So với những năm 1990, Hạm đội Thái Bình Dương của Mỹ hiện nay duy trì ít tàu chiến hơn, dẫn đến một cuộc tranh luận rằng liệu Mỹ có đủ tàu để ứng phó với thách thức đến từ sự trỗi dậy và quyết đoán của Hải quân Trung Quốc.
AP đưa tin, hồi tuần trước, Trung Quốc công bố rằng sẽ đóng tàu sân bay thứ hai. Liêu Ninh - tàu sân bay đầu tiên của Trung Quốc vốn được tái thiết từ một con tàu cũ của Liên Xô hơn 25 năm trước. Nó chính thức được biên chế vào Hải quân Trung Quốc từ năm 2012 sau được trang bị lại gần như toàn bộ.
Giới chức Hải quân Mỹ cho rằng các tàu chiến của Hạm đội Thái Bình Dương với sự vượt trội về công nghệ và khả năng đồn trú lâu dài không hề bị ảnh hưởng gì trong việc thu hẹp số lượng các tàu chiến.
Các câu hỏi đặt ra về nguồn lực của Hạm đội Thái Bình Dương để ứng phó với những mối đe dọa trong khu vực vẫn chiếm ưu thế so với nghi vấn về khả năng thực sự của Hải quân Mỹ, Chỉ huy hạm đội, Đô đốc Scott Swift nói với AP.
Tàu sân bay USS Ronald Reagan của Hải quân Mỹ trong cuộc tập trận RIMPAC hồi năm 2014. Ảnh: Flickr |
Theo ông Swift, thậm chí, ngay cả khi toàn bộ hạm đội được triển khai ở Biển Đông, ông vẫn sẽ phải đối mặt với câu hỏi liệu Washington có triển khai lực lượng tới khu vực này hay không.
"Đó là những lo lắng mà tôi nghe được từ những quốc gia trong khu vực, xuất phát từ những thách thức mà họ đang phải đối mặt hiện nay. Song tôi hoàn toàn yên tâm và số lượng và khả năng của hạm đội Hải quân hiện nay.
Trong khi đó, Trung Quốc ngang nhiên tuyên bố chủ quyền với gần như toàn bộ Biển Đông - vùng biển diễn ra các hoạt động giao thương với giá trị lên tới 5 nghìn tỷ USD mỗi năm. Sự bành trướng của Bắc Kinh chống lấn lên cả vùng biển của nhiều quốc gia khác trong khu vực như Việt Nam, Philippines, Malaysia, Brunei.
Để củng cố chủ quyền phi pháp, Trung Quốc đã tiến hành các hoạt động cải tạo đất, xây đảo nhân tạo, khiến Philippines - nước láng giềng của Trung Quốc và là đồng minh thân cận của Mỹ đã tăng chi phí quốc phòng và trông đợi nhiều hơn những hỗ trợ từ Washington. Và vấn đề là Mỹ liệu có đủ tàu để trán an đồng minh, đối tác và đối phó với những thách thức khi cần.
Hạm đội Thái Bình Dương hiện nay có 182 tàu, bao gồm cả các tàu chiến, tàu sân bay, tàu hỗ trợ, tàu hậu cần. Ảnh: US Navy |
Phát ngôn viên Hải quân Mỹ nói với AP rằng, Hạm đội Thái Bình Dương hiện nay có 182 tàu, bao gồm cả các tàu chiến, tàu sân bay, tàu hỗ trợ, tàu hậu cần, giảm 10 tàu so với năm 1992. Tổng số tàu chiến của Hải quân Mỹ hiện nay là 272, giảm gần 20% so với năm 1998. Trong khi đó, số tàu sân bay mà Mỹ đang sở hữu là 10.
Theo Đô đốc Swift, dù số lượng ít hơn, song công nghệ của các tàu hiện nay vượt trội hơn hẳn so với 20 năm trước. Cùng với đó là khả năng đồn trú lâu hơn với thời gian trung bình là từ 7-9 tháng trong khu vực.
Theo báo cáo hồi tháng 8/2015 của Chiến lược An ninh hàng hải châu Á - Thái Bình Dương, thuộc Lầu Năm Góc, hiện Hải quân Trung Quốc có hơn 300 tàu các loại, bao gồm tàu ngầm, tàu trên mặt nước, tàu tấn công, tàu tuần tra.
Hải quân Trung Quốc có hơn 300 tàu các loại song bị đánh giá là khá thô sơ so với Mỹ. Ảnh: China News |
Mặc dù chất lượng tàu chiến Trung Quốc bị đánh giá là vẫn khá thô sơ, kém xa công nghệ của Mỹ, song theo Narushige Michishita, một học giả người Nhật tại viện nghiên cứu Woodrow Wilson ở Washington, dù thô sơ nhưng các tàu chiến Trung Quốc vẫn có thể tạo ra những hiệu ứng tâm lý tương đương các tàu tân tiến của Mỹ. Hơn nữa, ông Michishita cho rằng, trong khi Hải quân Trung Quốc chỉ tập trung ở khu vực thì lực lượng của Mỹ rải rác toàn thế giới.
"Ngay cả khi Mỹ đầu tư nhiều hơn Trung Quốc cũng không có nghĩa là cán cân trong khu vực không thay đổi. Cán cân lực lượng ở châu Á đang thay đổi rất nhanh".
Lê Huyền (AP, Sputnik)