Tin mới

“Không có chuyện 20 sinh viên bị lạc trên núi Bà Đen”

Thứ hai, 19/01/2015, 10:08 (GMT+7)

Một thành viên trong nhóm “20 sinh viên bị lạc trên núi Bà Đen khiến hàng trăm người phải tìm kiếm, giải cứu” khẳng định, không có chuyện đi lạc. Nhóm quyết định ở lại trên núi lúc trời tối để đảm bảo an toàn vì có người bị thương.>> Đừng vội xem thường 20 sinh viên bị lạc trên núi Bà Đen>> Gần 100 người thâu đêm tìm cứu 20 sinh viên bị lạc trên núi Bà Đen>> Cô gái xinh đẹp tử nạn trên đường "phượt" Hà Giang

Một thành viên trong nhóm “20 sinh viên bị lạc trên núi Bà Đen khiến hàng trăm người phải tìm kiếm, giải cứu” khẳng định, không có chuyện đi lạc. Nhóm quyết định ở lại trên núi lúc trời tối để đảm bảo an toàn vì có người bị thương.

 

Mấy ngày nay, thông tin đăng tải trên báo chí về việc một nhóm gồm 20 sinh viên “bị lạc trên núi Bà Đen” và phải kêu cứu, khiến hàng trăm người vất vả tìm kiếm giữa đêm tối thu hút sự quan tâm cùng nhiều ý kiến tranh cãi của dư luận.

Nhóm sinh viên này đã được cứu hộ đưa xuống núi đầy đủ và an toàn.

Sau đó, các diễn đàn, mạng xã hội đã xuất hiện hàng nghìn bình luận với những ý kiến khác nhau, trái chiều về vụ việc trên.

Trong số các bình luận, phần lớn là những ý kiến chỉ trích nhóm sinh viên liều lĩnh, yếu kém trong kỹ năng sống, khiến nhiều người phải vất vả, lo lắng cho số phận của các thanh niên này.

Chúng tôi đã liên hệ với nhóm 20 sinh viên trên để làm rõ thêm các thông tin từ phía người trong cuộc.

Qua điện thoại, chúng tôi đã kết nối được với anh Phan Ngọc Bảo – sinh năm 1993, hiện đang là sinh viên một trường đại học tại TP.HCM. Anh Bảo là một thành viên tham gia trong nhóm leo núi Bà Đen nói trên, và sau khi sự việc “bị lạc” xảy ra được coi như là người phát ngôn của nhóm.

Hành trình leo núi

Anh Bảo cho biết: “Khoảng 2h sáng 10/1, nhóm xuất phát từ Sài Gòn, tổng cộng 10 xe, 20 người, gồm 9 nữ và 11 nam. Leader (trưởng nhóm – PV) là người Trảng Bàng, Tây Ninh, am hiểu địa hình địa vật khu vực núi Bà Đen, đã từng đi tiền trạm trước. Nhìn chung, các thành viên trong nhóm đều có sức khỏe tốt.

Dự định ban đầu của nhóm là leo Ma Thiên Lãnh, nhưng muốn thử thách hơn nên mọi người quyết định bẻ cung leo từ núi Phụng, qua núi Heo, rồi mới đến núi Bà, có nghĩa là qua 3 đỉnh. Nhóm không chọn đi đường mòn có sẵn, thay vào đó là leo ghềnh đá từ chân núi Phụng, sau đó là chui rừng dây leo”.

20 sinh viên bi lạc trên núi bà đen, núi bà đen, giải cứu 20 sinh viên lạc trên núi bà đen, phượt, núi bà đen tây ninh, kỹ năng sống, cứu hộ, sự thật vụ 20 sinh viên bị lạc trên núi bà đen

Núi Bà Đen - nơi 20 sinh viên bị cho là "bị lạc" khiến "hàng trăm người phải tìm kiếm, giải cứu trong đêm".

Nói về quá trình di chuyển và tình hình sức khỏe của các thành viên trong nhóm, anh Bảo cho biết: “Vì đi cung đường mới ít người đi nên nhóm rất khó khăn trong việc di chuyển, lúc này, vài thành viên có dấu hiệu xuống sức, một anh bắt đầu bị chuột rút, một bạn sợ độ cao nên khóc, nhưng cả nhóm hỗ trợ và động viên để tiếp tục di chuyển, có chậm hơn so với dự kiến. Đến 5h chiều cùng ngày, nhóm bắt đầu chinh phục tảng đá to nằm ở lưng chừng núi, đứng tại đây có thế thấy trạm phát sóng.

Anh Bảo cho biết, vì một bạn bị chuột rút tụt lại phía sau nên nhóm cử 4 bạn nam ra sau hỗ trợ, trong đó có trưởng nhóm. Các thành viên còn lại tự mò đường lên đỉnh, nhưng vì cung đường khó khăn nên nhóm này nghỉ tại chỗ để đợi mọi người tập trung đông đủ rồi tính phương án khác.

 

Video tham khảo :Câu chuyện cảm động vì cộng đồng từ nhóm phượt Phong Vân:

 

“Lúc này trong nhóm có một bạn nữ đi mò đường, bạn này sức khỏe tốt. Trời dần về đêm, nhóm phía sau chưa lên tảng đá to được, bạn nữ đi trước chưa về, đành lòng nhóm phải chọn giải pháp an toàn cho tất cả các thành viên trong đoàn, là di chuyển xuống núi theo cung Ma Thiên Lãnh, không đi theo đường cũ (có nghĩa là không qua 2 núi Heo và núi Phụng nữa). Nhóm cử một anh có kỹ năng tốt nhất lên đỉnh đón bạn nữ về, những người còn lại di chuyển xuống núi”, anh Bảo kể.

