Tin mới

Lộ diện nữ đại gia kiếm tiền giỏi hơn cả Phạm Nhật Vượng và bầu Đức năm 2014

Thứ tư, 18/02/2015, 07:46 (GMT+7)

Nữ đại gia Chu Thị Bình vừa là đại gia kiếm được nhiều tiền nhất năm Giáp Ngọ, vừa là người có tốc độ gia tăng tài sản mạnh nhất.

 

 

Nữ đại gia Chu Thị Bình vừa là đại gia kiếm được nhiều tiền nhất năm Giáp Ngọ, vừa là người có tốc độ gia tăng tài sản mạnh nhất.

Đại gia thủy sản bứt phá

Năm Giáp Ngọ không phải là năm mang lại tài lộc dồi dào cho các đại gia đứng đầu danh sách những người giàu nhất sàn chứng khoán Việt Nam. Tài sản của họ có tăng trưởng nhưng tốc độ đi lên vẫn khá khiêm tốn.

Hiện tại, ông Phạm Nhật Vượng, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn Vingroup vẫn vững vàng ở vị trí người giàu nhất sàn chứng khoán với khối tài sản lên tới tỷ đô.

Khi kết thúc năm Giáp Ngọ, khối tài sản của ông và các doanh nhân họ Phạm tăng lên chút ít khi cổ phiếu VIC chỉ tăng 500 đồng/CP lên 50.500 đồng/CP.

Tốc độ tăng khiêm tốn của VIC giúp ông Vượng có thêm 212 tỷ đồng vào tài khoản chứng khoán. Kết thúc phiên giao dịch cuối cùng của năm Giáp Ngọ (ngày 13/2), giá trị cổ phiếu VIC mà ông Vượng nắm giữ đạt 21.373 tỷ đồng.

Cùng lúc đó, bà Phạm Thu Hương, vợ ông Vượng, người phụ nữ giàu nhất sàn chứng khoán có thêm 36 tỷ đồng. Tài khoản của bà Phạm Thúy Hằng, Phó Chủ tịch Hội đồng quản trị Vingroup được cộng thêm 1,8 tỷ đồng.

Trong danh sách những người giàu nhất Việt Nam, ông Đoàn Nguyên Đức (bầu Đức) – Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai được nhắc tới nhiều nhất nhưng không phải là người kiếm tiền nhiều nhất năm Giáp Ngọ.

Trong năm 2014, cổ phiếu HAG chỉ tăng 2.400 đồng/CP lên 22.300 đồng/CP. HAG giúp bầu Đức giàu thêm 823 tỷ đồng. Bầu Đức đang là đại gia giàu thứ 2 trên thị trường chứng khoán. Khoảng cách giữa bầu Đức và ông Vượng vẫn khá xa vì hiện tại tài sản của bầu Đức đang là 7.644 tỷ đồng.

Ông Trần Đình Long, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn Hòa Phát là người may mắn nhất trong Top 3 người giàu nhất sàn chứng khoán khi cổ phiếu HPG tăng 10.600 đồng/CP lên 49.200 đồng/CP, tốc độ tăng mạnh hơn VIC và HAG.

Nhờ HPG, tài sản của ông Long phình thêm 1.232 tỷ đồng lên 5.718 tỷ đồng. Bầu Long còn giàu hơn nữa nếu tính cả lượng cổ phiếu do bà Vũ Thị Hiền, vợ bầu Long nắm giữ. Trong năm Giáp Ngọ, lượng cổ phiếu này tăng thêm 377 tỷ đồng. Nhờ mua vào lượng cổ phiếu HPG không nhỏ nên bà Hiền đã leo lên Top 10 người giàu nhất.

Nữ đại gia Chu Thị Bình vừa là đại gia kiếm được nhiều tiền nhất năm Giáp Ngọ, vừa là người có tốc độ gia tăng tài sản mạnh nhất.

