Tin mới

Hệ thống máy đo thân nhiệt không thể phát hiện được virus Corona?

Thứ bảy, 25/01/2020, 15:13 (GMT+7)

Dù ở các sân bay, hệ thống máy đo thân nhiệt được lắp đặt kĩ càng nhưng đang có nhiều nghi ngại cho rằng virus Corona có thể vô hiệu hóa công tác kiểm tra này?

Tối 23/1, loại virus đang gây tâm lý lo ngại trên toàn cầu đã được xác định xuất hiện tại Việt Nam với chùm ca bệnh là 2 cha con quốc tịch Trung Quốc được điều trị tại Bệnh viện Chợ Rẫy, TPHCM. Ngay sau khi phát hiện 2 ca bệnh, Chính phủ, Bộ Y tế cùng các sở ngành liên quan đã rốt ráo triển khai các phương án khoanh vùng, điều tra bệnh sử, cách ly, điều trị cho người bệnh.

Ngày 23/1 vừa qua, Việt Nam vừa ghi nhận 2 trường hợp đầu tiên nhiễm virus Corona. Đó là 2 người từ Vũ Hán, Trung Quốc - "ổ dịch của virus Corona".

Ảnh: Internet

Ngày 13/1, ông L.D. (66 tuổi) cùng vợ từ thành phố Vũ Hán, Trung Quốc. đáp chuyến bay tới Hà Nội. Tại đây, họ đã vượt qua hệ thống tầm soát nhiệt được triển khai ở cảng hàng không vì không ghi nhận dấu hiệu bất thường về thân nhiệt.

Tiếp đến, vợ chồng du khách người Trung Quốc tiếp tục bay từ Hà Nội vào Nha Trang và tiếp tục vượt qua hệ thống đo thân nhiệt. Đến ngày 17/1, họ đã di chuyển từ Nha Trang vào Sài Gòn bằng tàu hỏa trong cùng một toa lạnh chỉ có 3 người. ông L.D mới bị sốt và sau đó người con cũng có biểu hiện lây bệnh.

Tại Sài Gòn, họ tiếp tục di chuyển về Long An, không tiếp xúc với ai trước khi đến khám tại Bệnh viện huyện Bình Chánh rồi được chuyển sang Bệnh viện Chợ Rẫy.

Ảnh: Tiền Phong

Có thể thấy hệ thống đo thân nhiệt tại các sân bay không thể phát hiện được virus Corona. Trả lời về vấn đề này, theo Trung tâm tin tức VTV24, TS Nguyễn Vũ Thượng, Phó viện trưởng Viện Pasteur, TPHCM cho biết: “Thời điểm ông L.D. nhập cảnh vào Việt Nam nhưng máy đo thân nhiệt không phát hiện được bất thường có thể là do ông đã bị nhiễm virus nhưng đang trong thời kỳ ủ bệnh. Sau 4 ngày nhập cảnh vào Việt Nam, bệnh bắt đầu phát với biểu hiện sốt khi vợ chồng họ đang ở Nha Trang. Nếu theo lý thuyết thì khả năng phát tán virus trong thời gian ủ bệnh (tương ứng với 2 chuyến bay từ Trung Quốc sang Hà Nội và từ Hà Nội vào Nhà Trang) là rất thấp nhưng virus sẽ lây nhiễm từ khi phát bệnh.

Trước mắt, có thể tạm an tâm với lý thuyết ông L.D. đang trong thời gian ủ bệnh, virus chưa phát tán khi di chuyển qua 2 chặng bay tới Hà Nội rồi tới Nha Trang. Tuy nhiên, tại Nha Trang bệnh nhân đã bị sốt, nguy cơ phát tán virus và lây bệnh bắt đầu diễn ra, bằng chứng là sự lây nhiễm từ người cha sang con trai qua tiếp xúc trực tiếp. Từ thời điểm nghỉ lại ở Nha Trang đến khi đi tàu hỏa vào Sài Gòn rồi đi taxi về Long An, cha con bệnh nhân đã tiếp xúc với những ai, đối tượng nào đã có nguy cơ mang mầm bệnh, việc khoanh vùng để theo dõi trong cộng đồng đang là “bài toán khó” đối với ngành y tế.

Tiếp tục về vấn đề này, TS Nguyễn Vũ Thượng cho rằng: “Bắn sốt tại cửa khẩu là rất quan trọng nhưng không đủ bởi thiết bị này chỉ giúp chúng ta thấy được “bề nổi của tảng băng”.

Tương tự, BS Nguyễn Trí Dũng, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TPHCM cho biết: “Việc kiểm soát thân nhiệt tại sân bay chỉ là kiểm soát ở một thời điểm, có những ca đang ủ bệnh sẽ xuất hiện ở cộng đồng. Thời điểm này cần phát huy vai trò của y tế cơ sở trong việc phát hiện những trường hợp nghi ngờ để lấy mẫu xét nghiệm, kịp thời thu dung, điều trị và khoanh vùng dịch dập dịch”.

Theo dõi Tinmoi.vn trên Tinmoi.vn - Google news