"Của nhà ai người đấy giữ, của em thì em giữ, của anh tất nhiên anh phải giữ. Anh không đòi giữ của em, nên em cũng đừng đòi giữ của anh!", anh ta giải thích như vậy.
Ảnh minh hoạ. |
Gần đám cưới, bạn bè, người thân, họ hàng khi biết lương chồng Quỳnh được 40 triệu/ tháng, ai cũng xuýt xoa ngưỡng mộ. Lấy chồng thế mới là lấy chứ! Phụ nữ phải khôn ngoan biết cách chọn chồng, thì mới ấm vào thân, như Quỳnh chẳng hạn. Chứ thời đại này làm gì còn chuyện "một mái nhà tranh, hai trái tim vàng", bao mâu thuẫn, xích mích cũng từ tiền bạc mà ra cả ấy.
Quỳnh khá tự hào về người chồng giỏi giang, lương cao, bố mẹ đẻ cô cũng được mát mặt. Dầu gì con rể có kinh tế vững, con gái mình cũng đỡ khổ. Ai muốn có chàng rể kém cỏi, lương ba cọc ba đồng nào? Đàn ông xây nhà, đàn bà xây tổ ấm, các cụ đã nói rồi. Quỳnh lương hơn chục triệu một chút, bằng 1/3 lương chồng, vẫn kiếm ra tiền mà công việc không quá bận rộn còn thời gian lo cho gia đình. Thế là quá đẹp!
Đám cưới vừa xong, chồng Quỳnh liền bảo Quỳnh đưa hết vàng hồi môn nhà chồng cho cô, để anh giữ. "Của nhà ai người đấy giữ, của em thì em giữ, của anh tất nhiên anh phải giữ. Anh không đòi giữ của em, nên em cũng đừng đòi giữ của anh!", anh ta giải thích như vậy. Quỳnh choáng tập 1.
Tiếp theo, Quỳnh choáng hơn nữa khi chồng tuyên bố vài điểm lớn quan trọng trước khi bước vào cuộc sống chung. Cụ thể như sau:
Thứ nhất, việc nhà là của đàn bà, chăm con là của người mẹ. Đàn ông không bao giờ lảng vảng nơi xó bếp. Chính vì thế, anh ta sẽ không san sẻ việc nhà với Quỳnh, mà tự cô cần sắp xếp xử lí cho chu toàn.
Thứ hai, anh ta chuẩn bị mua ô tô, vì bây giờ 2 người đã là vợ chồng, nhưng số tiền mua xe đó chẳng dính dáng chút nào tới Quỳnh nên cô phải kí giấy xác nhận đó là tài sản riêng của anh ta. Cô đừng nên tham thứ gì không phải của mình.
Thứ 3, về chi tiêu trong gia đình. Anh ta sẽ đưa cho cô 3 triệu/ tháng để tiêu pha, lo toan mọi chi phí. Sau này có con, số tiền ấy sẽ tăng lên 3,5 triệu. Vì bạn bè anh ta toàn góp như vậy, và những người vợ của họ luôn đủ tiêu, nên anh ta sẽ chỉ đưa như thế. Tất nhiên Quỳnh phải góp thêm vào, về cả tình và lý, anh ta đều không có trách nhiệm 1 mình cáng đáng hết, trong khi Quỳnh đi làm ra tiền.
"Anh đưa như vậy cũng phải đến 70% chi phí hàng tháng còn gì. Em là phụ nữ, ưu tiên hơn, chỉ cần góp 30%. Vậy là em quá sướng rồi. Nhiều gã chồng còn chẳng đưa cho vợ xu nào kia kìa! Còn lại tiền ai người đấy giữ, anh có đòi quản tiền của em đâu nên em cũng không có quyền quản tiền của anh", chồng Quỳnh nói như vậy.
Quỳnh choáng toàn tập. 3 triệu/ tháng có khi còn chẳng đủ cho 1 mình anh ta ăn uống ngày 3 bữa ấy chứ. Bởi anh ta có sống kham khổ được như những người dân lao động nghèo đâu. Vậy tiền điện, mạng, nước, và các khoản chi phí phát sinh khác, ai trả cho anh ta? Mà anh ta nói, từng ấy đủ 70% chi phí cả gia đình? Có con nhỏ thì thêm 500 nghìn đồng/ tháng? Số tiền ấy đủ 1 hộp sữa cho con, chưa nói ti tỉ thứ khác mà một đứa trẻ cần.
Lại còn việc nhà 100% là của đàn bà? Quỳnh càng nghĩ càng thấy bực dọc. Anh ta mang tiếng giỏi giang, đi làm lương cao ngần ấy, mà suy nghĩ còn quá khó ưa. Hoặc giả, anh ta cố tình làm vậy. Cái gì có lợi cho mình, phải bằng mọi giá giành được ấy.
"Cái ô tô, em sẽ làm như ý anh. Riêng việc nhà, nếu anh không san sẻ thì chúng ta thống nhất ăn cơm hàng. Chi tiêu hàng tháng, để cuối tháng tổng kết rồi cưa đôi. Em không cần được ưu tiên đâu, em thích công bằng, sòng phẳng", Quỳnh bỏ lại một câu rồi đi ngủ trước.
Mới cưới, những tưởng phải là những tháng ngày mật ngọt, nào ngờ chưa gì đã căng thẳng thế này. Giờ cô mới nhận ra, chẳng quan trọng họ giàu bao nhiêu, quan trọng họ vì mình đến mức nào ấy chứ. Chồng lương 40 triệu mà làm gì, thà rằng lương 10 triệu bằng cô mà lo hết cho gia đình còn hạnh phúc gấp vạn. Chẳng biết với người chồng lương cao này, cô sẽ sống thế nào trong tháng ngày hôn nhân tới đây?
Giang Phạm
Theo Helino/Trí thức trẻ