Tin mới

Lo giữ bí mật quân sự, Mỹ vô tình cho Trung Quốc "mượn" đồng minh giáng đòn chiến lược

Thứ bảy, 22/07/2017, 14:56 (GMT+7)

Đối với Mỹ, đó là một cú giáng mạnh về cả thương mại và chiến lược, làm phương hại tới quan hệ của Washington với các đối tác và đồng minh.

Đối với Mỹ, đó là một cú giáng mạnh về cả thương mại và chiến lược, làm phương hại tới quan hệ của Washington với các đối tác và đồng minh.

Tháng 10 năm 2016, các hình ảnh vệ tinh ghi nhận một số vũ khí mới xuất hiện trên một đường băng mà Ả Rập Xê Út dùng cho các cuộc không kích quân sự ở Yemen.

Ba chiếc máy bay không người lái (UAV) Wing Loong lộ diện. Đây là những mẫu UAV được Trung Quốc chế tạo giống hệt với mẫu Predator của , có thể bay được nhiều giờ liên tục, mang theo cả tên lửa và bom.

Cùng tháng, một máy bay quân sự không người lái nữa, CH-4 Rainbow, cũng xuất hiện trong một bức ảnh chụp ở sân bay dã chiến tại Jordan, gần biên giới Syria.

Lo giữ bí mật quân sự, Mỹ vô tình cho Trung Quốc mượn đồng minh giáng đòn chiến lược - Ảnh 1.

Một chiếc UAV CH-4 do Trung Quốc chế tạo đang được Quân đội Iraq sử dụng. Ảnh: Bộ Quốc phòng Iraq

Kể từ đó, nhiều vệ tinh thương mại khác đã chụp được hình ảnh các máy bay không người lái tấn công và do thám của Trung Quốc xuất hiện tại các căn cứ của Ai Cập và Các Tiểu Vương Quốc Ả Rập Thống Nhất (UAE).

Những hình ảnh này, và những dữ liệu khác đang được giới quốc phòng quốc tế phân tích, càng củng cố thêm những dấu hiệu cho thấy các UAV quân sự do Trung Quốc xuất khẩu gần đây đã được một số quốc gia triển khai ở những cuộc xung đột tại Trung Đông và châu Phi, trong đó có cả các nước đồng minh mà Mỹ cấm xuất khẩu các mẫu của nước này.

Đối với Mỹ, đó là một cú giáng mạnh về cả thương mại và chiến lược.

Hệ quả từ việc Mỹ thắt chặt xuất khẩu

Nước Mỹ từ lâu đã từ chối bán những UAV mạnh nhất do mình chế tạo cho hầu hết các quốc gia vì lo ngại chúng sẽ rơi vào tay các thế lực thù địch, hoặc các nước ở Trung Đông, làm suy giảm vị thế thống trị về quân sự của đồng minh Israel tại đây.

Anh là quốc gia nước ngoài duy nhất được vận hành các UAV Predator và Reaper - những hệ thống tấn công không người lái mạnh mẽ nhất của Mỹ.

Một trong những hiệp định giới hạn xuất khẩu của Mỹ là Chế độ kiểm soát công nghệ tên lửa 1987 (MTCR). Hiệp định này giới hạn xuất khẩu UAV dựa vào tầm bắn của hệ thống và tải trọng chúng có thể mang theo khiến cho hầu hết các máy bay không người lái uy lực của Mỹ bị hạn chế chặt chẽ.

MTCR được 35 quốc gia ký kết, gồm cả Mỹ nhưng Trung Quốc thì không.

“Điều đó đã làm tổn hại các lợi ích chiến lược của Mỹ theo nhiều cách khác nhau”, Paul Scharre, cựu quan chức Lầu Năm Góc hiện đang làm việc cho Trung tâm An Ninh Mỹ mới, nhận xét.

Chính sách đó làm phương hại tới quan hệ của Mỹ với đối tác nhưng lại gia tăng quan hệ của họ với một quốc gia đối thủ là Trung Quốc. Nó tác động xấu tới khả năng cạnh tranh của các công ty Mỹ”.

Chính quyền Obama, trong khi tìm cách thúc đẩy xuất khẩu theo những điều khoản chặt chẽ, cũng đi đầu trong nỗ lực xây dựng một “bộ quy tắc không người lái” toàn cầu, quy định việc kiểm soát, tránh sử dụng sai mục đích những vũ khí này.

Trung Quốc thế chỗ

Chính sách kiểm soát xuất khẩu UAV chặt chẽ đang khiến nhiều đối tác và đồng minh của Mỹ quay sang mua hàng của Trung Quốc.

