Một đoạn video ghi lại hình ảnh những cuộc tấn công của hổ vào một ngôi làng ở Ấn Độ làm nhiều người chết và bị thương đã được đăng tải, khiến người xem thót tim hoảng sợ.
Nơm nớp lo sợ vì
Theo Dailymail, đoạn video trên được quay tại huyện Lakhimpur Kheri, bang Uttar Pradesh, bắc Ấn Độ. Theo đó, chỉ trong vòng một năm, ngôi làng này đã có đến 22 người thiệt mạng do bị hổ tấn công.
Càng ngày, số lượng hổ xuất hiện tại những cánh đồng mía của người dân ngày càng gia tăng. Tính đến thời điểm hiện tại, đã có hàng chục con hổ xuất hiện trong khu vực và luôn nhắm mục tiêu vào con người.
Đã có đến 22 người thiệt mạng vì bị hổ tấn công và ăn thịt chỉ trong vòng một năm tại huyện Lakhimpur Kheri.
Rất nhiều người đã bị hổ giết và ăn thịt, hình ảnh đó đã để lại một nỗi ám ảnh không nhỏ cho những cư dân sống tại làng cũng như những khu vực lân cận.
Để bảo vệ bản thân, người dân trong những khu vực này thường tránh ra đồng một mình. Thậm chí nhiều người còn không bước ra khỏi nhà khi trời bắt đầu sập tối vì biết rằng luôn có những loài động vật chuyên săn mồi về đêm lảng vảng ở bên ngoài.
Mới đây nhất người dân đã phải viết thư xin sự giúp đỡ từ phía chính quyền địa phương vì số lượng người thiệt mạng do hổ ngày càng tăng nhưng mọi biện pháp để bảo vệ sự an toàn cho dân làng đều không mấy hiệu quả.
Nguyên nhân sự việc
Được biết, tình trạng này bắt đầu xảy ra sau khi một số cánh rừng tại huyện Lakhimpur Kheri được quy hoạch trở thành khu bảo tồn hổ từ ngày 9/6/2014 với mục tiêu thúc đẩy sự gia tăng số lượng nhằm hạn chế nguy cơ tuyệt chủng của loài động vật này.
Tuy nhiên, khoảng 250 cư dân sống trong các ngôi làng gần khu bảo tồn cho biết cuộc sống của họ đã thay đổi hoàn toàn theo chiều hướng xấu đi kể từ thời điểm đó. Mọi người luôn sống trong cảnh nơm nớp lo sợ không biết khi nào bản thân lại trở thành nạn nhân dưới móng vuốt của hổ.
Người dân hoảng sợ trèo lên cây để tránh hổ.
Gần đây nhất, một người phụ nữ ở Veerkheda, quận Kalinagar đã bị một con hổ giết chết trong lúc ra đồng đi vệ sinh. Hơn một giờ sau đó, khi thấy bà mãi vẫn chưa trở về, gia đình liền vội vàng ra ngoài tìm kiếm thì phát hiện thi thể của người phụ nữ đã bị hổ ăn mất một nửa.
Theo ghi nhận, khu bảo tồn này tiếp giáp với nhiều trang trại và nơi ở của người dân, đồng thời lại có nhiều tuyến đường bộ chạy ngang qua. Theo đó, có đến 3 tuyến đường cao tốc quốc gia, 2 đường cao tốc tiểu bang, 47 hương lộ và hơn 20 con đường nhỏ khác ngang qua khu bảo tồn.
Gần 650 km đường vành đai của khu bảo tồn tiếp giáp rất gần với những nông trại của người dân. Ở nhiều nơi, khu vực tiếp giáp chỉ cách khoảng 9 mét và lại không có hàng rào chắn để ngăn cách.
Ở nhiều nơi, khu vực tiếp giáp giữa khu bảo tồn và trang trại của người dân chỉ cách khoảng 9 mét và lại không có hàng rào chắn để ngăn cách.
Thông thường, mỗi gia đình có người thân bị hổ giết hại bên ngoài khu bảo tồn sẽ được nhận một khoản tiền bồi thường. Tính đến thời điểm hiện tại đã có 1 triệu rupee (tương đương gần 350 triệu đồng) gởi đến cho gia đình các nạn nhân.
Tuy nhiên, điều này lại gây ra những vụ tranh cãi khác. Nhiều người cho rằng, một số gia đình sẵn sàng để người thân bị hổ ăn thịt chỉ để đổi lấy được tiền bồi thường.
Như trong trường hợp của người phụ nữ ở Veerkheda, gia đình của người này đã bị cáo buộc là cố ý để người phụ nữ ra ngoài một mình làm mồi nhử cho hổ và sau đó gia đình sẽ nhận được tiền bồi thường từ vụ tấn công.
Một số nam giới trong làng ra sức truy lùng băt giữ con hổ vừa chạy vào cánh đồng mía trong làng của họ.
"Làm thế nào mà một người con trai lại có thể để mẹ mình bị hổ giết chết chỉ vì tiền bồi thường. Dù giá nào đi nữa, không ai có thể làm thế với mẹ mình cả. Chúng tôi nghèo nhưng chúng tôi không bao giờ bán tính mạng của mẹ để đổi lấy tiền" , con trai cả của người phụ nữ nói.
Nhiều quan chức địa phương đã tỏ ra vô cùng tự hảo vì số lượng hổ Dudhwa hiện đang có nguy cơ bị tuyệt chủng đã gia tăng gấp đôi số lượng kể từ khi khu bảo tồn được thành lập.
Tuy nhiên, những chuyên gia cũng đưa ra cảnh báo rằng chính quyền cần phải có kế hoạch cụ thể hơn trong việc xây dựng "hành lang xanh" cho hổ để tránh cho con vật tiếp xúc quá gần với con người, hạn chế những sự việc thương tâm khác có thể xảy ra.