Cả một bầu trời rợp bóng bay đủ màu sắc sặc sỡ hẳn sẽ là một cảnh tượng hoành tráng tuyệt đẹp hiếm thấy. Ít ai ngờ chỉ một thời gian ngắn sau đó, hàng triệu quả bóng bay này đã “tàn phá” toàn bộ khu vực dân cư xung quanh đó, gây ra những thiệt hại nặng nề về cả người lẫn tiền bạc.
Ngày 27/9/1986, người dân tại thành phố Cleveland, bang Ohio, Mỹ, đã vô cùng phấn khởi chào đón một sự kiện dự tính sẽ tạo nên một kỷ lục thế giới mới. Đó chính là lễ hội bóng bay Balloonfest, được tổ chức phi lợi nhuận United Way thực hiện nhằm gây quỹ Từ thiện, đồng thời họ cũng muốn phá vỡ kỷ lục trước đó bằng cách thả lên trời cùng lúc 2 triệu quả bóng bay.
Khoảng 1,5 triệu quả bóng bay được thả lên trời để xác lập kỷ lục thế giới.
Khung cảnh tuyệt đẹp đến nín thở khi hàng triệu quả bóng tung bay lên bầu trời.
Hoạt động này đã thu hút đến 2.500 tình nguyện viên tập hợp tại trung tâm quảng trường Public Square, tham gia vào công tác chuẩn bị. Họ ngày đêm bơm bong bóng bằng khí heli rồi cho tất cả vào một tấm lưới trùm khổng lồ. Do tình hình thời tiết không được khả quan, dự báo sẽ có mưa bão nên ban tổ chức Balloonfest đã quyết định dời thời điểm thả bóng bay lên sớm hơn và rút số bóng lại chỉ còn khoảng 1,5 triệu quả.
Nhìn từ xa, những quả bóng bay như thể tạo ra một vụ nổ đầy màu sắc.
Buổi chiều ngày hôm ấy, tấm lưới trùm bóng được tháo ra, hàng triệu quả bóng bay sặc sỡ túa lên bầu trời tạo nên một khung cảnh đẹp tuyệt vời. Đáng tiếc thay, chỉ một vài tiếng sau đó, số bóng bay này đã nhanh chóng biến thành một thảm họa “trên trời rơi xuống” khó quên đối với toàn thể người dân tại thành phố Cleveland.
Số bóng bay lên trời nhanh chóng bị dập lại xuống đất do ảnh hưởng của mưa bão.
Thời tiết xấu, mưa và gió lớn đã kéo đến làm cho những quả bóng bay bị đẩy ngược lại xuống mặt đất, một số bóng thì vẫn lơ lửng trong không trung. Trong phút chốc, toàn bộ khu vực thành phố đã đặc nghẹt trong bóng bay, gây ra những hậu quả khá nghiêm trọng.
Khu vực Cleveland bị phong tỏa bởi bóng bay từ trên trời xuống dưới đất.
Trong khoảng 30 phút liền, sân bay Burke Lakefront đã phải tạm dừng toàn bộ chuyến bay vì bong bóng cản tầm nhìn. Một số vụ tai nạn xe hơi đã xảy ra do các tài xế phải liên tục tránh các quả bóng trong lúc di chuyển trên đường. Những lời khiếu nại liên tiếp từ người dân dồn dập kéo đến do những quả bóng bay gây tắc nghẽn giao thông cả đường thủy lẫn đường bộ. Lời khiếu nại không chỉ trong khu vực Cleveland mà còn đến từ tận Canada khi một lượng bóng lớn bị thổi bay sang khu vực hồ Erie của nước này.
Số lượng bóng bay khổng lồ đã làm cho lực lượng cứu hộ gặp khó khăn khi tìm kiếm các nạn nhân mất tích, gây ra cái chết thương tâm của 2 ngư dân.
Nghiêm trọng hơn nữa, trước đó một ngày, hai ngư dân Raymond Broderick và Bernard Sulzer đã bị mất tích và tính mạng của họ nghìn cân treo sợi tóc. Tuy nhiên cũng vì “cơn mưa” bóng bay trút xuống đã làm cho công tác cứu hộ bị đình trệ, dẫn đến cái chết oan uổng của hai nạn nhân. Cái chết của hai ngư dân đã dẫn đến một vụ kiện 3,2 triệu đô do vợ của họ đệ đơn chống lại United Way hai năm sau đó. Vụ kiện đã được giải quyết bằng một khoản tiền bồi thường không được tiết lộ.
Một vụ kiện khác đối với “thảm họa” bóng bay của United Way là do bà Louise Nowakowsk đệ đơn với mức bồi thường 100.000 đô la. Bà cho biết khi bóng bay rơi xuống đồng cỏ của nhà bà tại khu vực quận Medina, Ohio, đã làm cho những chú ngựa của bà hoảng sợ tột độ, dẫn đến những chấn thương vĩnh viễn.
Phải mất nhiều tuần dọn dẹp sau đó người dân Cleveland mới thu gom được hết lượng bóng bay bị "xả" xuống thành phố.
Toàn bộ sự kiện gây quỹ thú vị tưởng chừng như sẽ mang lại lợi ích cho nhiều người đến cuối cùng lại kết thúc bằng những vụ kiện lên đến hàng triệu đô la, đồng thời công tác dọn dẹp bãi chiến trường bóng bay mệt mỏi và tốn kém phải kéo dài đến hàng tuần lễ sau đó. Tệ hơn nữa, chính vì Balloonfest khiến hai người bị mất mạng oan uổng, nhiều người khác bị thương và những thiệt hại vật chất không sao kể hết.
Jin.Q
Theo Helino/Trí thức trẻ