Nhiều người cho rằng, khi bước sang tuổi xế chiều thì hạnh phúc lớn nhất của con người là được chia sẻ niềm vui, sự thành công với con cháu.
Tình yêu là liều thuốc trường xuân quý giá cho tuổi già.Ảnh minh họa.
Tuy nhiên, quan niệm đó chỉ đúng một phần bởi ở độ tuổi nào thì con người cũng có những cảm xúc riêng, cũng cần sự yêu thương từ người khác giới; đặc biệt là ở xã hội hiện đại, khi những người trẻ luôn bị cuốn vào guồng máy bận rộn, dễ để cho bố mẹ cô đơn, buồn chán. Thực tế là vậy nhưng đôi khi, chính con cháu – những người không thể dành thời gian cho bố mẹ lại nhất định phản đối nhu cầu chính đáng về tình yêu của người cao tuổi. Theo các chuyên gia y tế và tâm lý, đây thực sự là một quan điểm, các ứng xử sai lầm.
Bị chính con cái can ngăn
Dù đã ở tuổi xế chiều, “một nửa” của mình đã “khuất núi” nhưng nhiều cụ vẫn nảy sinh tình cảm với người khác giới. Vì điều này, nhiều người đã bị con cháu lo lắng, thậm chí phản đối ra mặt. Nhiều trường hợp, các cụ đành phải bỏ ra ngoài để được sống với người yêu thương. Trường hợp của ông Mai Đức Mạnh (70 tuổi, Đông Ngạc, huyện Từ Liêm, Hà Nội) là một ví dụ. Ông có điều kiện kinh tế khá giả, con cháu đề huề nhưng vẫn không cảm thấy vui vẻ, thoải mái bởi người vợ đã nhiều năm khuất bóng. Thế rồi trong những buổi sinh hoạt ở câu lạc bộ dưỡng sinh, ông tình cờ quen bà Lại Thị Hòe, một người cùng cảnh ngộ và kém ông gần chục tuổi. Qua những buổi trò chuyện, hai người nhận thấy có nhiều điểm chung nên muốn kết duyên cùng nhau, để có người bầu bạn và chăm sóc lúc tuổi già. Tuy nhiên, mong muốn này của ông bà lập tức bị con cháu ông Mạnh phản đối kịch liệt vì cho rằng, ở cái tuổi thất thập mà ông còn kết hôn thì chẳng khác nào “làm trò cười cho thiên hạ”. Họ còn tìm mọi biện pháp cách ly ông với “đối tượng”, đồng thời ra sức khuyên can bố phải “giữ gìn” để không gây ảnh hưởng đến con cháu. Một bên là tình riêng, một bên là con cháu, ông Mạnh phải chọn giải pháp vào trại dưỡng lão để có cơ hội sống như ý mình. Ông chủ động đề nghị các con đưa vào trại dưỡng lão cho đỡ buồn nhưng kỳ thực là vì ông đã tìm được bạn tâm giao.
Tương tự, chuyện tình của cụ Nguyễn Văn Bánh (80 tuổi, trú tại phường Hồng Bàng, quận Hà Đông, TP. Hà Nội) với người vợ ít hơn 20 tuổi cũng rất cảm động. Giữa năm 2011 trong một lần đi tập thể dục, cụ Bánh gặp bà Cao Thị Lành (60 tuổi). Vẻ hiền hậu, đoan trang của bà Lành đã “hút hồn” cụ Bánh. Dần dà hai cụ làm quen và nói chuyện thân mật hơn. Kể từ đó, cụ ngày đêm “thầm thương, trộm nhớ” người phụ nữ này. Biết cụ Bánh có tình cảm đặc biệt với bà Lành nên lũ trẻ con trong xóm thường xuyên trêu đùa, gán ghép hai người với nhau. Con cháu cụ Bánh biết được, phản đối kịch liệt nhưng họ hàng của bà Lành lại tán thành chuyện tình cảm của bà với cụ ông 80 tuổi. Được sự ủng hộ đó, cụ Bánh mừng rỡ chuyển hẳn đến ở nhà bà Lành. Tuy nhiên, các con cụ Bánh vẫn không chịu, họ kéo đến nhà bà Lành ép cha về. Để con cháu không thể ngăn cản mình nữa, cụ Bánh quyết định ra xã đăng ký kết hôn với “người thương”. Cuối cùng, các con của cụ cũng đành chấp nhận một cách gượng ép.
“Con chăm cha không bằng bà chăm ông”
Cùng với sự cởi mở của xã hội, nhu cầu kết hôn, kết giao của người cao tuổi cũng có phần “thoáng” hơn. Tuy nhiên, suy nghĩ “già rồi chỉ cần con cháu là đủ” vẫn ăn sâu trong suy nghĩ của nhiều người trẻ và vô tình trở thành rào cản cho hạnh phúc cuối đời của các cụ. Thực tế, không phải ai cũng có đủ quyết tâm như ông Mạnh, cụ Bánh. Ths. BS tâm lý lâm sàng Đỗ Thị Thúy Anh lý giải: “Dù ở độ tuổi nào thì con người cũng có cảm xúc riêng. Vì thế, dù tuổi cao thì các cụ vẫn có nhu cầu được yêu thương, quan tâm chăm sóc và mong muốn có được hạnh phúc. Tuy nhiên, nhu cầu chính đáng này lại thường gặp phải sự phản đối của con trẻ như những trường hợp trên bởi nhiều lý do. Đầu tiên phải kể đến nguyên nhân về vấn đề kinh tế. Khi cha hoặc mẹ có thêm một người nữa thì con cái sợ tiền bạc bị tiêu tán. Ngay cả những đứa con không ham tiền bạc của cha/mẹ nhưng nếu tiền bạc bị tiêu tán thì gánh nặng tài chính vẫn sẽ đổ lên đầu họ. Ngày nay, chi phí y tế cho người cao tuổi vẫn là vấn đề lớn của xã hội. Về vấn đề sức khỏe, con cái sợ người già tiêu hao sức khỏe và điều này cũng luôn đúng, chưa kể các bệnh lý tiềm ẩn vốn đã rất phổ biến ở người già. Mặt khác, người ta cũng rất sợ sự đàm tiếu của bà con làng xóm. Điều đặc biệt là họ rất sợ phải chia sẻ tình cảm. Việc 2 người già đến với nhau kéo theo 2 gia đình với số lượng lớn người liên quan sẽ khác hẳn so với 2 người trẻ tuổi”.