Bắc Kinh bắt đầu xuất khẩu UAV có khả năng tấn công vào khoảng năm 2014-2015. Trước đây, Trung Quốc chủ yếu bán các vũ khi công nghệ thấp cho các nước nghèo nhưng gần đây đang tiếp thị cả những mặt hàng tinh xảo hơn.

Theo Viện nghiên cứu Hòa bình Quốc tế Stockholm (SIPRI), tính theo trị giá, Trung Quốc hiện là nước xuất khẩu vũ khí lớn thứ 3 thế giới, sau Mỹ và Nga.

Một báo cáo của Lầu Năm Góc đưa ra hồi tháng Sáu cho thấy, Trung Quốc duy trì được vị trí này phần lớn là do các nước có nhu cầu cao về các máy bay không người lái vũ trang của nước này, trong đó có Iraq, Ả Rập Xê Út, Ai Cập và UAE.

“Khi bán những hệ thống như vậy, Trung Quốc gặp phải rất ít cạnh tranh vì hầu hết các nước chế tạo UAV, theo quy định của các thỏa thuận quốc tế, bị hạn chế bán công nghệ”, báo cáo trên cho biết.

Bộ quốc phòng Mỹ ước tính, Trung Quốc có thể sản xuất được khoảng 42.000 máy bay không người lái với giá trị thương mại lên tới 10 tỷ USD từ nay tới 2023.

Các công ty Trung Quốc đang bán các UAV giống hệt với mẫu Predator và Reaper của nhà thầu General Atomics cho các đồng minh và đối tác của Mỹ và những khách hàng khác với mức giá chỉ bằng một phần.

Lo giữ bí mật quân sự, Mỹ vô tình cho Trung Quốc mượn đồng minh giáng đòn chiến lược - Ảnh 2.

 

UAV MQ-1 Predator do General Atomics của Mỹ sản xuất là chiếc máy bay không người lái được thế giới biết đến nhiều nhất do vai trò của nó trong cuộc chiến chống khủng bố. Ảnh: MarketWatch

 

 

 

Một chiếc UAV Wing Loong của Trung Quốc có giá khoảng 1 triệu USD, trong khi một chiếc Predator do Mỹ chế tạo khoảng 5 triệu USD, còn chiếc Reaper có giá tới 15 triệu USD.

Bắc Kinh cũng đang thúc đẩy một bước đi khác mạnh bạo hơn: sản xuất máy bay không nười lái quân sự tại Trung Đông.

Tháng 3/2017, các quan chức Trung Quốc và Ả Rập Xê Út đã nhất trí cùng sản xuất chung khoảng 100 UAV Rainbow, gồm cả những phiên bản lớn hơn và tầm bay xa hơn CH-5.

“Đối thủ cạnh tranh chính của chúng tôi? Đương nhiên là người Mỹ”, Li Yidong, thiết kế trưởng của Wing Loong – UAV được Tập đoàn Công nghiệp hàng không Thành Đô chế tạo, cho biết vào tháng 11/2016 tại Triển lãm hàng không Chu Hải.

Chính quyền Trump nóng ruột

Hoạt động xuất khẩu máy bay không người lái của Trung Quốc bắt đầu tác động tới công tác hoạch định chính sách của chính quyền Tổng thống Donald Trump.

Bart Roper, Phó chủ tịch điều hành của General Atomics cho rằng, Mỹ đang để rơi thị trường UAV vào tay Trung Quốc và một số quốc gia khác do những hạn chế lỗi thời không còn phù hợp. Ông bày tỏ hy vọng chính quyền Tổng thống Donald Trump sẽ xem xét lại chính sách để thúc đẩy ngành công nghiệp này của Mỹ.

Thực tế, các nhà sản xuất UAV và chính trị gia Mỹ đang tích cực vận động chính quyền Trump nới lỏng kiểm soát xuất khẩu để ngăn Trung Quốc mở rộng thị phần và tránh làm suy giảm các liên minh của Washington.

Hội đồng An ninh Quốc gia Nhà Trắng đang xem xét lại quy trình xuất khẩu máy bay không người lái với mục đích “chỗ nào có thể, thì loại bỏ ngay những rào cản đối với khả năng cạnh tranh của các công ty Mỹ”, một quan chức cấp cao của chính quyền Trump cho biết.

“Chúng tôi nhận thức được Trung Quốc đang làm gì”, vị quan chức nhấn mạnh.

Theo dõi Tinmoi.vn trên Tinmoi.vn - Google news