Theo số liệu thống kê của Đại học John Hopkins, thế giới hiện ghi nhận 1.011.490 ca nhiễm và 52.863 ca tử vong do Covid-19 tại 204 quốc gia và vùng lãnh thổ, tăng lần lượt 77.902 và 5.994 so với hôm qua. 210.186 người đã hồi phục, chủ yếu ở Trung Quốc.
Theo AFP những số liệu thống kê cho thấy, người chết do Covid-19 trên toàn cầu đã tăng gấp đôi kể từ ngày 27/3. châu u hiện là tâm dịch với 542.191 ca nhiễm và 37.715 ca tử vong, tương đương 54% và 73% toàn cầu. Cho đến ngày 7/3, số ca nhiễm ở châu u chưa tới 10.000.
(ảnh minh họa internet)
Số ca lây nhiễm không ngừng gia tăng đồng nghĩa với việc đại dịch đang ngày một lan rộng với tốc độ đáng báo động.
Hiện nay tình hình ở Mỹ, vùng dịch lớn nhất thế giới thậm chí còn đáng báo động hơn. Nền kinh tế lớn nhất thế giới báo cáo thêm 28.295 ca nhiễm và 781 ca tử vong trong 24 giờ qua, nâng số ca nhiễm và tử vong lên lần lượt 243.298 và 5.883.
Kể từ khi Mỹ ghi nhận ca tử vong đầu tiên vào hôm 1/3 thì đến 2/4, con số này lên gần 6.000, cho thấy số người chết do Covid-19 tại Mỹ cứ sau ba ngày lại tăng gấp đôi.
Tình hình vật tư y tế ở Mỹ cũng đáng báo động, vì vậy nước này có thể ngừng viện trợ vật tư y tế cho các nước đồng minh. Nhiều bang đang khẩn thiết yêu cầu chính phủ hỗ trợ khẩu trang, máy thở, đồ bảo hộ để ứng phó với làn sóng bệnh nhân đổ xô đến bệnh viện.
Tổng thống Donald Trump cho biết chính phủ đang giữ lại gần 10.000 máy thở bởi "đợt bùng phát sắp tới rất mạnh" và sẵn sàng phân phối cho các cơ sở y tế để chống dịch.
Italy ghi nhận thêm 4.668 ca nhiễm và 760 ca tử vong, nâng số ca nhiễm và tử vong lên 115.242 và 13.915, tiếp tục là vùng dịch chết chóc nhất thế giới.
Tây Ban Nha xác nhận 112.065 người nhiễm và 10.348 người chết do Covid-19 sau khi ghi nhận thêm 7.947 ca nhiễm và 961 ca tử vong. Đây là mức tăng ca tử vong hàng ngày lớn nhất từng được ghi nhận từ khi dịch bệnh bùng phát tại Tây Ban Nha.
Đức vẫn là vùng dịch lớn thứ ba châu u khi ghi nhận thêm 6.813 ca nhiễm và 176 ca tử vong, nâng số ca nhiễm và tử vong lên lần lượt 84.794 và 1.107. Tỷ lệ tử vong ở Đức khá thấp, chỉ 1,3%, dường như nhờ áp dụng chiến lược xét nghiệm diện rộng. Đức cũng có nhiều giường chăm sóc đặc biệt, cùng dịch vụ chăm sóc sức khỏe được nhà nước chi trả.
Anh báo cáo thêm 4.244 ca nhiễm và 569 trường hợp tử vong, mức tăng ca tử vong hàng ngày lớn nhất từng được ghi nhận tại nước này, nâng số ca nhiễm và tử vong lên lần lượt 33.718 và 2.921.
Iran tiếp tục là vùng dịch lớn thứ hai châu Á, sau Trung Quốc, với 50.468 ca nhiễm và 3.160 ca tử vong.
Trung Quốc và Hàn Quốc chưa công bố ca nhiễm mới. Trung Quốc từ 1/4 bắt đầu đưa số ca nhiễm Covid-19 không triệu chứng vào số liệu thống kê hàng ngày. Những người nhiễm dịch Covid-19 không triệu chứng cũng sẽ bị cách ly tập trung 14 ngày.
Tại Đông Nam Á, Malaysia tiếp tục là vùng dịch lớn nhất với 3.116 ca nhiễm và 208 tử vong. Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) dự đoán Covid-19 ở Malaysia sẽ đạt đỉnh vào giữa tháng 4, trong khi số ca bệnh nguy kịch ước tính đạt đỉnh trong tuần tới.
Philippines báo cáo 2.633 ca nhiễm và 107 ca tử vong. Thái Lan ghi nhận 1.875 ca nhiễm, trong đó 15 người đã chết, trong khi con số này tại Indonesia lần lượt là 1.790 và 170.
Hiện tại, Ngân hàng Thế giới (WB) cảnh báo dịch bệnh có thể khiến 11 triệu người tại châu Á - Thái Bình Dương lâm vào cảnh nghèo đói nếu không có biện pháp can thiệp và khu vực có thể đối mặt với đợt suy giảm kinh tế tồi tệ nhất suốt 20 năm qua.