Có nhiều điều công chúng chưa biết về nhân cách và giọng hát của danh ca Hà Thanh – người được mệnh danh là Họa mi hót trên vai Đức Phật.
Nhắc đến thế hệ danh ca Việt Nam trước 1975, người ta thường chỉ nhớ tới Thái Thanh, Khánh Ly, Lệ Thu, Hoàng Oanh, Thanh Tuyền. Ít ai biết Hà Thanh vì cô sống một cuộc sống trầm mặc, tĩnh tại, lánh xa bon chen chốn sân khấu.
Suốt sự nghiệp ca hát gần hơn nửa thế kỉ của mình, Hà Thanh lúc nào cũng e lệ, khiêm nhường và rụt rè khi bước lên sân khấu.
Hà Thanh đi hát không nhiều, thường từ chối các lời mời diễn show, dù luôn được săn đón, trọng vọng. Cô cũng ít khi trả lời phỏng vấn và hầu như không muốn lên báo chí, truyền thông.
Cách hành xử này hoàn toàn đối lập với giới nghệ sĩ trong showbiz ngày nay, vốn luôn muốn lao vào danh vọng để có được tiền tài, nổi tiếng, bất chấp thị phi.
Có lẽ vì vậy mà tầng lớp khán giả đương đại không nhiều người nhớ đến Hà Thanh. Nhưng tầm vóc của cô trong nền tân nhạc Việt Nam là rất lớn, xứng đáng với 2 chữ "DANH CA" viết hoa.
Hà Thanh là ca sĩ hiếm hoi đem đến chất học thuật cao quý cho dòng nhạc Bolero, khiến nó trở nên đẳng cấp, sang trọng như được tô thêm màu bán cổ điển, nhưng vẫn đậm chất trữ tình quê hương.
Không những vậy, cô còn thành công ở nhiều mảng nhạc khác như tiền chiến, Slow, Ballad… Mỗi khi chạm tay vào bất cứ dòng nhạc nào, Hà Thanh cũng để lại một dấu ấn sâu đậm, đến từ chất sang trọng bậc nhất và kĩ thuật phức tạp, phong phú của cô.
Bởi vậy, sinh thời, Hà Thanh được rất nhiều nhà nghiên cứu và nhạc sĩ tài ba bậc nhất đánh giá cao như Phạm Duy, Trịnh Công Sơn, Nguyễn Văn Đông… Cô cũng trở thành bóng hồng trong mộng của nhiều thi nhân, văn sĩ.
Đến khi qua đời, Hà Thanh vẫn được nhiều người trong giới và công chúng nhớ đến, để dành tặng những lời tri ân sâu sắc. Với những điều cao quý đó, Hà Thanh đã được mệnh danh là Họa mi hót trên vai Đức Phật xứ "thần kinh".
Câu chuyện về Họa mi hót trên vai Đức Phật xứ "thần kinh"
Nhiều người khá lạ lùng và thắc mắc về danh từ "thần kinh" ở đây. Tất nhiên, đó không phải bệnh thần kinh, mà để chỉ xứ Huế. Nó do hai chữ "kinh đô" và "thần bí" ghép lại mà thành. Danh từ này gắn với những điển tích lịch sử mang tính kinh điển về mảnh đất vua ngự một thời.
Và Hà Thanh chính là nữ ca sĩ tiêu biểu nhất của xứ Huế trong cả thế kỉ 20, mà không ai có thể sánh kịp. Cô xứng đáng với nhận định của nhà nghiên cứu Nguyễn Xuân Đắc: "Hà Thanh với giọng oanh vàng số 1 được xem là nữ ca sĩ tiêu biểu nhất của Huế thế kỷ 20".
Tìm cả xứ Huế cũng hiếm có nữ ca sĩ nào sở hữu tiếng hát đẹp và sang trọng bậc nhất như Hà Thanh. Chỉ cần cô cất giọng nên thôi đã toát lên sự trâm anh, đài các nhất mực.
Sở dĩ Hà Thanh có được điều đó vì cô vốn sinh ra trong một gia đình dòng dõi thượng lưu ở đất kinh thành xứ Huế - nơi ngự trị của hoàng tộc và vua chúa.
