Tin mới

Khi nào công an được thu giữ, kiểm tra điện thoại của công dân?

Thứ hai, 28/08/2023, 18:30 (GMT+7)

Nhiều người thắc mắc công an có được quyền thu giữ điện thoại của người dân không? Nếu có thì được thu giữ và kiểm tra thông tin điện thoại trong trường hợp nào?

Về vấn đề này, khoản 1, khoản 2, Điều 38 Bộ luật Dân sự 2015 nêu rõ:

- Đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình là bất khả xâm phạm và được pháp luật bảo vệ.

- Việc thu thập, lưu giữ, sử dụng, công khai thông tin liên quan đến đời sống riêng tư, bí mật cá nhân phải được người đó đồng ý, việc thu thập, lưu giữ, sử dụng, công khai thông tin liên quan đến bí mật gia đình phải được các thành viên gia đình đồng ý, trừ trường hợp luật có quy định khác.

Ngoài ra, Điều 12 Bộ luật Tố tụng hình sự 22015 cũng quy định:

Không ai được xâm phạm trái pháp luật chỗ ở, đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình, an toàn và bí mật thư tín, điện thoại, điện tín và các hình thức trao đổi thông tin riêng tư khác của cá nhân.

Theo đó, cá nhân được pháp luật bảo vệ bí mật đời tư, được an toàn thư tín, điện thoại, điện tín. Do đó, việc thu thập, sử dụng và công khai thông tin liên quan đến cá nhân phải được cá nhân đó đồng ý.

Tuy nhiên, trong một số trường hợp, cơ quan công an có quyền tạm giữ, thu giữ, kiểm tra điện thoại của công dân.

Cụ thể, theo Bộ Công an, cơ quan công an có quyền tạm giữ, thu giữ, kiểm tra điện thoại của công dân nếu điện thoại đó là tang vật của vụ việc vi phạm hành chính; là vật chứng của vụ án hình sự; liên quan đến việc vi phạm pháp luật (hành chính, hình sự). Việc tạm giữ, thu giữ điện thoại phải có căn cứ và tuân theo các quy định của pháp luật. Công dân có quyền khiếu nại, tố cáo nếu việc tạm giữ, thu giữ điện thoại không đúng pháp luật.

Theo Điều 87, Điều 99 Bộ luật Tố tụng hình sự thì điện thoại di động là dữ liệu điện tử vì điện thoại là phương diện lưu trữ chữ viết, chữ số, hình ảnh, âm thanh hoặc dạng tương tự được tạo ra, lưu trữ, truyền đi hoặc nhận được bởi phương tiện điện tử.

Dữ liệu điện tử là một trong bảy nguồn của chứng cứ có giá trị chứng minh tội phạm và các hành vi vi phạm pháp luật khác. Cơ quan Công an có quyền thu giữ dữ liệu điện tử (điện thoại di động) theo Điều 88; 89; 90; 107, 196 Bộ luật Tố tụng hình sự nhằm: Phát hiện, ngăn chặn hành vi phạm tội; thu thập, củng cố tài liệu, chứng cứ chứng minh tội phạm và người phạm tội; thu thập các tài liệu liên quan đến việc giải quyết vụ án hoặc đảm bảo thi hành án, xử phạt.

Hơn nữa, theo Điều 196 Bộ luật Tố tụng hình sự thì quá trình thu giữ dữ liệu điện tử (điện thoại di động) có thể thu giữ thiết bị ngoại vi kèm theo và các tài liệu có liên quan nên việc yêu cầu người chủ thiết bị điện tử cung cấp mật khẩu dữ liệu điện tử là hoàn toàn hợp pháp nhằm khai thác, kiểm tra, xác minh, thu thập thông tin, dữ liệu có liên quan đến vụ việc đang giải quyết.

"Ngoài việc thu giữ, kiểm tra điện thoại di động theo Bộ luật Tố tụng hình sự, cơ quan công an có thể thu giữ, kiểm tra điện thoại di động theo quy định của Luật Xử lý vi phạm hành chính trong trường hợp ngăn chặn hành vi vi phạm, ngăn chặn việc tẩu tán, tiêu hủy tang vật; xác minh hành vi vi phạm hoặc bảo đảm việc xử lý vi phạm hành chính", Bộ Công an cho hay.

 

Theo dõi Tinmoi.vn trên Tinmoi.vn - Google news

Chi tiết mức lương giáo viên sau khi tăng lương cơ sở từ 7/2023

Sau khi tăng lương cơ sở từ 7/2023, bảng lương của giáo viên sẽ có những thay đổi như thế nào? Cập nhật chi tiết mức lương giáo viên mầm non, tiểu học, mức lương GV THCS, THPT... chi tiết nhất.