“Tuy nhiên, chúng ta cần thấy được những cái lợi mà tình yêu người già mang lại cho nhau. Khoảng 150 năm nay, tuổi thọ trung bình không ngừng tăng thêm trong cộng đồng nhân loại: Nếu như năm 1850 là 40 tuổi, năm 1950 là 65 tuổi thì ngày nay, tuổi thọ trung bình đã vào khoảng 75-80 tuổi. Kể từ đó, suốt 50 năm qua, cùng với sự tiến bộ của y học, các dịch vụ chăm sóc sức khỏe và sự quan tâm của xã hội thì đời sống của người cao tuổi được cải thiện và dài lâu. 25 năm trước, nước Nhật chỉ có 1.000 cụ già sống thọ trên 100 tuổi thì nay, con số này tăng lên 2.800 người. So với các bậc cao niên ấy thì U70 vẫn chưa phải là già. Việc các cụ tìm được sự đồng cảm là niềm vui và là liều thuốc chống lão hóa hữu hiệu. Khi các cụ có dịp được gặp gỡ, trao đổi, tương tác thì các tế bào não được kích thích, hoạt hóa và sẽ tiết ra nhiều kích thích tố. Tuyến thượng thận tạo ra cortisol và epinephrine làm cho máu huyết lưu thông, xương cốt dẻo dai, hơi thở sâu, tinh thần phấn chấn, sảng khoái. Tuyến sinh dục tạo ra chất DHEA (dehydroepiandosterone) làm cho người ta trẻ lại. Nếu may mắn tìm được “nửa cuối” thì quả là một liều thuốc bổ mà không bác sĩ nào có thể kê toa được. Nhờ đó, các cụ có cơ hội sống lại với tình yêu như tuổi đôi mươi. Chuyện ông bà rủ nhau thường xuyên đi bộ tập dưỡng sinh và trò chuyện cũng là điều rất đáng khuyến khích. Bác sĩ Jay Olshansky thuộc Đại học Chicago khuyên: “Đi bộ là môn thuốc trường sinh tốt nhất và không tốn tiền”. Không cần phải tập luyện khó khăn mà chỉ cần đi bộ khoảng 30 phút mỗi ngày, đủ để tinh thần thoải mái, sáng suốt (tăng chất endorphins), tránh té ngã, tăng sức cơ bắp, xương cứng, tránh bị gãy cổ xương đùi – một trong những nguyên nhân gây tàn phế và tử vong ở người cao tuổi”, bác sĩ Thúy Anh cho biết.
Đồng tình với quan điểm của bác sĩ Thúy Anh, chuyên gia tâm lý Đinh Đoàn cho hay, nhiều người cho rằng, người cao tuổi nào kết hôn nghĩa là người đó còn ham hố “chuyện chăn gối” nhưng không hẳn như vậy. Nhu cầu có bạn già rất quan trọng bởi nỗi sợ lớn nhất của người cao tuổi là sự cô đơn. Tất nhiên, với một số cụ còn khỏe, nhu cầu vợ chồng cũng không có gì là xấu. Nếu những người con có lòng với cha mẹ đơn thân, họ muốn bù đắp cho cha mẹ đầy đủ về vật chất nhưng đôi khi lại quên rằng, “con chăm cha không bằng bà chăm ông”. Chính vì vậy, không có gì tuyệt vời hơn nếu người già có bạn tâm tình vào những năm tháng cuối đời. Nếu có cơ hội, các cụ đừng cố dập tắt, xua đuổi, không thừa nhận tình cảm và tự chụp cho mình cái mũ tuổi già dù trái tim vẫn còn “rực lửa” yêu thương. Con cháu cũng không được coi thường, không nói nặng lời, không phản đối kịch liệt hay hỗn hào khi nghe cha hay mẹ của mình muốn đi bước nữa. Bởi điều ấy không phạm luật, không vi phạm đạo đức hay văn hóa. Nếu thấy hai cụ còn khỏe, “xứng lứa vừa đôi” thì hãy tác thành cho họ nên vợ nên chồng, bởi không có liều thuốc trường xuân nào dành cho các cụ quý hơn tình yêu.
Để con cháu yên tâm khi đi bước nữa
Bác sĩ Thúy Anh cho biết thêm, nghiên cứu về lão khoa cho thấy, những liên hệ mật thiết với gia đình, bè bạn, người bạn đời hết sức quan trọng trong việc tránh chứng bệnh buồn chán, suy nhược thần kinh và tổn thọ, giúp các bậc cao niên có nơi nương tựa, sự tự tin và niềm vui sống. Nếu đi thêm bước nữa, những chuyến “phiêu lưu” tình tứ (chọn tư thế hợp lý và vấn đề “bôi trơn” được giải quyết thì còn hơn cả đi bộ, đánh cầu lông…) sẽ mang lại cho hai cụ những lợi ích về tinh thần, sức khỏe và cảm xúc.