Tin mới

Hé lộ bí ẩn về nghĩa trang cổ đại Ai Cập khiến nhà khảo cổ kinh ngạc

Thứ ba, 08/05/2018, 16:58 (GMT+7)

Mới đây các nhà khảo cổ học Ai Cập đã phát hiện một nghĩa trang cổ đại lớn chứa hàng chục lăng mộ với hàng nghìn cổ vật có giá trị.

Mới đây các nhà khảo cổ học Ai Cập đã phát hiện một nghĩa trang cổ đại lớn chứa hàng chục lăng mộ với hàng nghìn cổ vật có giá trị. 

Hãng tin Reuters cho hay nghĩa trang rộng lớn này được phát hiện nằm gần thành phố Minya tại thung lũng sông Nile, miền Nam Ai Cập.

Đây được biết đến là khu vực với các ngôi mộ từ triều đại Ptolemaic. Bộ trưởng bộ Khảo cổ Ai Cập Khaled Al Anani cho biết: "Chúng tôi sẽ cần ít nhất 5 năm để khám phá hết toàn bộ khu nghĩa trang này".

Một quan tài được phát hiện trong một hầm mộ ở khu nghĩa trang cổ đại. Ảnh: Reuters

Hiện các nhà khoa học Ai Cập đã tìm thấy những hầm mộ thuộc về các thầy tu của thần Thoth, vị thần của Mặt trăng và Trí tuệ trong tín ngưỡng của người Ai Cập cổ đại.

Trong một hầm mộ được khai quật, các nhà khảo cổ đã phát hiện hơn 1.000 bức tượng cổ cùng 4 bình thạch cao, được khắc chữ tượng hình, lưu giữ nội tạng của người chủ hầm mộ, một thầy tu có cấp bậc trong triều đình Ai Cập cổ đại.

Xác ướp của thầy tu này được trang trí bằng các loại đá trang sức màu xanh, đỏ và các tấm đồng.Tại một hầm mộ khác, nhiều quan tài, tượng phác họa các thầy tu cổ đại và các đồ tạo tác dùng trong nghi lễ tôn giáo được khai quật. 

Các nhà khảo cổ cũng phát hiện hơn 40 cỗ quan tài bằng đá thuộc về thành viên gia đình các thầy tu với tên được khắc bằng chữ tượng hình.

Công tác khai quật hiện vẫn đang được các nhà khảo cổ tiến hành nhằm ván màn bí mật khu nghĩa trang rộng lớn này. 

Nhà chức trách tin rằng ngoài hầm mộ của các thầy tu, nghĩa trang này còn có một tòa nhà tiến hành nghi thức tôn giáo cùng một khu vực lưu giữ xác ướp của loài động vật quý hiếm. 

Được biết trước đó không lâu, Ai Cập cũng đã từng phát hiện ngôi mộ cổ với hơn 3.500 năm. Cụ thể, ngôi mộ được khai quật tại nghĩa địa Zeraa Abu el-Nagaa, được cho là thuộc về vị quý tộc của thành phố Luxor Ou Sarhat thuộc thời kỳ Tân Vương quốc khoảng năm 1570-1544 TCN.

Các nhà khảo cổ học cho rằng ngôi mộ này đã được sử dụng lại trong Vương triều thứ 21 để đựng hàng chục quan tài bằng gỗ với nhiều trang trí họa tiết màu được bảo quan tốt, mặt nạ bằng gỗ dùng trong tang lễ và gần  1.000 bức tượng nhỏ ushabti được chạm khắc bằng sứ, đất nung và gỗ. 

Ngoài ra, ngôi mộ thuộc thời kỳ Tân vương quốc này còn có chứa những xác ướp và một bộ sưu tập các chậu đất sét có hình dáng và kích cỡ khác nhau.

Ông Waziry cho hay ngôi mộ này được coi là ví dụ điển hình về nơi an nghỉ của một quý tộc với một cấu trúc hình chữ T bao gồm một sân mở dẫn vào một phòng hình chữ nhật, một hành lang và một buồng bên trong. 

Những cuộc khai quật tiếp tục khám phá những bí mật của ngôi mộ khi trong buồng bên trong các nhà khảo cổ phát hiện nhiều quan tài có chứa các xác ướp bằng vải lanh từ Vương triều thứ 21. 

Nhiều chuyên gia đang tiến hành kiểm tra các xác ướp để tìm hiểu xem nguyên nhân gây ra cái chết và nhận dạng những người chết. Một giếng sâu 9m nối với hai phòng trong ngôi mộ cũng được phát hiện.

Minh Di (tổng hợp)

Theo dõi Tinmoi.vn trên Tinmoi.vn - Google news