Tình giam lỏng “miếng mồi” xinh đẹp cả đêm để gây án tới bốn lần. Nhiều ngày đã trôi qua nhưng nạn nhân vẫn co rúm người sợ hãi khi nhắc đến đêm kinh hoàng ấy.
Sau khi dự đám cưới trong xã, Nguyễn Hữu Tình (sinh năm 1996, trú tại xã Liên Trạch, huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình) lấy xe máy ra về. Thấy Tình đi một mình, chủ nhà tiện thể xin cho cháu Nguyễn Nữ Hoài (16 tuổi, đang học lớp chín, cũng mới dự đám cưới này xong) quá giang đoạn đường. Thấy Hoài phổng phao xinh xắn, Tình nổi “máu dê”, phi thẳng xe về ngôi nhà vắng vẻ của ông bà ngoại. Cô gái đang ngơ ngác chưa hiểu chuyện gì xảy ra thì bị Tình bất ngờ một tay kẹp cổ, một tay lôi xềnh xệch vào phòng, chốt chặt cửa, khống chế để “hành sự”. Tình giam lỏng “miếng mồi” xinh đẹp cả đêm để gây án tới bốn lần. Nhiều ngày đã trôi qua nhưng nạn nhân vẫn co rúm người sợ hãi khi nhắc đến đêm kinh hoàng ấy.
Ảnh minh họa |
Người cậu họ vô tình gửi cháu gái vào tay “yêu râu xanh”
Vừa đến địa phận xã Liên Trạch, hỏi nhà Nguyễn Hữu Tình “bị công an bắt”, bà chủ quán nước bên vệ đường nhanh nhảu kể tội: “À cái thằng hiếp dâm con bé bốn lần trong một đêm đó hả? Hắn không có cha, mẹ đi làm ăn bên Ma Cao, Trung Quốc gì đó. Hắn ở nhà ông bà ngoại. Tưởng ai chứ cái thằng đó, công an bắt đi cho xóm làng được nhờ. Hắn đi đâu thì chớ, chứ hễ có mặt ở nhà là thôn xóm ai cũng nơm nớp, không mất thứ này cũng “bốc khói” thứ kia”.
Theo chỉ dẫn cặn kẽ của bà bán hàng nước, chúng tôi nhanh chóng tìm được nhà ông bà ngoại Tình. Có tới ba căn nhà liền nhau trong khuôn viên đất rộng rãi. Tuy nhiên, có vẻ gì đó lạnh lẽo, thiếu vắng “hơi người”. Mãi một lúc sau, người phụ nữ đang lúi húi dọn dẹp trong căn bếp, ra sân chào khách bằng thái độ dè dặt. Chị cho biết, chị là Mai Thị Thiêm mợ của Tình (vợ em trai ruột của mẹ Tình). Hiện ông Ngoại tình (84 tuổi) đau ốm, đang điều trị dài ngày tại Bệnh viện Việt Nam Cu Ba (thành phố Đồng Hới, tỉnh Quảng Bình). Bà ngoại Tình (80 tuổi) theo chăm chồng tại bệnh viện. Nhà không có ai nên thỉnh thoảng các con dâu đến dọn dẹp.
Theo lời kể của chị Thiêm: Nạn nhân Hoài mới từ nơi khác chuyển về địa phương sống. Cả Tình và cháu Hoài đều có họ hàng với gia chủ đám cưới. Đứa có họ với bên nội, đứa kia có họ với bên ngoại gia đình này. Có lẽ, tin tưởng vào mối quan hệ đó, nên chủ nhà mới vô tư nhờ Tình chở giúp Hoài về mà không hề ngờ mình đã “gửi trứng cho ác”.
Chị Thiêm biện minh cho cháu: “Tình và Hoài cũng có quen biết nhau. Có lần tôi thấy cả Tình và Hoài cùng đạp xe đi chung trong một đám bạn. Còn sự việc hôm đó chúng tôi cũng bất ngờ. Tình chở Hoài về nhà đúng lúc cha mẹ chồng tôi (tức ông bà ngoại Tình - NV) đi vắng. Già, mắt mờ tai điếc, cái gì xảy ra trong phòng cháu, ông bà đâu có biết. Nấu cơm tối xong, bà ngoại đến trước cửa phòng, gọi cháu ra ăn. Tình nói vọng ra “cháu say rượu, cháu ngủ, đừng gọi”. Đến 8 giờ tối tôi vào gõ cửa, không thấy Tình nói gì. Nghĩ Tình đã ngủ, tôi đi ra, ngồi chơi với cha mẹ chồng thêm một lát nữa, rồi về nhà mình ngủ”.
Chị kể tiếp: “Hôm sau, tôi lại đến nhà cha mẹ chồng, nghe ông bà nói thằng Tình vẫn ngủ chưa dậy. Đến trưa, tôi lại vào phòng Tình, gọi nó dậy ăn cơm. Lần này, nhìn qua khe cửa, tôi thấy dưới tấm chăn có người đang quẫy. Tôi chỉ là mợ, mà thằng Tình cũng đã lớn, thanh niên rồi. Tôi ngại xâm phạm chốn riêng tư của nó nên ra ngoài. Hôm sau, một người quen trong xã “chặn đường” hỏi vì sao thằng Tình lại có “hành động đó”, để đến nỗi gia đình Hoài “vác” đơn đi kiện, tôi mới tá hỏa. Về nhà cha mẹ chồng, thì mới hay Tình đã bị công an bắt”.