Ngủ đêm trên núi và những chuyện phát sinh

Theo lời anh Bảo, mọi chuyện bắt đầu phát sinh từ thời điểm khoảng 19h30, khi nhóm đã xuống được sườn núi nằm ở khu vực rừng Ông Phủ và nghỉ chân tại chỗ, đợi hai bạn kia về.

Anh Bảo thuật lại: “Chuyện phát sinh như thế này, lead dẫn đường không may trượt chân bị bong gân nên không di chuyển được, phải nằm tại chỗ. Trong lúc mọi người chăm sóc vết thương cho trưởng nhóm thì một số bạn hoảng loạn vì không được lên tới đỉnh núi, lại lần đầu tiên ngủ đêm trong rừng nên các bạn này đòi gọi người tới giúp, tâm trí rất bất an. Để củng cố tinh thần mọi người trong đoàn, các thành viên thống nhất cho các bạn gọi cứu hộ 114.

Sau khi gọi cứu hộ, nhóm tiếp tục di chuyển, đường về đêm rất khó đi, vách đá cheo leo, vực sâu nguy hiểm nên nhóm di chuyển rất chậm. Đến 22h cùng ngày, nhóm có mặt ở một bãi chuối ven sườn núi (đặc điểm nhận dạng là có một cây chanh giữa vườn chuối). Nhóm quyết định ngủ qua đêm tại đó, sáng hôm sau sẽ di chuyển tiếp”.

“Đồ ăn nhóm còn rất nhiều, chỉ thiếu duy nhất nước. Trong khi mọi người nghỉ ngơi, vài bạn đi tìm đường tắt để xuống núi, đường thì có nhưng với nhóm 20 người thì rất khó đi, chưa nói trong nhóm đang có người bị thương, nên buộc lòng nhóm phải bẻ sang đường khác. Sáng hôm sau, khoảng 7h, nhóm bắt đầu di chuyển theo một hướng mới để xuống núi, lên núi thì khó chứ xuống núi thì rất dễ, cứ việc di chuyển đi xuống chủ yếu là xuống nhanh hay chậm thôi’, anh Bảo cho biết.

“Như vậy, hoàn toàn không có chuyện nhóm bị lạc đường, việc ngủ đêm trên núi là để đảm bảo an toàn do trong nhóm có người bị thương. Việc gọi cứu hộ là để củng cố tinh thần cho một số thành viên trong nhóm là chính, chứ không phải mục đích nhờ giúp đỡ”, anh Bảo khẳng định.

Nhóm sinh viên sau khi được cứu hộ đưa xuống núi Bà Đen an toàn. Ảnh: CAND

Lý giải việc nhóm sinh viên bị cho là “đi lạc trên núi Bà Đen”

Anh Bảo cho biết, đến khoảng 10h, nhóm chuyển đến mỏm đá hướng Ma Thiên Lãnh, lúc này chỉ cách khoảng 30 phút là có thể đến chân núi: “Ở vị trí này điện thoại bắt đầu có sóng, mình nhận được điện thoại của một số bạn hỏi thăm về tình hình bị lạc, hơi bất ngờ nhưng vẫn cảm ơn mọi người đã quan tâm. Mình có nhận được điện thoại của một bạn nữ nói có anh Bé (một người dân địa phương – PV) đang đem cơm và nước lên trợ giúp. Vì nhóm chỉ cách chân núi 30 phút nên mình từ chối, nhưng vì bạn đó quá nhiệt tình nên mình đành cho mọi người ngồi nghỉ chân, đợi nhóm phía sau tập trung đến để nhận trợ giúp.

 

Ngồi khoảng 15 phút thì mình nhận thấy có hai nhóm cứu hộ đang di chuyển: một nhóm bên tay phải mình hướng núi Phụng, một nhóm phía nhà dân đang di chuyển lên. Khoảng 30 phút sau thì hai nhóm này đã có mặt tại chỗ nhóm mình tập trung nghỉ chân. Mọi người tiếp nhận nước và bánh từ những người cứu hộ. 12h30 nhóm được cứu hộ dẫn xuống núi. 13h, tất cả có mặt tại chân núi an toàn. Sau khi được công an lấy thông tin, cả nhóm đã trở về nhà”.

 

Lý giải về việc nhóm bị cho là “đi lạc” trên núi khiến nhiều người phải đi tìm trong đêm tối để giải cứu, anh Bảo cho biết: “Khi có sóng điện thoại, mình hơi bất ngờ vì một bạn trong đoàn làm to chuyện khi thông báo về trang Facebook của nhóm làm mọi người lo lắng với những nguồn tin không chính xác, làm xuyên tạc thông tin. Bạn đó làm hơi quá, nhóm chỉ tìm đường mới, không đi đường cũ thì bạn báo với mọi người trong group là đi lạc, vì sự việc này nên chuyện bé xé ra to, ảnh hưởng đến mọi người”.

"Cũng vì thông tin không đúng là bị lạc trên núi Bà Đen nên nhóm đã phải nhận rất nhiều chỉ trích, "gạch đá" từ phía Cộng đồng mạng khiến mọi người rất buồn và khó chịu", anh Bảo cho biết thêm.

Thay mặt nhóm sinh viên leo núi, anh Bảo gửi lời cảm ơn tới cơ quan chức năng, lực lượng cứu hộ và người dân địa phương đã không quản ngại đêm tối, nguy hiểm, nhanh chóng đi tìm, giúp đỡ nhóm.

Như vậy, về cơ bản, những thông tin quan trọng và chi tiết về sự việc “20 sinh viên bị lạc trên núi Bà Đen khiến hàng trăm người phải tìm kiếm, giải cứu” có thể xem như đã được làm rõ.

Duy Minh

Theo dõi Tinmoi.vn trên Tinmoi.vn - Google news