Tin mới

Khó tin: Nghe một cuộc điện thoại, mất 720 triệu

Thứ ba, 01/07/2014, 13:56 (GMT+7)

Từ cuối năm 2013 đến nay, cơ quan công an đã nhiều lần cảnh báo người dân về những chiêu lừa đảo qua điện thoại, nhưng đến nay, vẫn nhiều người “dính bẫy”.

Từ cuối năm 2013 đến nay, cơ quan công an đã nhiều lần cảnh báo người dân về những chiêu lừa đảo qua điện thoại, nhưng đến nay, vẫn nhiều người “dính bẫy”.


Chiêu lừa ngoạn mục

Tháng 6, người đàn ông tên Đ., 70 tuổi, cán bộ hưu trí ở quận Hai Bà Trưng, Hà Nội đến công an trình báo sự việc: Khoảng 9h ngày 23/6, khi đang ở nhà một mình, ông Đ. nhận được điện thoại gọi vào số cố định.

Đầu dây bên kia, giọng phụ nữ giới thiệu là nhân viên VNPT, thông báo cước điện thoại tháng 6 của gia đình ông sử dụng là 8.930.000 đồng.

Giật mình vì số tiền cước điện quá lớn, khi ông Đ. thắc mắc thì đầu dây bên kia hướng dẫn ông bấm thêm phím số “9” để kết nối tới cơ quan công an hòng làm rõ sự việc.

Làm theo hướng dẫn, đầu dây bên kia là một nam giới nói giọng miền Nam, yêu cầu ông Đ. cung cấp số điện thoại di động. Khi số máy của người đàn ông kia gọi đến, trên màn hình điện thoại của ông Đ. hiển thị số gọi đến là (+83) 92311xx.

Người đàn ông tiếp tục hướng dẫn ông Đ. kiểm tra số điện thoại 083.92311xx qua tổng đài 1080 để biết mình đang làm việc với cơ quan công an.

Ông Đ. gọi 1080 kiểm tra, được trả lời số máy 083.92311xx là của một đơn vị Công an tại TP Hồ Chí Minh nên đã vội tin đầu dây bên kia là một cán bộ công an.

Tiếp đó, ông Đ. được chuyển điện thoại để nói chuyện với một người tự xưng là điều tra viên của “Đội điều tra ma túy” đang điều tra một đường dây ma túy xuyên quốc gia.

Nguyễn Văn Cường, kẻ lừa đảo qua điện thoại mới bị công an Hà Nội bắt giữ.

Kẻ cầm đầu đường dây ma túy này đã sử dụng một số tài khoản tại ngân hàng vào các phi vụ mua bán hàng trăm bánh heroin, nên cơ quan công an cần làm rõ những người liên quan. Và trong số những người liên quan đó có ông Đ.

Nghe đến đây, ông Đ. phát hoảng và cố gắng làm mọi điều theo chỉ dẫn để chứng minh mình vô can.

Ông này thật thà khai báo về số tiền 720 triệu đồng ông gửi tại ngân hàng và khẳng định đó là tiền sạch do cả đời ông tiết kiệm được, không liên quan gì đến tội phạm ma túy.

Ở đầu dây bên kia, người đàn ông tự xưng là cán bộ điều tra đề nghị ông Đ. chuyển toàn bộ số tiền tiết kiệm trên vào tài khoản của cơ quan công an để “phục vụ việc điều tra”. Kèm theo đó là yêu cầu ông Đ. phải đảm bảo bí mật điều tra, không được cho ai biết về sự việc...

Là một cán bộ về hưu, liên tục bị đưa vào những tình thế chưa từng gặp, ông Đ. đã hoảng sợ và dễ dàng bị nhóm tội phạm điều khiển.

Trong suốt quá trình liên lạc qua điện thoại với “cán bộ điều tra”, ông Đ. đã tuân thủ mọi yêu cầu. Khi hoàn tất việc chuyển tiền, ông Đ. mới giật mình biết mình bị lừa. Cố gọi lại số máy có đầu (+83), ông Đ. đã không thể liên lạc được.

Cần nâng cao cảnh giác

Một cán bộ Phòng cảnh sát phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (PC50), Công an Hà Nội cho hay, bọn tội phạm kiểu này thường hành động theo “kịch bản” đã soạn trước. Đối tượng mà chúng nhằm đến là những người già đã về hưu, dễ tin người...

Đối tượng sử dụng công nghệ cao để giả lập số điện thoại của một số đơn vị Công an các tỉnh, thành phố nên người bị hại đã dễ dàng tin chúng.

Quá trình điều tra, xác minh các vụ việc cho thấy, những cuộc gọi trên đều có liên quan đến các tổng đài từ nước ngoài về Việt Nam qua kết nối VoIP (một công nghệ cho phép truyền âm thanh thời gian thực qua băng thông Internet và các kết nối IP), do kẻ xấu sử dụng công nghệ cao và thiết bị thông tin trái phép để thực hiện.

Theo T.Nhung

Theo dõi Tinmoi.vn trên Tinmoi.vn - Google news