Điều này đã được cháu của nhà văn Mai Thảo là Orchid Lâm Quỳnh ghi lại: "Thời đó khi muốn cưới vợ, phải nhờ một người mai mối, người này phải quen biết cả hai gia đình và quan trọng là người này phải cùng vai vế với hai bên bố mẹ. Không ai tự mình thưa chuyện như thế.
Nên đương nhiên bố mẹ cô Hà Thanh không chịu được cái lối hỏi cưới đường đột của Bác, nhất là gia đình cô Hà Thanh là gia đình trâm anh thế phiệt ở đất Thần Kinh!".
Con gái Huế vốn đã nổi tiếng nết na, thùy mị. Hà Thanh lại sinh ra trong một gia đình quyền quý, học thức, được giáo dục kĩ càng từ văn hóa tới cung cách, lời ăn tiếng nói, nên ắt hẳn phải vô cùng thanh tao, nhã nhặn.
Nhà thơ Tôn Nữ Hỷ Khương đã từng "phong Huế" cho Hà Thanh khi nói rằng: "Dáng nhỏ nhắn, thanh thoát, dịu hiền, khiêm tốn; tuy tươi mát, thân tình nhưng cũng rất e dè và chừng mực của Hà Thanh là nét tiêu biểu cho con người và phong thái của Huế".
Có thể nói, Hà Thanh chính lại đại diện điển hình nhất cho con gái Huế, từ nhân cách, thần thái tới giọng hát. Chỉ cần nhìn cô thôi cũng đủ thấy cốt cách Huế toát lên mồn một rồi.
Giống với nhiều giọng nữ cùng thời với mình như Thái Thanh, Kim Tước, Lệ Thu…, do ảnh hưởng của chất nhạc tiền chiến nên Hà Thanh thường hát theo giọng Bắc.
Tuy nhiên, nếu nghe kĩ hơn những đoạn nhả chữ và phát âm của Hà Thanh, khán giả vẫn cảm nhận rõ âm sắc giọng Huế văng vẳng đâu đó, không lẫn đi đâu được.
Ở những phụ âm đầu như /s/, /tr/, /r/, dù phát âm theo giọng Bắc, nhưng trong từng đoạn nhả chữ, Hà Thanh vẫn luyến láy, thả ngữ điệu đậm chất Huế, rất tha thiết, trìu mến, thân thương. Điều này được thấy rõ nhất trong ca khúc Ai ra xứ Huế.
Và ở một số ca khúc mang âm hưởng ca Huế như Tiếng sông Hương, Hà Thanh lại phát âm chuẩn giọng Huế quê hương mình, nghe rất sang, ngọt và quý phái. Cô đổi toàn bộ thanh sắc thành thanh hỏi, thanh ngã thành thanh nặng một cách đầy tự nhiên, mượt mà, không chút vấp váp, như ăn sâu vào máu thịt.
Hà Thanh còn có biệt tài thổi hồn cảm xúc riêng của người Huế vào từng câu từng từng chữ. Chẳng hạn, khi hát ca khúc Đêm tàn bến ngự, cô chuyên chở một cách đầy đặn tâm tư người Huế vào những âm Huế đặc trưng như "soi bóng", "sầu than", "bẽ bàng", "lạt phai"… Điều này khiến người nghe như thấy rõ một xứ Huế mộng mơ hiện lên đầy cổ kính, trầm mặc và dịu dàng, với nón bài thơ, cầu Tràng Tiền, sông Hương, núi Ngự.
Có thể nói, hiếm có ca sĩ nào ở Việt Nam luyến giọng ngọt và mịn như Hà Thanh. Cô luyến như đang hát ru, luyến trên messa voce cực kì tươi sáng, vang vọng một cách thuần khiết như tiếng chuông khánh, nhưng ngọt đến tái tê.
Mỗi lần nghe Hà Thanh luyến giọng, khán giả được ru hồn tới lịm cả người đi, giống như rót mật vào tai vậy.
Với cách luyến giọng đặc trưng ấy, Hà Thanh đã đẩy cảm xúc Huế, tiếng lòng Huế lên tới đỉnh điểm, tột cùng. Có thể nói, cô đã đạt tới cảnh giới vẽ xứ Huế, nói tiếng lòng Huế, tả tâm tư Huế bằng giọng hát. Ở giọng hát ấy vừa là chất cao quý của cung đình, vừa là khổ đau, vất vả của dân nghèo, mà nghe đến phát ứa nước mắt.
