Chu Nguyên Chương - hoàng đế xây dựng nên triều đình Đại Minh vốn xuất thân bần hàn, là giai cấp vô sản thấp cổ bé họng. Ông đã từng làm hòa thượng, từng làm ăn mày. Đây cũng là một trong những nguyên nhân khiến ông tàn sát nhiều công thần đến vậy.
Theo lẽ thường mà nói, bất cứ nơi nào sinh ra được một người tài, nhân dân nơi đó sẽ cảm thấy vô cùng tự hào vì điều đó. Nếu sinh ra được một vị hoàng đế, đây chính là niềm vinh quang vô hạn của nhân dân trong vùng. Tỉnh Phượng Dương- An Huy là nơi đã sinh ra Chu Nguyên Chương-người đã cùng con cháu ông ta thống trị Trung Quốc suốt 276 năm. Thế nhưng điều đáng ngạc nhiên là, không những không cảm thấy tự hào, người dân nơi đây còn có một nỗi oán giận, căm phẫn khó có thể nói lên lời với vị hoàng đế này.
"Phượng Dương ơi hỡi Phượng Dương
Xưa kia cảnh đẹp lòng tơ vương
Từ khi xuất hiện Chu hoàng đế
Nay thời chốn chốn cảnh thê lương."
Trước đây, mỗi khi nghe người An Huy nơi đây hát bài ca dao than khổ như vậy, tôi cũng có chút không hiểu. Sau này, khi tiếp cận với lịch sử, hiểu hơn về Chu Nguyên Chương và con cháu ông, tôi mới hiểu những sự căm ghét, oán hận trên không phải không có nguyên nhân. Sau khi đọc xong về “Minh sử” (Một sách lịch sử theo thể kỷ truyện trong 24 sách lịch sử Trung Quốc do Trương Đình Ngọc thời Thanh viết và biên soạn), tôi cũng đã thấy được hai từ “tàn nhẫn” từ đó.
Theo cách nói của Trương Thưởng chính là: “Trước khi tham gia Quân khăn đỏ, nếu ai nói Chu Nguyên Chương có thể đại phú đại quí, có lẽ sẽ bị người khác, và cũng bị chính Chu Nguyên Chương coi đó là chuyện cười.” Nhưng thời thế tạo anh hùng, người thanh niên Phượng Dương này có thể thấy được sự đại loạn trong thiên hạ, nhanh chóng tạo nên kì tích thay thời đổi thế. Vì vậy ông đã tham gia vào đội ngũ quân khởi nghĩa của nông dân. Trong đội ngũ cách mạng, Chu Nguyên Chương nhanh chóng thể hiện được khả năng tiềm ẩn của mình, và từ từ nâng cao cấp bậc của mình từ binh lính trở thành sỹ quan cấp cao. Sau đó, ông được chọn làm vua, định đô tại Nam Kinh, trở thành người sáng lập triều đại nhà Minh.
Tranh vẽ Minh thái tổ Chu Nguyên Chương. Nguồn:Duowei |
"Chim hết cung tên gãy, thú mồi hết giữ chó săn làm gì?” (Ý chỉ Chu Nguyên Chương giết hết công thần-những người đã hết giá trị lợi dụng sau khi họ giúp Chu Nguyên Chương giành chính quyền). Mỗi một vương triều mới được lập lên đều có tiền đề cần lật đổ vương triều cũ. Trong quá trình lật đổ chế độ cũ, ngoài hàng chục triệu người dân phải hy sinh vô ích, còn là sự ra đời của một loạt các công thần khai quốc. Chỉ có điều, vận mệnh của các công thần này đa số đều không tốt. Nguyên nhân chính: bất luận là tính toán cho con cháu hay tính toán cho thiên hạ, vua của đất nước mới xây dựng lên sẽ không thể dung nhập những đại công thần. Vì vậy, sau khi giang sơn đã được ổn định, những người con kế tiếp cần “dọn dẹp” các công thần. Từ việc Ngô Vương giết Ngô Tử Tư đến Lã hậu (vị Hoàng hậu của Hán Cao Tổ Lưu Bang) giết Hàn Tín.
Một bộ 24 cuốn sử đã nhuốm đầy máu bởi các cuộc tàn sát “chiến hữu” sau khi thành lập vương triều như vậy. Tống Thái Tổ đã từng uống rượu và than thở khi uống rượu với các công thần trong một đêm giữa mùa thu, các công thần có hỏi ông nguyên nhân vì sao. Ông nói, trước đây tôi lo sẽ không thể làm hoàng đế, khi làm hoàng đế rồi lại không thể ngủ ngon giấc. Các công thần lại hỏi tại sao Tống Thái Tổ ngủ không ngon. Ông đáp một cách buồn rầu: Nếu có một ngày, các ngươi có thể không làm vua khi các bộ hạ của ngươi khoác lên người ngươi hoàng bào rồi không? Các công thần vô cùng lo lắng. Ý của Tống Thái Tổ đã quá rõ ràng: các công thần nên giao nộp lại binh quyền, về ở nhà đẹp, sống một cuộc sống vui vẻ không liên quan đến chính sự. Hình thức mượn rượu để giải quyết chính sự nổi tiếng này đương nhiên chính là cách “từ bỏ” tốt nhất của các công thần. Trong tiểu thuyết nói về nhà Tống cũng có thể thấy ưu điểm lớn nhất của đời nhà Tống chính là không tiêu diệt các công thần.
Nhưng, những quân vương biết niệm tình xưa nghĩa cũ như Tống Thái Tổ tất nhiên không nhiều. Tây Hán và Đại Minh có thể coi là hai triều đại giết hại công thần triệt để nhất trong lịch sử Trung Quốc. Một sự thật vô cùng trùng hợp chính là: người đưa ra quyết định cao nhất của cả hai triều đại này là Lưu Bang và Chu Nguyên Chương-những người đều xuất thân từ tầng lớp thấp kém.
Những điều này khiến nhiều người muốn suy đoán, Lưu Bang và Chu Nguyên Chương- những lãnh tụ cấp cao nhất có xuất thân từ tầng lớp thấp kém này, liệu có phải vì một nguyên nhân về nhân tính nào đó của cá nhân chứ không phải lo lắng cho đại sự mà có những hành động dã man đến vậy? Vì vấn đề của Lưu Bang không thuộc phạm vi đề cập của bài viết này, nên xin phép không nêu cụ thể. Nhưng, đối với Chu Nguyên Chương (quê An Huy)-người đã từng làm ăn mày, làm hòa thượng, đây hiển nhiên có thể coi là điểm yếu cá nhân. Hơn nữa, những điểm yếu này giống như là một vết bớt, truyền lại cho cả con cháu sau này. Vì vậy, một điểm tương đồng lớn nhất của các đời hoàng đế nhà Minh chính là vô cùng tàn bạo, độc ác.
Nghiêm Thu (Duowei)