Thủ phạm thiếu sự giáo dục của cha mẹ
Trở lại thời gian buổi sáng sau khi gửi cháu, không thấy cháu về, người cậu là gia chủ đám cưới mới đến nhà ông bà ngoại Tình để tìm. Nhìn qua khe cửa sổ chỉ thấy một đôi giày, một dây buộc tóc và trên giường là tấm chăn phủ kín mặt người nằm, ông này bán tín bán nghi, “phản ánh” với bà ngoại Tình. Bà ngoại Tình bảo, sao anh không vào lôi ra mà đánh, thì ông cậu này cho rằng, “hiện trường” không phải là nhà ông nên ông không thể tự tiện xông vào được.
Nói về hoàn cảnh Nguyễn Hữu Tình, nhiều người dân địa phương, có người tỏ ra tội nghiệp, cũng nhiều người lắc đầu ngao ngán. Số phận Tình không được may mắn như những đứa trẻ đồng trang lứa khác. Cha mẹ li hôn từ khi Tình còn đỏ hỏn. Cha bỏ đi biệt tích rồi lấy vợ khác. Mẹ chán nản, cũng bỏ làng phiêu bạt làm ăn. Người đàn bà kém may mắn đó bôn ba khắp nơi từ Sài Gòn, Hà Nội, cho đến Trung Quốc, Ma Cao... để kiếm tiền gửi về nuôi con. Thiếu thốn sự quản lý, chăm sóc bảo ban của cha mẹ, Tình sống tự do, lêu lổng. Vì vậy, Tình bỏ học sớm, thường xuyên tụ tập, đàn đúm, rượu chè… “Hắn không hề ý thức đồng tiền mẹ hắn kiếm được là rất khó nhọc, phải đổ nhiều mồ hôi, nước mắt. Hắn chỉ ỷ có tiền mẹ gửi về, nên mặc nhiên cho mình cái quyền ăn chơi, phá phách. Ông bà ngoại hắn già rồi, cũng đành bất lực thôi”. Một người dân địa phương nhận xét.
Đứa cháu bị bắt đã hơn hai tháng, ngôi nhà của ông bà ngoại Tình vốn đã yên ắng nay càng thêm hoang vắng, lạnh lẽo. Nhà không cửa ngõ, trống hoang trống hoách, thông thống từ ngoài vào trong. Chị Thiêm thở dài: “Hôm thằng Tình bị bắt, ngoài đường thì xe công an, trước đó một lúc, xe bệnh viện đang chờ để đưa ông vào bệnh viện ở thành phố Đồng Hới. Không ai dám kể chuyện thằng Tình cho ông biết, sợ ông buồn, sốc, xảy ra chuyện chẳng lành. Đã vậy, nhà có của nả gì đâu mà sợ mất, ngày cũng như đêm cứ thả vậy thôi. Anh chị em trong nhà cắt cử thay nhau vào bệnh viện chăm sóc ông bà. Lát nữa, tôi cũng phải ra ga, “bắt” tàu vào Đồng Hới, đến bệnh viện”.
Nạn nhân thiếu kỹ năng sống
Theo lời kể của người dân trong xã và chị Thiêm thì hoàn cảnh gia đình của cháu Hoài cũng “éo le” không kém gì Tình. Cha mẹ Hoài cũng ly hôn. Hoài sống với người cậu ở Đắk Lắk, mới ra tá túc tại nhà dì ruột tên Phương ở xã Liên Trạch chưa lâu. Dì của Hoài cũng vắng nhà đi làm ăn xa suốt, để con trai nhỏ và đứa cháu gái chăm sóc lẫn nhau.
Hoàn cảnh Hoài sống với dì như vậy, nên khi Tình bị bắt, gia đình Tình qua tận nhà chị Phương thương lượng. “Chị Phương đòi gia đình tôi bồi thường danh dự cho Hoài 40 triệu đồng, chị ấy và Hoài sẽ làm đơn xin giảm mức án cho Tình. Gia đình tôi bàn bạc với mẹ Tình nhất trí, nếu Tình được “trắng án”, không phải ra trước pháp luật thì sẵn sàng chấp nhận đưa số tiền trên. Tuy nhiên, gia đình tôi cũng có tìm hiểu về luật pháp, được biết Tình vẫn phải ở tù, đơn bãi nại của bên bị hại cũng chỉ giảm nhẹ mức án thôi. Nên thôi”. Chị Thiêm nói. Người phụ nữ này còn cho biết, muốn gặp được chị Phương, dì ruột của cháu Hoài không phải dễ. Đến nhà thì ít khi chị Phương có nhà, còn gọi điện thoại nhiều khi chị Phương không nghe máy.