Các ca sĩ Bolero ngày nay luyến rất nhiều, nhưng đa số hời hợt. Hiếm ai chạm đến tận cùng cảm xúc và ôm tâm tư của cả một lớp người vào mình như Hà Thanh.
Khi hát, Hà Thanh thường làm mềm giọng của mình bằng legato và messa voce, kết hợp với chất kim vang xa, khiến nó trở nên bay bổng, bồng bềnh trôi đi thững thờ như dòng sông Hương. Đó là cốt cách hát riêng của người Huế, rất Bình An, trầm lặng, không kịch tính, vồ vập.
Bởi vậy, Hà Thanh xứng đáng với nhận định của ca sĩ Quỳnh Giao: "Hà Thanh là một trong những ca sĩ hiếm hoi giữ được "chất Huế" trong giọng hát của mình".
Không chỉ hiện thân cho xứ Huế, tiếng hát và nhân cách của Hà Thanh còn đại diện cho ánh sáng Phật pháp. Rất nhiều ca sĩ ngày nay hướng Phật hoặc sử dụng Phật giáo làm chất liệu âm nhạc cho mình, nhưng không một ai đạt tới cảnh giới tâm hồn, giọng hát hiến trọn cho Đức Phật như Hà Thanh.
Từ nhỏ, Hà Thanh đã sớm hướng về Phật pháp. Cô quy y theo Hòa thượng Thích Tịnh Khiết, với Pháp danh Tâm Tú và tham gia sinh hoạt ở Gia đình Phật tử Hương Từ tại Huế.
Sau này sang hải ngoại, Hà Thanh đã ghi tên theo Thiền sư Thích Nhất Hạnh đi hành hương 3 tuần lễ ở Ấn Độ. Khi đoàn lên núi Linh Thứu, Hà Thanh xin được quy y lại với Thiền sư và được cho pháp danh mới là Tâm Ca Lăng Tần Già.
Nhạc sĩ Văn Tấn Phước từng kể lại một câu chuyện khá thú vị về Hà Thanh như sau:
"Cách đây 11 năm, tôi có dịp may gặp chị Hà Thanh tại nhà vợ chồng bác sĩ Nguyễn Nhuận-Lệ Vân ở ngoại ô phía bắc Paris. Hôm đó có cả nhạc sĩ Huế Lê Mộng Nguyên, tác giả bài nhạc Trăng mờ bên suối.
Chị Hà Thanh thật là hiền hòa, nói năng nhỏ nhẹ và có vẻ như còn e lệ nữa trước đám khách – khoảng 30 người – tuy lúc đó chị đã 65 tuổi.
Một điều làm tôi chú ý và nhớ mãi là hôm đó, chị Hà Thanh cũng ngồi vào bàn tiệc nhưng chị xin chủ nhà dọn cho một dĩa cơm chay để chị dùng trước sự ngạc nhiên của tôi và của các bạn văn nghệ khác".
Nhờ đó, Hà Thanh sớm tôi luyện được bản tính nhu mì, thuần khiết, để nhìn và ứng xử với người, với đời trong sự bình lặng, hiền từ, nhưng không kém phần ưu tư, sâu sắc.
Điều này đã ảnh hưởng mạnh mẽ lớn tới lối hát của Hà Thanh. Có thể thấy, Hà Thanh hát với quãng giọng khá rộng, từ D3 tới E5, F5, nhưng không bao giờ lộ ra sự phô diễn, mà lúc nào cũng êm ả, gắn kết liền mạch với nhau.
Hà Thanh không bao giờ hát theo lối kịch tính, cao trào, dù với kĩ thuật của mình, cô thừa sức làm được điều đó. Ở mọi quãng hát, mọi âm tiết, cô đều vuốt cho mượt mà và êm ái nhất có thể.
Bởi vậy, dù có lên tới head voice toàn giọng E5 hay chạy staccato head voice, Hà Thanh vẫn giữ được độ soft và mềm. Kể cả những lúc lên mixed voice tới A4, C5 với độ nảy lớn, vang xa, lảnh lót như tiếng chuông khánh, Hà Thanh vẫn tạo được độ mềm và ngọt.
