Suốt thời gian qua, người hâm mộ Việt Nam đã nhận được rất nhiều nụ cười từ thầy trò Park Hang-seo. Ấy vậy mà khi họ khóc, chúng ta không thể rộng rãi tặng lại một vòng tay hay sao?
Khoa học đã chứng minh khi yêu một ai đó, bạn có xu hướng chỉ nhìn thấy những điều tốt đẹp của đối phương. Não bộ sẽ tự từ chối xử lý những thông tin gây bất lợi cho người bạn yêu.
Tuy nhiên, nghiên cứu khoa học này không ra đời chỉ để chứng minh tình yêu mù quáng là có thật. Nó còn chứa đựng thông điệp: Một mối quan hệ nếu xuất phát từ tình yêu đích thực sẽ luôn tràn trề sự bao dung.
Olympic Việt Nam sắp bước vào trận tranh huy chương đồng ASIAD 2018 – trận đấu mà trước khi giải đấu diễn ra, có nằm mơ người Việt cũng không dám tin sẽ được chứng kiến.
Thế mới thấy, nhiều người hâm mộ “được voi đòi tiên” thế nào. Trước khi ASIAD 2018 bắt đầu, nhiều người coi giải đấu này là một dịp cọ xát, làm nóng trước thềm AFF Cup cuối năm.
Thế rồi sau khi thầy trò Park Hang-seo thắng trận đầu tiên, nhiều fan lại mong có tấm vé đi tiếp. Khi chúng ta bước vào trận đấu với Nhật Bản một cách đĩnh đạc, nhiều người lại mong ngôi đầu bảng.
Olympic Việt Nam càng tiến sâu vào vòng trong, người hâm mộ càng kì vọng. Ảnh: Đạt Đậu
Thế rồi đến vòng 1/8, chúng ta coi tứ kết là một giấc mơ. Vào tứ kết, nhiều người cho rằng nếu may mắn có mặt ở bán kết đã là vượt ngưỡng, là không mong gì hơn.
Ấy vậy mà khi đội tuyển Việt Nam thua trước đối thủ vượt xa chúng ta về đẳng cấp, lại có những fan đòi hỏi phải được xem trận chung kết chứ không phải là trận tranh huy chương đồng.
Ngay từ đầu, xuất phát điểm của những tiếng hò reo cổ vũ của nhóm cổ động viên “được voi đòi tiên” này tuyệt đối không phải tình yêu dành cho đội tuyển. Họ đã đặt vào đó quá nhiều những toan tính, đòi hỏi rồi nhân danh tình yêu để hét lên 2 tiếng "Việt Nam".
Họ luôn là những người ồn ào nhất, cuồng nhiệt nhất, nhiệt tình nhất sau khi Việt Nam chiến thắng. Họ buông thả bản thân, ăn mừng một cách dễ dãi. Họ rời khỏi nhà ngay sau tiếng còi mãn cuộc và trở về nhà vào tờ mờ sáng.
Đám đông đi "bão" mừng chiến thắng của U23 Việt Nam. Ảnh: Hoàng Anh
Thật dễ dãi khi họ gọi đấy là tình yêu, là hòa chung với niềm vui của dân tộc. Họ cho rằng đó là cách gửi những lời động viên và tình cảm tới các cầu thủ Việt Nam ở Indonesia.
Thế nhưng khi thua một trận đấu hoàn toàn dễ hiểu, cách họ phản ứng cũng thật dễ dãi.
Tôi cảm thấy những con người cố chứng tỏ tình yêu của mình với Việt Nam bằng cách phân tích, mổ xẻ và sau đó chỉ trích những sai lầm của thầy trò ông Park thật vô lý bởi thua một đối thủ như Hàn Quốc thì chẳng cần lý do.
Nếu đối chiếu theo nghiên cứu khoa học ở trên thì những người nhân danh cổ động viên để chỉ trích (thậm chí còn gay gắt hơn cả chỉ trích) thầy trò Park thật ra chẳng có chút tình yêu nào với cả. Bởi trong cách họ cổ vũ độ tuyển Việt Nam không hề có sự bao dung – yếu tố vốn là gốc rễ của tình yêu đích thực.
Những con người đó chỉ yêu cái cảm giác chiến thắng mà thôi. Họ giống như những khách du lịch chỉ biết tận hưởng điểm đến chứ không quan tâm tới hành trình – giá trị cao nhất của một chuyến đi, thứ quyết định thái độ của bạn dành cho chuyến đi đó.
Các cầu thủ mang lại cho chúng ta niềm vui chiến thắng, họ cũng cần người hâm mộ bao dung mỗi khi mắc sai lầm hay thất bại. Ảnh: Internet
Hành trình Olympic Việt Nam đến tứ kết ASIAD 2018 đã là quá đủ để những người hâm mộ đích thực mở lòng bao dung cho tất cả những vấp váp sau đó của đội tuyển.
Còn nếu bạn vẫn đang nhìn trận chung kết ASIAD bằng sự tiếc nuối, hãy thử nhớ lại bản thân đã xem những trận đấu của Olympic Việt Nam vì điều gì? Tình yêu hay sự lợi dụng?