MSN là blue-chip hiếm hoi đi lùi. Kết thúc năm Giáp Ngọ, MSN giảm 10.500 đồng/CP xuống 84.500 đồng/CP. MSN khiến các sếp lớn của Tập đoàn Masan hao hụt hàng trăm tỷ đồng.

Cụ thể, bà Nguyễn Hoàng Yến, thành viên Hội đồng quản trị công ty cổ phần Tập đoàn MaSan mất 275 tỷ đồng. Ông Hồ Hùng Anh đã vắng bóng khỏi danh sách những người giàu nhất sàn chứng khoán khi bán hết cổ phiếu MSN.

 

Trong khi những người giàu nhất sàn chứng khoán Việt Nam gặp khó vì cổ phiếu tăng nhẹ, hoặc thậm chí đi xuống thì các đại gia thủy sản lại có một năm vô cùng viên mãn. Rất nhiều cổ phiếu thủy sản tăng vọt.

 

Trong đó đáng kể nhất là cổ phiếu của Công ty Minh Phú (MPC). MPC có tốc độ đi lên mạnh mẽ khi tăng 89.400 đồng/CP, tương ứng 400% lên 112.000 đồng/CP.

MPC giúp các lãnh đạo của công ty Minh Phú được chứng kiến khối tài sản khổng lồ tăng tới 400%. Cụ thể, bà Chu Thị Bình, Phó Tổng Giám đốc kiêm Thành viên Hội đồng quản trị công ty cổ phần Tập đoàn Thủy sản Minh Phú được MPC “tặng” 1.562 tỷ đồng. Tài sản của bà Bình đạt 1.957 tỷ đồng.

Như vậy, bà Bình vừa là đại gia kiếm được nhiều tiền nhất năm Giáp Ngọ, vừa là người có tốc độ gia tăng tài sản mạnh nhất.

Ông Lê Văn Quang, chồng bà Bình, người đang nắm chữ chức vụ Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng giám đốc Minh Phú có thêm 1.427 tỷ đồng. Tài sản của ông Quang khiêm tốn hơn vợ khi “chỉ” đạt 1.788 tỷ đồng.

Không bứt phá mạnh mẽ như MPC nhưng VHC cũng có tốc độ đi lên đáng nể khi tăng 29.100 đồng/CP, tương ứng 200% lên 43.400 đồng/CP. VHC giúp bà Trương Thị Lệ Khanh, Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng Giám đốc công ty cổ phần Vĩnh Hoàn có thêm 1.326 tỷ đồng.

Ông Dương Ngọc Minh, Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng giám đốc công ty cổ phần Hùng Vương, người được biết đến với tên gọi “Người tình tin đồn của ca sỹ Mỹ Tâm” là vị đại gia thủy sản kém vui hơn cả.

Kết thúc năm Giáp Ngọ, cổ phiếu HVG chỉ tăng 5.800 đồng/CP lên 22.300 đồng/CP. Điều đó đồng nghĩa với việc tài sản của ông Minh tăng 42 tỷ đồng lên 1.626 tỷ đồng.

Và câu chuyện nhiều đại gia thủy sản “chết đuối”

Truớc đây, khi nhắc đến thủy sản và BĐS, nhiều người phải dùng đến hai từ khát khao và thèm muốn. Bởi có một thời, đây đuợc xem là hai trong những ngành “ho ra bạc, khạc ra tiền”, là nơi sản sinh ra nhiều đại gia tầm cỡ. Tuy nhiên, mấy năm gần đây, không ít doanh nghiệp làm ăn phát đạt, đuợc xem là “ông lớn” lại “ngã ngựa” một cách bất ngờ. Một số đại gia còn phải bỏ trốn hoặc lâm cảnh tù tội.