Quả nhiên, trong ngôi nhà tềnh toàng nằm cuối thôn, chỉ có Hoài và đứa em họ (con trai chị Phương) đang học lớp sáu. Đã trưa, nhưng đứa em vẫn chưa được ăn cơm, vì Hoài ốm nằm vùi. Hoài có đôi mắt to, nước da trắng trẻo hồng hào. Mái tóc tém ôm gương mặt thanh thoát càng làm nổi bật vẻ xinh xắn. Giọng Hoài buồn buồn: “Ba mẹ cháu bỏ nhau, mẹ cháu làm thuê ở Sài Gòn nên từ lúc còn nhỏ cháu sống với gia đình cậu ruột ở Đắk Lắk. Cháu không biết cha là ai, đang ở đâu. Chỉ có mẹ mỗi dịp tết lại về Đắk Lắk thăm cháu. Cháu mới chuyển ra đây sống với dì. Dì cháu cũng đi bán hàng thuê ở tỉnh Quảng Trị, thỉnh thoảng mới về nhà. Việc mua đồ ăn hàng ngày cháu được một dì khác ở gần nhà giúp giùm. Còn cháu đi học về tự nấu ăn, hai chị em ăn với nhau”.
Theo lời kể của Hoài, vừa mới chân ướt chân ráo ra quê học, bạn bè chưa quen nhiều. Hoài chỉ biết mặt Tình qua một lần đi chung với một nhóm bạn, nhưng chưa hề bắt chuyện. Hỏi Hoài vì sao bị Tình lôi vào phòng giữa ban ngày ban mặt như vậy, rồi suốt cả một đêm, đến tận trưa hôm sau để làm hại, mà không la lên kêu cứu? Hoài co rúm người khi nhớ lại thời gian mà cô bé cho là kinh hoàng và rất đáng sợ, nhưng lại thật thà bảo: “Hắn (chỉ Tình) vừa kẹp cổ, vừa bịt miệng cháu, mà mấy hôm đó cháu khản giọng nói không ra tiếng nữa. Hắn uy hiếp cháu, bắt cháu nằm ở trên giường rồi trùm chăn kín lại. Suốt cả đêm hôm đó, nhiều lần cháu cố tình nói thật to để mọi người biết có cháu ở trong phòng, nhưng không ai nghe thấy. Hôm sau, khi nghe tiếng cậu đi tìm, cháu cũng đã cố ý nói to cho cậu nghe, nhưng bị hắn bịt miệng. Khi người nhà vào gọi Tình ra ăn cơm, vừa bị Tình khống chế nhưng cháu cũng vừa sợ người nhà Tình phát hiện ra cháu, sẽ đánh giá con gái mà ngủ qua đêm trong phòng con trai nên cũng đành im lặng luôn”.
Hỏi: “Thế sao cháu trốn về được?”. Một lần nữa, cô bé thật thà đến ngờ ngệch: “Đến trưa, cháu hỏi Tình: Giờ đã cho về được chưa? Tình im lặng không nói gì nên cháu mở cửa hông, đi đằng sau núi vì sợ mọi người thấy. Cháu vừa sợ vừa xấu hổ, nhưng cũng phải mách với dì. Dì và cháu làm đơn tố cáo hắn. Thời gian này đến trường học, nhiều bạn xầm xì bàn tán, khiến cháu sốc và chán nản lắm. Nhưng cháu cũng đành im lặng chịu đựng, chờ lúc công an giải quyết xong”.
Hỏi: “Mẹ cháu biết chuyện có phản ứng gì không?”. Hoài ngậm ngùi: “Mẹ điện thoại động viên cháu cố gắng vượt qua để tiếp tục học hành. Mọi việc mẹ và dì Phương sẽ lo”. Hỏi: “Nếu gia đình Tình bồi thường cho cháu một số tiền lớn cháu có đồng ý bãi nại không?”. Hoài trả lời quả quyết, “như trong sách”: “Dạ không, tiền bạc không quan trọng với cháu mà danh dự quan trọng hơn. Cháu muốn danh dự của cháu phải được đền bù. Tình phải bị pháp luật trừng trị đích đáng”. Phải chăng người lớn không dạy Kỹ năng sống cho cháu ngày thường, nhưng khi “có việc” thì đã kịp thời “đào tạo” nhanh những lời lẽ “người lớn” như thế.
Cả thủ phạm và nạn nhân đều có hoàn cảnh đáng thương như nhau: Cha mẹ li hôn nhau khi cả hai còn quá nhỏ. Cha bỏ rơi đã đành, mẹ do phải bươn chải xa xôi để kiếm tiền, cũng không gần gũi, chăm sóc, giáo dục con. Khi hai người mẹ đang mải miết làm ăn đâu đó ở trong nước hay nước ngoài; thì con của họ, kẻ vướng vào vòng lao lý, người đang phải trải qua chấn thương trầm trọng về thể xác và tinh thần. Cả hai đều thiếu hiểu biết về luật pháp, thiếu kỹ năng sống, là con đường ngắn nhất đến phạm tội hoặc phải hứng chịu nhiều hậu quả đáng tiếc. Câu chuyện thật buồn. Thật xót xa!
(Tên nạn nhân đã được thay đổi).
Nguồn: Xa lộ pháp luật