Tại Hải Phòng, khi nói đến Cu Nên, người biết chuyện giang hồ thường gắn với Cu Lý. Cu Lý thực chất là người như thế nào vẫn luôn là ẩn số, nhưng theo giới giang hồ thì không có Cu Lý thì làm sao có Cu Nên.
Thực hư chuyện này thế nào, cu Nên đã ảnh hưởng gì từ Cu Lý? Vì sao Cu Nên bị bắt, bị “dựa cột” mà Cu Lý vẫn sống ung dung ngoài đời? Những cuộc “nổi loạn” để “soán ngôi” giang hồ của Cu Nên, có dính dáng gì đến Cu Lý?
Cu Lý, Cu Nên và tình huynh đệ
Người anh xã hội nói với tôi rằng, chuyện về Cu Lý mang tính đồn thổi, thật - giả nhiều hơn, bởi bản thân “hắn” không va chạm với pháp luật. Người ta nhắc tới Cu Lý, vì nó gắn với tên tuổi của Cu Nên. Theo giang hồ, Cu Lý cũng là dân giang hồ, nhưng khác hoàn toàn so với Cu Nên, người anh em kết nghĩa của mình. Giới giang hồ biết đến Cu Lý bởi cái tài đánh bạc “dọc ngang, tung hoành” nhưng hành xử thì không ngỗ ngược. Dù là em nhưng giới giang hồ vẫn khẳng định rằng, không có thằng em Lý thì không có tên tuổi Cu Nên trong “lịch sử tội phạm” đất Cảng.
Thời Cu Nên đang là một tên cướp vặt hay còn gọi là “ong ve” ở ngoài đường, chưa có “số má” trong giới giang hồ, bị một đám thanh niên du đãng ở vỉa hè xông vào đánh, đã lĩnh đủ và thấm thế nào là đòn hội đồng. Tất nhiên, đó là thời kỳ mới bước chân vào giới giang hồ. Ai cũng biết, Nên đẹp trai, cao to, có vẻ mặt lạnh... Chứng kiến cảnh trên, thấy bất bình, một mình một dao, Cu Lý xông vào đám du đãng, đánh, chém... lôi Cu Nên ra khỏi đám du đãng đánh hội đồng ấy và họ kết nghĩa anh em từ đó.
Xóc đĩa là “trò chơi” mà Cu Lý rất yêu thích.
Thế nhưng, chuyện nực cười sau khi kết nghĩa anh em là có thông tin rằng, Cu Lý chứng kiến một trận đánh nhau giữa đám trẻ con (cắp sách tới trường): Hai bên hùng hổ lao vào nhau, túm tóc, chơi đủ đòn xấu như cắn, cấu. Sau chừng 5 phút, mệt quá buông nhau ra, kẻ bị “ăn” nhiều đòn hơn nức nở hét lên: "Mai tao gọi Cu Nên đến giết cả nhà mày!". Kẻ yếu thắt lại khăn quàng đỏ, cầm cặp sách đi mất. Cu Lý phát hiện ra, thời ấy, đối với khá nhiều người lớn và cả trẻ em ở Hải Phòng, Cu Nên là một cái tên cực kỳ đáng sợ nhưng chẳng hiểu sao vẫn phải chịu cảnh bị “đòn hội đồng”?
Chém “đệ” xong, Nên bắt “đệ” khác đưa đi điều trị vết thương, còn mình thì kéo quân đi “hỏi tội” đối phương. Bác này cũng cho hay, riêng với một người là Cu Lý thì bao giờ Nên cũng thể hiện sự kính trọng làm đám đệ tử cảm thấy khó hiểu. Thực tế, Cu Lý chưa bao giờ “dựa bóng” Cu Nên để tư lợi cá nhân. Cu Lý được mệnh danh là “con ma bạc” nhưng chưa bao giờ xin hay đánh bạc ở những sới mà Cu Nên “bảo kê”.
Cũng theo bác xích lô già biết xem tướng số này, thời điểm Nên cho đàn em mang súng đến nhà “ông trùm” Lâm “già” nã đạn, bị cơ quan công an phát hiện, điều tra. Lúc đó, Cu Lý đã ra khỏi sự ảnh hưởng, quan tâm của Nên. Nên đã thừa nhận với ông rằng: Câu nói của Lý, hợp thì sống, chống thì chết, thật đúng. Có nghĩa là, trước đó, Cu Lý, từng khuyên Cu Nên: Thế chân kiềng trong giang hồ đất Cảng ngày ấy là Nên – Dung – Lâm cần phải hợp nhau lại, phân chia lãnh địa “quản lý”, đừng tranh giành nhau thì “sống khoẻ”; “chống nhau” thì kết cục là cái chết.
