Ông lão vẫn khỏe mạnh như những người bình thường khác nhưng đôi bàn chân, tay của ông tổng cộng có đến 26 ngón. Ông tên là Cao Văn Thành (Hai Thành, 82 tuổi, tạm trú tại xã Tây Phú, huyện Thoại Sơn, tỉnh An Giang).
Hiện ông Hai Thành đang tá túc trong nhà chờ tại bến phà Ô Môi thuộc phường Mỹ Long, TP Long Xuyên, tỉnh An Giang và sống nhờ vào sự chia sẻ của những người qua lại nơi đây.
Đôi bàn chân “khủng” của lão Hai Thành có đến 4 ngón cái và 4 ngón út vì nó rất giống nhau. |
Theo lời kể của bà Lê Hồng Hảo, một tiểu thương ở khu vực phà Ô Môi, hoàn cảnh của ông lão thật đáng thương. Ngay sau khi vợ qua đời, ông lặn lội từ huyện Thoại Sơn ra đây để xin ăn đã được hơn một năm và chọn nhà chờ khách tại bến phà này làm chỗ nghỉ ngơi. Mọi người xung quanh thấy vậy nên cũng thay phiên nhau lo cho ông mọi việc từ tắm rửa, giặt giũ quần áo hoặc chạy chữa thuốc thang mỗi khi “trái gió trở trời”. Riêng về số tiền mà ông xin được mỗi ngày đều do đại diện bến phà Ô Môi đứng ra kiểm đếm rồi công khai cất giữ với sự chứng kiến của nhiều người. Cũng theo bà Hảo, việc cất giữ tiền như thế này là nhằm tránh tình trạng “bọn ác” dóm ngó và gây nguy hiểm cho ông.
Đôi bàn tay của lão Hai Thành có thêm 2 ngón nằm kề phía sau các ngón út |
Nói về đôi bàn chân, tay lạ của mình, ông lão cho biết ông là thế hệ thứ 3 trong gia đình có đến 14 ngón chân và 12 ngón tay khá dị thường. Tuy nhiên, 3 người con (đã mất từ nhỏ) của ông thì lại không có hiện tượng kỳ lạ như thế này.
Theo quan sát của chúng tôi, đôi bàn chân của ông lão dường như có đến 4 ngón cái và 4 ngón út vì nó rất giống nhau. Trong khi đó, ở mỗi bên bàn tay ông lão xuất hiện thêm 1 ngón phía sau ngón út. Tuy nhiên, ông lão cho rằng nó không gây khó khăn gì trong sinh hoạt hằng ngày của mình. Thậm chí khi còn trẻ, chính bàn chân nhiều ngón này còn giúp ông leo trèo rất giỏi để bẻ dừa thuê hoặc cất nhà cho hàng xóm.
Lão Hai Thành rất muốn được đi dép nhưng rất khó có nơi nào sản xuất ra đôi dép phù hợp với đôi bàn chân quá to của lão |
Khi mọi người xung quanh gợi ý ông nên vào trung tâm dưỡng lão để có bạn già tâm sự thì ông lại một mực từ chối rồi nói: “Ở đây tôi đã có cô Năm (chủ quán cà phê trong nhà chờ khách phà Ô Môi-PV) lo cho hết rồi. Tôi sợ vô đó rồi người ta không cho tôi về nhà để thăm mồ mả vợ con”.