Cụ Giàng Thị Sua (80 tuổi, người dân tộc H’Mông ở xã Sử Pán, huyện Sapa, tỉnh Lào Cai) vượt 17km đến lễ hội “Sắc xuân Tây Bắc” và trở thành 1 trong hàng trăm người cao tuổi được các bác sĩ Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức khám bệnh miễn phí tại đây.
Lần đầu gặp bác sĩ trung ương
Cụ Sua cho biết, đây là lần đầu tiên cụ được bác sĩ đến từ một bệnh viện lớn ở Hà Nội khám bệnh. Nhà có 3 người con nhưng lại có tới 10 đứa cháu nheo nhóc nên kinh tế khó khăn, chẳng mấy khi đi khám bệnh. Lúc nào đau yếu lắm mới nhờ con cháu đưa đến bệnh viện huyện để khám và thuốc thang qua loa. Thông qua “phiên dịch” là nhân viên Viettel, cụ cho biết bị đau nhức toàn thân, ho nhiều ngày chưa khỏi...
Cụ Giàng Thị Sua đang được các bác sỹ đo huyết áp |
Cụ Giàng Thị Sua là một trong hơn 200 già làng, trưởng bản 6 tỉnh Tây Bắc và 100 người dân tộc thiểu số ở Lào Cai được khám bệnh, tư vấn sức khỏe, cấp thuốc miễn phí trong khuôn khổ lễ hội Sắc xuân Tây Bắc.
Ông Triệu Đức Long, 61 tuổi, người dân tộc Dao, Trưởng bản Khạ, huyện Yên Thủy, Hòa Bình mắc chứng đi tiểu khó khăn mấy năm nay và biết là bệnh này để lâu sẽ nguy hiểm nhưng ông cũng chưa có điều kiện để chạy chữa. May có đoàn bác sĩ khám bệnh miễn phí, lại được ban tổ chức đưa đón tận nhà, ônglập tức sắp xếp công việc để tham gia.
“Bác sĩ khám kỹ lắm, ghi vào sổ rồi nhưng vẫn chưa biết có bệnh gì, phải siêu âm nữa. Lần đầu tiên tôi được làm siêu âm đấy”, ông Long phấn khởi cho biết.
Đến muộn khi ban tổ chức đã tiếp nhận đủ số lượng bệnh nhân theo dự kiến, cụ Vàng Thị Dền, 75 tuổi, người H’Mông sống tại xã San Sả Hồ, huyện Sapa, Lào Cai vẫn kiên trì ngồi lại xin được gặp bác sỹ vì “từ bé chưa bao giờ được đi khám bệnh”.
Chồng mất sớm, một mình cụ Dền nuôi 12 người con, trong đó có một con trai bại liệt từ nhỏ.Thời gian gần đây, cụ bị đau nhức toàn thân, tự mua thuốc về uống mãi không khỏi, nên khi nghe tin có đoàn bác sĩ khám bệnh miễn phí cụ lặn lội đến. Trước sự nhiệt tình của cụ, ban tổ chức quyết định bổ sung thêm phiếu mời cụ vào khám.
Đồng bào vùng cao chờ đến lượt khám bệnh |
Ths.BS. Lê Học Đăng cho biết, đoàn bác sĩ Bệnh viện Việt Đức lần này gồm 15 người bao gồm 7 bác sĩ và 8 y tá thuộc các lĩnh vực: lâm sàng, chuyên ngành tiêu hóa, tiết niệu, tim mạch, chẩn đoán hình ảnh. Qua tiếp xúc, hầu hết bà con đều ít có điều kiện chăm sóc sức khỏe y tế, việc được các bác sĩ tuyến trung ương khám hầu như không có. Trong quá trình khám, đối với các ca bệnh thông thường (hô hấp, viêm nhiễm, bệnh người già…) sẽ tư vấn và phát thuốc miễn phí để bà con điều trị. Với những ca khó, sẽ kết hợp với Viettel mổ miễn phí tại Bệnh Viện Việt Đức.
Khám bệnh bằng “song ngữ”
Trong buổi khám bệnh miễn phí của Viettel tại lễ hội “Sắc xuân Tây Bắc”có sự xuất hiện của các nhân viên là người dân tộc thiểu số. Nhanh nhẹn và hoạt bát, các cô gái, chàng trai khi thì có mặt tại bàn đón tiếp, ghi hồ sơ, khi thì trực tiếp phiên dịch giúp bác sĩ chẩn đoán bệnh hoặc tận tình hướng dẫn bà con uống thuốc theo chỉ dẫn tại bàn phát thuốc miễn phí.
BS. Khổng Tiến Bình cho biết: Điểm khó khăn nhất khi khám bệnh cho đồng bào dân tộc là làm thế nào giải thích và tư vấn để bà con nâng cao kiến thức y tế, điều trị kịp thời trong khi giữa đoàn bác sĩ và bà con bất đồng ngôn ngữ. Chính vì thế, Viettel đã bố trí các nhân viên là người dân tộc thiểu số để phiên dịch cho bác sĩ. Bà con vì thế trao đổi cũng cởi mở hơn, bác sĩ chẩn đoán nhanh hơn.
Gọi vui buổi khám bệnh này là “khám bệnh song ngữ”, bà Phạm Thị Thanh Vân - Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty Viễn thông Viettel cho biết, hiện đơn vị này có gần 120 nhân viên giải đáp là người dân tộc thiểu số trực 10 tổng đài tiếng dân tộc. Con số này có thể sẽ tăng rất nhanh trong thời gian ngắn. Bộ phận này được hình thành phục vụ cho bộ tính năng Tomato Buôn Làng dành riêng cho đồng bào vùng cao hiện đang có gần 2 triệu thuê bao sử dụng, và sắp tới sẽ mở rộng ra các lĩnh vực giải đáp thông tin kinh tế- xã hội cho đồng bào dân tộc.
Nhân dịp Viettel tổ chức Lễ hội Sắc xuân Tây Bắc, đội ngũ nhân viên này được huy động một phần để tư vấn sử dụng sản phẩm, dịch vụ tại các gian trải nghiệm và chịu trách nhiệm phiên dịch cho các bác sĩ trong hoạt động khám bệnh và phát thuốc miễn phí. Sự có mặt của các cô “tổng đài viên đặc biệt” này góp phần lớn vào thành công của đợt khám bệnh.