Joe Quililan, một người bắt rắn trẻ sống tại Philippines, được mệnh danh là “Venom Man” vì thói quen khá đặc biệt của anh, cho rắn độc cắn mỗi tuần để tăng sức đề kháng trước nọc độc của chúng.
Quililan, 31 tuổi đến từ thành phố Cagayan de Oro lần đầu tiên bắt được rắn hổ mang Bắc Philippines vào năm anh 14 tuổi. Hồi đó, anh không có nhiều kinh nghiệm bắt rắn như bây giờ. Do đó đến một ngày anh bị rắn độc cắn. Nhưng thay vì đến bệnh viện, anh chàng quyết định chỉ lau sạch vết cắn và coi như chưa hề có chuyện gì xảy ra.
Đa số trường hợp bị rắn độc cắn như vậy sẽ trở nên hôn mê, khó thở, tiếp đó là mất ý thức và chết. Nhưng trường hợp của Quililan vô cùng đặc biệt. Ngay trong lần đầu tiên bị rắn cắn, anh đã nhận ra, bản thân có khả năng kháng nọc rắn hổ mang.
Từ đó trở đi, Quililan quyết định đặt mục tiêu trở thành người miễn dịch với nọc độc của rắn, mặc dù hành trình đó không hề dễ dàng chút nào. Trong suốt những năm qua, Quililan đã phải chịu hàng trăm vết rắn cắn. Một vài lần trong số đó, anh buộc phải vào bệnh viện để điều trị. Thậm chí đã có 5 lần, Quililan tiệm cận với cái chết và bị cắt cụt ngón tay sau vết cắn của rắn.
Tuy nhiên Quililan vẫn quyết không bỏ cuộc. Anh chia sẻ: “Tôi không thể tránh gặp những con rắn hoang dã hung dữ và tôi đã có 5 lần vào viện nhưng vết cắn làm tôi dường như miễn dịch hơn với nọc độc”.
Để tăng sức đề kháng, Quililan quyết định cho rắn cắn đều đặn mỗi tuần một lần. Đặc biệt có lúc, anh còn tiêm vào cơ thể một lượng nhỏ nọc độc cứ mỗi 3 tuần/lần. Thói quen có phần kỳ dị này không chỉ giúp anh miễn dịch được với nọc độc mà còn được chính Quililan khẳng định, giúp cơ thể anh trở nên mạnh khỏe hơn.
Quililan đã từng gửi máu tới Viện nghiên cứu Y học nhiệt đới Philippines để nghiên cứu. Kết quả phân tích cho thấy, kháng thể trong máu của anh có thể trung hòa được nọc độc của rắn hổ mang.
Eleonor Cervantes, một chuyên gia nghiên cứu chia sẻ: "Chúng tôi phát hiện thấy, Joe thực sự có kháng thể chống nọc rắn hổ mang. Nhưng không rõ ở nồng độ bao nhiêu, máu của anh ta có thể trung hòa được nọc độc. Chúng tôi vẫn chưa thể chắc chắn. Đây là lần đầu tiên chúng tôi tìm thấy một người có thể làm được điều đó”.
Quililan từng làm tại một cửa hàng thú nuôi ở Cagayan de Oro. Mới đây, anh đã quyết định chuyển sang làm tại Bộ Tài nguyên và Môi trường Philippines với mong muốn bảo tồn loài rắn, sử dụng khả năng kháng nọc độc của bản thân để giáo dục cho con người về loài rắn và vai trò quan trọng của chúng trong tự nhiên.
Joe Quililan không phải là người đầu tiên sử dụng phương pháp đau đớn và nguy hiểm này để tăng cường khả năng miễn dịch với nọc rắn. Tim Friede, một người đam mê rắn sống tại Mỹ từng tuyên khẳng định đã tiêm nọc độc rắn pha loãng để tăng khả năng miễn dịch với chất độc.
Thiên Long