Với ông Obama, chiến lược tốt hơn để chống lại Nhà nước Hồi giáo IS là tập trung vào tình báo và các biên pháp an ninh tại quê nhà, tránh can thiệp khủng hoảng Nga – Thổ.
Bài viết là ý kiến của ông Trevor Thrall, một phó giáo sư tại ĐH George Mason, học giả cao cấp tại Viện Cato được đăng trên tờ Time.
Nếu bạn nghĩ tình hình ở Syria không thể trở nên phức tạp hơn nữa thì hãy nghĩ lại. Việc Thổ Nhĩ Kỳ bắn hạ chiến đấu cơ Nga hôm 24/11 đã tạo ra những căng thẳng ngoại giao mà có thể trở nên tồi tệ hơn.
Trung tâm cuộc khủng hoảng không chỉ bản thân vụ việc mà trong thực tế, đó còn là những ưu tiên chiến lược mà cả Nga lẫn Thổ Nhĩ Kỳ đang mâu thuẫn nhau tại Syria. Trong khi Nga tớ để hậu thuẫn cho chính quyền Bashar al-Assad thì Thổ Nhĩ Kỳ lại hỗ trợ một loạt các nhóm nổi dậy chống Assad. Thổ Nhĩ Kỳ tuyên bố Nga đã ném bom các nhóm này trong những tuần gần đây.
Mối đe dọa về một cuộc khủng hoảng leo thang giữa 2 nước là trong tâm đối với 2 việc khiến ông Obama lo lắng: Thứ nhất là tìm kiếm một giải pháp chính trị cho nội chiến Syria. Thứ hai là chiến đấu chống lại IS. Ngày 1/12, ông đã kêu gọi Nga và Thổ Nhĩ Kỳ tránh leo thang căng thẳng sau vụ máy bay Nga bị bắn và tập trung vào "kẻ thù chung" IS.
Tổng thống Barack Obama trong một hội thảo về khí hậu ở Paris. Ảnh: Getty |
Do ông Obama không sẵn lòng để Mỹ can thiệp trực tiếp nhiều hơn ở Syria, ông không có nhiều ảnh hưởng với cả 2 nước. Nhưng thật may cho Mỹ, trong trường hợp này, đứng ngoài lề lại là chiến lược đúng đắn.
Đầu tiên, cả Nga lẫn Thổ Nhĩ Kỳ đều không cần Mỹ khuyến khích tiếp tục chống IS. Thật vậy, ưu tiên hàng đầu của Nga là hỗ trợ cho chính quyền Assad và các cuộc không kích ban đầu của họ tập trung chủ yếu vào các mục tiêu "không phải IS". Mặc dù vậy, cuối cùng, như chính ông Putin từng lưu ý, IS đại diện cho mối đe dọa đối với Assad, Nga sẽ quay trở lại để tiêu diệt chúng, chuyên gia Mỹ nhận định.
Thổ Nhĩ Kỳ cũng có một số ưu tiên cạnh tranh, trong đó có cả những mối quan ngại về lực lượng người Kurd và khủng bó trong nước. Nhưng, không giống như Mỹ coi IS là một mối đe dọa gián tiếp, từ xa, Thổ Nhĩ Kỳ có chung biên giới dài và lỏng lẻo không chỉ với Syria mà cả Iraq. Do đó, họ coi mối đe dọa IS là cấp bách. Do những mối quan ngại chiến lược này mà cả Nga lẫn Thổ Nhĩ Kỳ đều không có khả năng buông bỏ cuộc chiến chống IS ngay cả khi tình trạng đối đầu lẫn nhau vẫn tiếp tục gia tăng.
Thứ hai, sự tham gia của Mỹ trong các cuộc đàm phán hòa bình thực sự phản tác dụng để Mỹ đạt được mục tiêu chính ở Syria: giải quyết IS. Ông Obama đã trải qua 5 năm để có được lập luận: Sự ra đi của ông Assad là đòi hỏi của bất cứ thỏa thuận hòa bình nào và tiếp tục hy vọng rằng Nga sẽ thay đổi quan điểm của mình. Ngày 1/12, tổng thống Mỹ nói: "Tôi nghĩ có thể mất vài tháng để chúng tôi nhìn thấy sự thay đổi trong tính toán của Nga và sự công nhận đã đến lúc kết thúc cuộc nội chiến Syria".
Sự can thiệp của Nga (thay mặt cho ông Assad) không chỉ tạo ra một vị thế kỳ lạ mà còn quy định một chiến lược ngắn hạn tốt nhất để giảm thiểu số lượng chiến binh IS trên đất Syria. Điều này sẽ giúp khôi phục lại sự ổn định ở nước này và cho phép chính phủ (dưới sự hỗ trợ quốc tế) giành lại quyền sử dụng lực lượng trong lãnh thổ của mình. Trong khi ông Obama vẫn còn từ chối xem xét lựa chọn này thì IS sẽ vẫn còn là một vấn đề tại Syria.
Cuối cùng, mặc dù ông Obama chắc chắn sẽ phải đối mặt với áp lực chính trị trong nước để nhấn mạnh vào cuộc chiến chống IS, thì có một thực tế đơn giản đó là: hành động quân sự (dù là của Nga, Mỹ hay Thổ Nhĩ Kỳ) đều không thể ngăn các cuộc tấn công khủng bố chống lại Mỹ trong tương lai. Điều quan trọng cần phải nhớ đó là IS nổi lên từ sự hỗn loạn trong hậu quả của Chiến tranh Iraq - chiến đấu nhiều hơn dường như không làm thay đổi các điều kiện dẫn tới sự gia tăng của nhóm này.
Hơn nữa, việc tiêu diệt tổ chức quân sự của IS ở Syria và Iraq cũng không thể ngăn chặn các cuộc tấn công như vụ Paris. Các cuộc tấn công Paris do công dân châu Âu thực hiện. Những kẻ này lấy cảm hứng từ IS. Dù Nga hay Thổ Nhĩ Kỳ có ném bom nhiều như thế nào thì cũng không thể ngăn nó xảy ra lần nữa. Vì thế, tốt hơn hết là Mỹ nên đứng ngoài lề tại Syria và tập trung đảm bảo các biện pháp an ninh tại quê nhà cũng như mạng lưới tình báo hiệu quả để ngăn những vụ tấn công khủng bố như vụ 11/9.
Bảo Linh (theo Time)