Tuy nhiên, việc tranh giành lợi ích, các hoạt động phạm pháp, kết cục "ngã ngựa" của những của những “ông, bà trùm” định danh giang hồ đất Cảng là tất yếu, dù chúng có hợp nhau lại đi chăng nữa.
Tên giang hồ sát gái?
Nhờ rất nhiều mối quan hệ, tôi mới có được nội dung blog của người tự nhận là cháu gái người tình của Cu Lý. Blog viết: Cu Lý nhìn thư sinh, khá đẹp trai và lãng tử. Cu Lý là tên giang hồ sát gái số 1 Hải Phòng ngày ấy. Trái ngược với vẻ bề ngoài thư sinh, Cu Lý cực lì lợm và ma mãnh. Người duy nhất mà Cu Nên nể trọng và thân thiết trong giới giang hồ là Cu Lý.
Lý được biết tới nhiều nhất trên “lĩnh vực cờ bạc”. Lý là một trong những con bạc khét tiếng, cả về độ máu mê và cách chơi. Những chuyện đồn đại về Lý chủ yếu là từ những chiếu bạc khắp miền Bắc. Ở “chiếu trên” của giang hồ Hải Phòng, nhưng trên chiếu bạc, Lý không phân biệt. Chơi thua, thắng gì cũng chung sòng phẳng, không cay cú, không tiểu xảo, dù cái này Lý có thừa. Một điều đặc biệt khác làm dân cờ bạc luôn thích được Cu Lý ghé sòng - đó chính là sự an toàn. Bởi không kẻ nào gan to tới mức, dám cướp sòng Lý đang chơi.
Một lần, Lý đánh bạc ở một sòng khá lớn. Dây đỏ, Lý “đánh sập sòng”, nhà cái xòe tay xin thua. Đánh chưa đã, Lý quẳng tiền cho nhà cái mượn, "cho mày gỡ với anh". Con bạc cho nhà cái mượn tiền đánh với mình, xưa nay chỉ có mỗi Cu Lý làm được việc đó. Nên được “ăn sái” cờ bạc của Lý rất nhiều. Nhiều giang hồ nói rằng, chính Lý dạy cho Nên cách đánh bạc, quản lý sòng bạc, thu tẩy, thu “xâu”... Lý hết mực khuyên can Nên dừng những hành động ngông cuồng, đừng dao kiếm, hàng “nóng”, đừng đánh, chém, giết... để khỏi phải trả giá. Nên không nghe, bởi theo Nên chỉ có “huyết chiến” mới độc tôn địa vị trong giang hồ và ngồi đó “thu tô” được. Chán, Lý bỏ đi, chơi “món” cờ bạc yêu thích. Sa đà, thuốc phiện... Trong lúc Nên bị bắt thì Lý đi cai nghiện nhưng bất thành. Sau đó, giang hồ đồn rằng, Lý “chơi” lại ma tuý và sốc thuốc rồi chết. Thế nhưng, nhiều nguồn tin giang hồ lại cho hay, Cu Lý chưa chết, hiện đang định cư ở nước ngoài?! Thực hư cũng chẳng ai rõ.
Những cuộc đối đầu và trả giá
Thời đó, Lâm “già” hay Dung “Hà” đều “một cõi” đi về. Họ không đụng đến nhau vì biết về nhau quá rõ. Nhưng, Nên thì không. Nên liên tục gây ra những cuộc đụng độ với mọi bên. Cướp sòng bạc do Dung “Hà” bảo kê; đánh người của Lâm, phá các mối làm ăn của Lâm.
Thấy Lâm và Dung không thèm chấp, Nên càng bực và gây thanh thế từ những lý do nhỏ nhất. Cùng vào tù ra tội, cùng chiến tích đầy mình như nhau, khi bị “chơi” thái quá, Dung “Hà” đã cho đệ đến chuyển thông điệp rõ ràng với Nên: “Đất có thổ công, sông có Hà bá”. Ai có phận của người đó, lộc đến đâu, hưởng đến đó. Cái giá của việc cướp lộc, lấn sân… là rất tàn khốc. Vì “tuyên bố” trên, Nên thấy “chờn”, thế là chuyển hướng cướp sòng bạc sang địa bàn khác là Thuỷ Nguyên và chỉ cướp ở những sòng mà nên biết không có sự bảo kê của Dung.
Theo báo Đời sống và Pháp luật