Chất mềm mại trong giọng Hà Thanh tạo cho người nghe cảm giác có một làn sương mờ bọc quanh, nên hát kiểu gì cũng vẫn lững lờ, huyền ảo như tiếng tiên nữ cõi thiên thai, tạo nên chất tiên cảnh thanh thoát.
Để giữ giọng mình luôn êm ái, Hà Thanh thường hát nhỏ tiếng piano trên airy voice hoặc đẩy vị trí âm thanh lên trên rồi hát ở quãng thấp. Cách hát này được cô sử dụng ở mọi lúc nhả chữ. Nhờ đó, người nghe có được cảm giác an lành nhưng sâu lắng, giúp họ thả hồn vào chiêm nghiệm, hư không.
Là một Phật tử chính chuyên, Hà Thanh chỉ trình diễn trong những đại hội Phật Giáo, hay đại nhạc hội lạc quyên giúp thuyền nhân ở các trại tị nạn, giúp cứu trợ nạn nhân lũ lụt ở quê nhà, góp phần xây thiền đường, bảo tự.
Về chất thiền học trong tiếng hát Hà Thanh, thiền sư Chân Không từng nói: "Nhưng tôi thì vẫn đang còn nghe vẳng vẳng ngay lúc này đây, cái giọng ngọt ngào ấy, trong như những giọt sương mai long lanh, đầm ấm mà từ bi như tiếng chuông ngân xa, ngân xa… thật xa biến cõi buồn phiền thành Tịnh Độ".
Với những điều tuyệt vời ấy, Hà Thanh đã được công chúng mệnh danh là "Chim họa mi hót trên vai Đức Phật xứ thần kinh".
Danh ca Bolero sở hữu kĩ thuật bậc thầy
Trong nền nhạc tiền chiến nói chung và Bolero nói riêng, Hà Thanh được xem là ca sĩ có kĩ thuật hát chắc chắn, phong phú và đa dạng nhất, dù cô chưa từng trải qua một trường lớp đào tạo nào.
Hiện nay, đa số các ý kiến vẫn cho rằng, Hà Thanh là giọng nữ cao (soprano), nhưng kì thực cô lại là nữ trung trữ tình (lirico mezzo soprano).
Vì là một nữ trung nên Hà Thanh xuống trầm rất tốt. Cô có thể nhả chữ xuống tận D3 và hát thoải mái trên F3, G3. Quãng trầm của Hà Thanh đẹp, êm ái, nó không quá nặng, tối, mà nhẹ, mềm do cách hát riêng của cô. Hà Thanh điều khiển quãng trầm thành thần, nhả từng câu từng chữ đúng với hòa thanh, không một chút chênh phô.
Quãng trung của Hà Thanh ít được sử dụng, nhưng cũng khá tối, nặng và dày, không giống các nữ cao khác.
Là một nữ trung, nhưng quãng cao của Hà Thanh lại rất phát triển nhờ sử dụng đúng vị trí âm thanh, head voice và mixed voice. Hà Thanh đã đạt tới trình độ hát cao mà như không hát, nên các quãng mixed A4, C5 của cô ẩn giấu được vào từng phát âm, khiến ít người nhận ra.
Hà Thanh hát trầm và chuyển giọng đầy mượt màHà Thanh thường sử dụng lối hát nửa giọng (messa voce) khi lên cao, có thể là light head hoặc light mixed. Nó giúp cô luyến láy và hát bè cao rất sáng, đẹp, nhưng lại mềm mại, ngọt ngào.
Cột hơi của Hà Thanh rất vững chắc và khỏe khoắn. Kĩ thuật thở tốt cộng với buồng hơi lớn, cách giữ lực từ cơ hoành điêu luyện giúp Hà Thanh có được những làn hơi dài bất tận khi chuyển giọng, luyến láy và hát nhỏ.
Cô có thể giữ hơi để luyến láy liên tục hàng chục giây và chuyển vị trí âm thanh từ mặt lên đỉnh đầu nhanh chóng, linh hoạt mà không một chút va vấp nào.
