"Hàng trăm" gia đình vô tội đã bị mắc kẹt tại trung tâm của cuộc chiến đẫm máu chống lại Nhà nước Hồi giáo IS ở Fallujah. Những gia đình này đã bị nhóm khủng bố sử dụng làm lá chắn sống, cơ quan tị nạn Liên hợp quốc (UNHCR) cảnh báo hôm 31/5 sau khi một nhóm viện trợ gọi đó là "thảm họa nhân đạo".
Phát ngôn viên UNHCR William Spindler nói với các phóng viên là cuộc giao tranh đã khiến ít nhất 7 thành viên trong 1 gia đình chết hoặc bị thương hôm 25/5. Khoảng 50.000 người vẫn bị mắc kẹt tại Fallujah.
Tờ USA Today dẫn lời Salem al-Halbusi, một cư dân ở Fallujah: "Chúng đang vây hãm các gia đình trong tòa nhà của bệnh viện. Chúng đang khiến mọi người sợ hãi về quân đội Iraq khi nói với người dân là "quân đội và các chiến binh đang đến để giết tất cả các người".
Quân đội Iraq đã có cuộc giao tranh ác liệt kéo dài 4 giờ đồng hồ với IS ở phía nam Fallujah hôm 31/5, một ngày sau khi di chuyển tới thành phố này. Cuộc tấn công bắt đầu lúc rạng sáng tại khu vực Nuaimiya của Fallujah. Tại đây, Iraq đã chiếm được 85% diện tích đất từ vài ngày trước, 2 sĩ quan của lực lượng đặc biệt nói với AP.
[mecloud] kNro5JSKgG[/mecloud]
Phát ngôn viên Lầu Năm Góc, Đại úy Jeff Davis đã mô tả Fallujah là "pháo đài cuối cùng mà IS kiểm soát tại tỉnh Anbar". Ông nói thêm rằng những kẻ khủng bố "có ý định tung ra một cuộc chiến". Các quan chức nói với hãng Fox news rằng có khoảng 500-1.000 chiến binh IS đang cố thủ tại Fallujah.
Các chiến binh IS "đã lần đầu phát kẹo cho trẻ em với hy vọng lôi kéo mọi người bởi chúng biết kết cục của chúng đang tới gần", al Halbusi nói thêm.
Tổng thư ký Hội đồng Tị nạn Na Uy (NRC) Jan Egeland nói: "Một thảm họa nhân đạo đang diễn ra tại Fallujah". Chỉ có duy nhất 1 gia đình trốn được khỏi Fallujah trong ngày 30/5. Kể từ khi cuộc tấn công bắt đầu 1 tuần trước, 554 gia đình đã trốn thoát khỏi khu vực xung quanh Fallujah, nằm cách Baghdad 40 dặm về phía tây. "Các bên tham chiến phải đảm bảo dân thường thoát ra an toàn ngay bây giờ trước khi quá muộn và có thêm nhiều người chết", bà Egeland nói thêm.
Nhóm NRC cho biết tình trạng thiếu lương thực, thuốc men, nước uống an toàn và điện tại thành phố này đã "đẩy các gia đình đến bờ vực của sự tuyệt vọng".
Lầu Năm Góc cũng đã quan ngại rằng hơn 10.000 dân quân người Shia được Iran hậu thuẫn đã tập trung ở ngoại ô phía bắc Fallujah, các quan chức nói với Fox news. Một năm trước, IS nắm quyền kiểm soát gần Ramadi và quân đội Iraq phải mất 6 tháng để thoát khỏi thành phố này. Một vị tướng Iraq nói rằng 80% thành công của quân đội Iraq có được là nhờ các cuộc không kích của Mỹ.
Các chiến binh IS đã sử dụng những đường hầm, triển khai các tay súng bắn tỉa và đưa 6 xe chất đầy thuốc nổ tới tấn công quân đội nhưng chúng đã bị phá hủy trước khi nhắm tới mục tiêu, một quan chức Iraq cho biết.
Quân đội Iraq đã có thương vong nhưng các quan chức không cung cấp con số chi tiết.
Fallujah bị IS chiếm hơn 2 năm và là thành phố lớn cuối cùng ở miền Tây Iraq vẫn còn nằm trong tay IS.
Các đường hầm - tương tự như những gì được tìm thấy trong các vùng lãnh thổ khác bị IS kiểm soát trước đây - được phát hiện ở ngoại ô đông bắc Fallujah.
[mecloud] E7iSPXQSzv[/mecloud]
Lực lượng chống khủng bố Iraq đang dẫn đầu cuộc tấn công Fallujah, từ từ di chuyển từ rìa phía nam đi lên. Các bước tiến được dự kiến sẽ diễn ra chậm bởi hàng chục nghìn dân thường vẫn đang bị mắc kẹt trong thành phố và những quả bom ẩn được cho là nằm rải rác khắp thành phố, theo các chỉ huy ở hiện trường.
IS dự kiến sẽ tăng cường các cuộc tấn công vào những thành phố lớn tại Iraq trong nỗ lực đánh lạc hướng sự chú ý của lực lượng an ninh khỏi tiền tuyết. Ngày 30/5, IS tuyên bố nhận trách nhiệm hàng loạt vụ đánh bom trong và quanh thủ đô Baghdad khiến ít nhất 24 người thiệt mạng và hàng chục người bị thương.
Bảo Linh (Fox News)