục trẻ; tư vấn và thực nghiệm hướng nghiệp; Bồi dưỡng kỹ năng xã hội cho trẻ rối loạn phát triển.Ngoài ra, hợp tác với các cá nhân, tổ chức trong và ngoài nước thực hiện các nhiệm vụ can thiệp sớm và giáo dục cho trẻ rối loạn phát triển.
Hiện nay, trung tâm đã và đang sử dụng các công cụ đánh giá quốc tế đã được Việt hóa trong quá trình sàng lọc, đánh giá học sinh rối loạn phát triển. Hoạt động can thiệp sớm của trung tâm được thực hiện theo các hình thức cá nhân, nhóm; sử dụng các chương trình can thiệp sớm đã được Bộ GD&ĐT thẩm định và ban hành.
Hoạt động hỗ trợ giáo dục hòa nhập được triển khai tại các trường mầm non và các trường phổ thông trên địa bàn quận Hà Đông và các vùng lân cận.Ngoài ra, phía trung tâm cũng đã phối hợp với các chuyên gia tại trung tâm giáo dục đặc biệt quốc gia và Bệnh viện Nhi Trung ương để thực hiện hoạt động sàng lọc, đánh giá các học sinh có nhu cầu giáo dục đặc biệt.
Trong khoảng thời gian từ tháng 10-2020 đến tháng 10-2021, hoạt động sàng lọc, đánh giá học sinh có nhu cầu giáo dục đặc biệt sẽ được trung tâm thực hiện hoàn toàn miễn phí; giảm 20% phí can thiệp, giảm 50% phí can thiệp dành cho các gia đình có hoàn cảnh khó khăn…
Đặc biệt, đối với trẻ rối loạn phát triển, sẽ được tập trung quan tâm hơn nữa trong việc can thiệp sớm và giáo dục cho trẻ. Đó là sự tư vấn và thực nghiệm hướng nghiệp, hỗ trợ việc làm cho trẻ để các con là nguồn thắp sáng ước mơ của mỗi gia đình, bớt một phần gánh nặng cho xã hội trong việc sử dụng nguồn nhân lực đối với người có rối loạn phát triển.