Nhờ kiểm soát hơi thở tốt mà Hà Thanh hát legato vô cùng mềm mại, liền mạch, tuôn ra như dòng suối, không một chút gợn. Cô có thể giữ hơi để kéo giọng nhỏ li ti nhưng dài ra đến bất tận. Với Hà Thanh, người ta nhận thấy rằng, hát nhỏ mới thực sự khó khăn.
Vibrato (ngân rung) là kĩ thuật cơ bản trong ca hát mà hầu hết ca sĩ nào cũng phải biết. Thế nhưng, vẫn nhiều ca sĩ vibrato xấu, không đều và thiếu tự nhiên. Một số khác lại lạm dụng tới thừa mứa.
Hà Thanh là một trong những ca sĩ sử dụng vibrato đẹp nhất. Vibrato của cô rất đều và liền mạch, đạt tới tần số rung hoàn hảo, không nhanh, không chậm. Hà Thanh ngân rung khẽ, nhẹ, tự nhiên như hơi thở và đúng vị trí support. Nó tạo nên những quãng âm đều đặn, tròn trịa, giống như chuỗi mắt xích hàng nghìn đốt không lệch đi đốt nào.
Bởi vậy, dù vibrato rất nhiều trong một câu hát, nhưng Hà Thanh vẫn biết cách chuyển giọng, chuyển âm lượng thật tinh tế, khiến người nghe được thoải mái, thư giãn.
Head voice của Hà Thanh rất phát triển và mang màu sắc thính phòng. Cô cộng hưởng độ vang tốt ở head voice và sử dụng nó linh hoạt để chạy note, staccato. Ngoài ra, Hà Thanh còn dùng airy voice trên head voice để khiến câu hát trở nên êm ái, mềm mại nhất mực.
Chú thích thuật ngữ thanh nhạc:
- Note khá trầm: C2/C#2, D2/D#2, E2. F2/F#2, G2/G#2, A2/A#2, B2.
- Note trầm: C3/C#3, D3/D#3, E3, F3/F#3, G3/G#3, A3/A#3, B3.
- Note trung: C4/C#4, D4/D#4, E4, F4/F#4, G4/G#4, A4/A#4, B4.
- Note cao: C5/C#5, D5/D#5, E5, F5/F#5, G5/G#5, A5/A#5, B5.
- Note rất cao: C6/C#6, D6/D#6, F6/F#6, G6/G#6, A6/A#6, B6.
- Mixed voice: Hát pha giữa chest voice và head voice. Trong mixed voice có full mixed (hát pha toàn giọng) và light mixed (hát pha nửa giọng).
- Vibrato: Ngân rung.
- Piano: Hát nhỏ giọng vừa phải.
- Pianissimo: Hát rất nhỏ giọng.
- Diminuendo: Hát nhỏ dần.
- Fortissimo: Hát to dần.
- Subito piano: Hát nhỏ đột ngột.
- Subito forte: Hát to đột ngột.
- Forte piano: Hát to nhỏ liên tiếp.
- Messa di voce: Hát nhỏ - to - nhỏ liên tiếp.
- Airy voice: Âm hơi.
- Full lirico soprano: Nữ cao đầy đặn.
- Falsetto: Giọng gió.
- Head voice: Giọng đầu.
- Chest voice: Giọng ngực.
- Support: Hỗ trợ các vị trí âm thanh và kĩ thuật trong ca hát.
- Strain: Hát căng thẳng.
- Cadenza: Biến tấu hoa mĩ không có trong tổng phổ gốc.
- Staccato: Hát ngắt.
- Trillo: Rung láy.
- Legato: Hát liền giọng.
- Voice project: Phóng âm.
- Mask resonance: Cộng hưởng độ vang ở vùng mặt.
- Head resonance: Cộng hưởng độ vang ở vùng đầu trán.
- Throaty: Hát dính cổ
- High larynx: Cao thanh quản.
- Melisma: Luyến láy trên nhiều cao độ khác nhau (thường là từ cao xuống thấp).
- Run/riff: Chạy note phức tạp.
- Glissando: Hát vuốt tốc độ nhanh.
- Phân loại giọng theo ngũ cung: Giọng thổ, giọng thủy, giọng hỏa, giọng mộc, giọng kim.