Việc hàng loạt những vụ Tai nạn giao thông nghiêm trọng (đặc biệt liên quan tới xe khách) liên tiếp xảy ra thời gian qua đang khiến dư luận hết sức lo lắng. Để rộng đường dư luận, PV báo ĐS&PL đã có cuộc trao đổi với Đại tá Trần Sơn, nguyên Phó trưởng phòng Tuyên truyền (cục CSGT, bộ Công an) về vấn đề này.
Thưa ông, gần đây, hàng loạt những vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng đã xảy ra trên địa bàn cả nước khiến người dân bất an. Theo ông, nguyên nhân nào dẫn tới tình trạng trên?
Những năm qua, ngành giao thông, lực lượng cảnh sát giao thông cùng các cơ quan hữu quan đã triển khai đồng bộ và quyết liệt nhiều biện pháp nên tình hình giao thông đường bộ, đường sắt, đường thủy nội địa nói chung đã có những chuyển biến tích cực.
Tai nạn giao thông đã giảm trên cả ba tiêu chí là số vụ, số người chết và số người bị thương. Theo tôi, việc thời gian qua xảy ra nhiều vụ tai nạn giao thông, nguyên nhân chủ quan (tức là nằm ở người tham gia giao thông) vẫn là yếu tố chủ chốt. Đặc biệt là ý thức chấp hành pháp luật của người điều khiển giao thông còn rất kém.
Đại tá Trần Sơn, nguyên Phó trưởng phòng Tuyên truyền (cục CSGT, bộ Công an) |
Qua phân tích các vụ tai nạn nghiêm trọng cho thấy, nguyên nhân chủ yếu là người điều khiển chạy xe quá tốc độ cho phép, đi sai làn đường, tránh, vượt không đúng quy định, lái xe xử lý tình huống kém. Cộng với việc người tham gia giao thông khác như: người qua đường, các phương tiện khác cũng không tuân thủ quy định về an toàn giao thông đã góp phần gây ra những vụ tai nạn đặc biệt nghiêm trọng.
Ông có thể phân tích rõ hơn vai trò của người điều khiển phương tiện giao thông trong những vụ tai nạn?
Con người luôn là chủ thể của vấn đề và trong giao thông cũng vậy. Bên cạnh chuyện chạy quá tốc độ, lấn làn, tránh, vượt sai quy định, người điều khiển sử dụng rượu bia... thì việc xử lý tình huống kém của nhiều lái xe cũng là một trong những nguyên nhân gây tai nạn.
Có nhiều nguyên nhân dẫn tới tình trạng này như: Sức khỏe lái xe kém do sử dụng rượu bia, thời gian nghỉ ngơi không đảm bảo, chạy xe liên tục quá giờ quy định, sức ép công việc... Bên cạnh đó, việc điều khiển những xe siêu trường, siêu trọng chở quá khổ, quá tải cũng khiến cho việc xử lý của tài xế khó khăn, kém linh hoạt.
Thêm nữa là tâm lý chủ quan của người điều khiển phương tiện. Ngoài ra còn phải kể tới vấn đề đào tạo, cấp giấy phép lái xe, rèn luyện kỹ năng xử lý các vấn đề trên đường, giáo dục đạo đức nghề nghiệp tại các trường đào tạo lái xe vẫn còn bị coi nhẹ. Thực tế, nhiều vụ tai nạn cho thấy, tài xế gây tai nạn, khi hỏi lại luật giao thông thì nhiều người rất lơ mơ. Tổng hợp tất cả những yếu tố trên, kết hợp với những yếu tố khách quan khác nữa đã dẫn tới nhiều vụ tai nạn thương tâm.
Ông có thể làm rõ hơn những nguyên nhân khách quan dẫn đến tai nạn giao thông?
Mặc dù không phải nguyên nhân chính nhưng nó cũng góp phần dẫn tới tai nạn hoặc làm cho những vụ tai nạn thêm nghiêm trọng. Có thể kể đến kết cấu hạ tầng giao thông của chúng ta còn yếu. Dù nhiều năm qua, hạ tầng cơ sở đã có nhiều tiến bộ nhưng vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu vận tải (biểu hiện qua nạn ùn tắc).
Trong khi đó, tổ chức giao thông trên các tuyến đường chưa hợp lý và khoa học. Từ việc quy hoạch giao thông đến việc phân làn, xây dựng dải phân cách, kẻ vạch sơn, đặt biển báo đều có những bất cập. Tôi lấy ví dụ vụ xe khách Phương Trang gây tai nạn khiến 9 người thương vong vừa qua. Đáng lẽ, hàng rào dải phân cách phải cao 1m4 nhưng ở đây hàng rào lại không đáp ứng được tiêu chuẩn như vậy nên mới có chuyện xe khách phi qua cả dải phân cách.
Một vấn đề khác là các phương tiện đang vận hành trên đường, nhiều xe không đảm bảo an toàn. Nhất là những phương tiện gần hoặc đã hết niên hạn sử dụng nhưng vẫn ngang nhiên lưu hành trên đường. Việc này tiềm ẩn nhiều nguy cơ tai nạn giao thông.
Thưa ông, đối với những xe gây tai nạn nghiêm trọng, chúng ta đã có chế tài xử phạt rất nghiêm. Thế nhưng tại sao tình hình vẫn không cải thiện?
Hầu hết các vụ tai nạn giao thông đều có nguyên nhân từ việc ý thức chấp hành quy định về an toàn giao thông của người dân còn kém, không tự giác. Nhiều chuyên gia hay nói tới thói quen tùy tiện trong sinh hoạt, đi lại gần như là một phần bản tính của người Việt mình. Nhiều nhà văn hóa gọi đó là tính cách tiểu nông và không thể một sớm một chiều thay đổi ngay được. Nó phải là một quá trình lâu dài, kiên trì, liên tục, bằng nhiều biện pháp.
Tất nhiên không thể đổ lỗi hoàn toàn cho tâm lý này được. Bản thân tình trạng giao thông hiện nay phản ánh trình độ của nền kinh tế xã hội. Tôi lấy ví dụ, chúng ta còn nghèo, không thể một sớm một chiều xây dựng được hạ tầng giao thông tiên tiến, quy hoạch tổng thể giao thông còn yếu nên mới có chuyện đường vừa làm đã sửa, đường vừa xây dựng, dân vừa đi...
Tôi cho rằng, để chủ động phòng ngừa, hạn chế thấp nhất tai nạn nghiêm trọng xảy ra cần phải tiếp tục thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp, trong đó phải nâng cao tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật về giao thông để người dân tự giác chấp hành.
Muốn vậy thì phải có sự tham gia đồng bộ của cả xã hội cũng như các cơ quan hữu quan. Thứ nữa phải tăng cường việc cưỡng chế, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm, nhất là hành vi trực tiếp dẫn tới tai nạn giao thông như: lấn làn, sử dụng rượu bia, vi phạm quy định về tốc độ... Đồng thời kết hợp các phương tiện kỹ thuật để tiến hành phạt nguội những đối tượng vi phạm.
Trân trọng cảm ơn ông!
Theo Văn Chương–Trinh Phúc–Phạm Thiệu