Mới đây, Sở Giao thông Vận tải Hà Nội đã giao Trung tâm Quản lý giao thông công cộng thành phố Hà Nội xây dựng phương án cho xe buýt được hoạt động trở lại 100% công suất kể từ ngày 8/2. Đây cũng là thời điểm thành phố cho phép học sinh, sinh viên được đi học trở lại ngay sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán.
Trước đó, Tổng công ty Vận tải Hà Nội (Transerco), các đơn vị xe buýt cũng đã có đề nghị thành phố Hà Nội cho phép xe buýt được hoạt động 100% công suất nhằm phục vụ người dân đi lại được thuận tiện hơn.
Transerco cho biết, các đơn vị đảm trách hoạt động vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt khẳng định đã sẵn sàng các phương án huy động phương tiện cũng như biện pháp phòng, chống dịch nhằm đáp ứng nhu cầu đi lại của hành khách được thuận lợi, an toàn.
Từ ngày 14/10/2021, thực hiện chỉ đạo của UBND thành phố Hà Nội, Sở Giao thông Vận tải Hà Nội đã phê duyệt (xe chở không quá 50% sức chứa và không quá 20 hành khách/ xe tại một thời điểm), tần suất dịch vụ từ 15-60 phút/lượt để phục vụ yêu cầu phòng, chống dịch Covid-19.
Các đơn vị buýt đã chấp hành nghiêm túc chỉ đạo này. Tuy nhiên, thời gian qua, lượng khách đi lại đang có dấu hiệu tăng trở lại. Nhiều khách hàng phải chờ đợi lâu mới có thể đón được xe buýt.
Trước đó, trong thông báo kết luận cuộc họp Thường trực Chính phủ, ban hành hôm 18/1, Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu các địa phương cho học sinh từ 12 tuổi trở lên đi học trực tiếp sớm nhất có thể sau Tết Nguyên đán, nhất là với địa phương đạt tỷ lệ cao về tiêm chủng đủ liều cho trẻ 12-17 tuổi.
Ngay sau đó, UBND TP Hà Nội cũng đã đồng ý với đề xuất của Sở GD-ĐT về việc cho học sinh từ lớp 7 đến lớp 12 trên địa bàn đi học trực tiếp từ ngày 8/2. Tuy nhiên, chỉ có học sinh vùng cấp độ 1, cấp độ 2 được đến trường.