Chỉ trong một thời gian ngắn, dư luận cả nước choáng váng trước những thông tin từ cơ quan công an cung cấp. Ngày 24/12/2014, cơ quan CSĐT bộ Công an thực hiện quyết định bắt giam ông Nguyễn Tấn Hải (SN 1962, nguyên Giám đốc công ty TNHH Chế biến và Xuất nhập khẩu Thủy hải sản Việt Hải) về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Việt Hải là công ty một thời gian dài được xem là “tượng đài” của ngành thủy sản BĐSCL và làm mưa làm gió ở tỉnh Tiền Giang. Được biết, đến thời điểm ông giám đốc bị bắt, người dân mới tá hỏa khi phát hiệt ra rằng, công ty này có vốn điều lệ 15 tỷ đồng nhưng đã vay của Ngân hàng Phát triển Việt Nam chi nhánh Minh Hải (VDB Minh Hải) 120 tỷ đồng, lãi treo 50 tỷ đồng. Hợp đồng vay tiền của ông Hải được cho là tín chấp khống. Công ty này đã ngừng hoạt động, hiện còn nợ tiền luơng của công nhân.

Đại gia Lâm Ngọc Khuân trốn ra nước ngoài bỏ lại dinh thự lớn nhất Sóc Trăng.

Trước đó không lâu, trung tuần tháng 11/2014, ngành thủy sản cũng chứng kiến sự việc tương tự tại xí nghiệp Chế biến và Xuất nhập khẩu Thủy sản Ngọc Sinh. Khi đó, cơ quan CSĐT bộ Công an cũng triển khai quyết định khởi tố bị can, bắt tạm giam bà Đặng Thị Ngợi, nguyên Giám đốc xí nghiệp vì về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Cùng tội danh, cơ quan công an đã khởi tố bị can đối với Phan Xuân Minh, nguyên Giám đốc công ty TNHH Chế biến Thủy sản Minh Châu. Nhưng truớc khi bị công an “sờ gáy”, ông Minh đã nhanh chân bỏ trốn và để lại một khoản nợ khổng lồ. Và, chắc hẳn nhiều người còn nhớ, vào tháng 9/2013, ông Lâm Ngọc Khuân, nguyên Chủ tịch HĐQT công ty thực phẩm Phương Nam cũng đã phải “cao chạy xa bay”, bỏ lại sau lưng khoản nợ 1.700 tỷ đồng cho các tổ chức tín dụng “tự xử lý”.

Nói đến sự đổ vỡ của nhiều doanh nghiệp thủy sản, BĐS, ông Nguyễn Minh Tuấn, Giám đốc công ty UVIP Việt thẳng thắn: “Cũng cần phải nói rằng, việc một số đại gia thủy sản, BĐS thê thảm như hiện nay cũng một phần nguyên nhân gián tiếp từ sự lỏng lẻo của các ngân hàng. Hầu hết, chủ doanh nghiệp vỡ nợ, bỏ trốn, bị khởi tố thì các cán bộ ngân hàng trực tiếp cho vay cũng cùng chung số phận.

Tôi được biết, trong vụ việc ông Lâm Ngọc Khuân bỏ trốn, cơ quan công an cũng đã khởi tố đến 25 nguyên cán bộ ngân hàng về hành vi vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng. Trong đó, có nhiều người là lãnh đạo các chi nhánh ngân hàng tại Hậu Giang, Sóc Trăng, Bạc Liêu.

Có lẽ sẽ chẳng ai quên được vụ một công ty thủy sản ở Bạc Liêu dùng 52kg tôm vay được 128 tỉ đồng của nhiều ngân hàng, hay chính vụ vỡ nợ của công ty cổ phần thực phẩm Phương Nam. Doanh nghiệp này đã dùng một kho tôm đông lạnh để “dắt mũi” 5 ngân hàng và vay được số tiền hàng ngàn tỉ đồng.

Dư luận đặt câu hỏi, vì sao các ngân hàng dễ dàng bị qua mặt đến vậy. Phải chăng, có sự “đi đêm” giữa ông chủ của Phương Nam với cán bộ tín dụng. Bởi, chẳng ngân hàng nào “ngớ ngẩn” đến mức giải ngân hàng trăm tỷ đồng mà lại không kiểm tra tài sản thế chấp của con nợ”.

Ngọc Anh (Tổng hợp)

Theo dõi Tinmoi.vn trên Tinmoi.vn - Google news