Tin mới

"Long tranh hổ đấu" ở Nhà Trắng và những chuyện chưa kể đằng sau chính sách thương mại xoay như chong chóng của ông Trump

Thứ hai, 18/06/2018, 08:38 (GMT+7)

Nội các của ông Trump đã trải qua nhiều xáo trộn bởi những bất đồng quan điểm về chuyện có nên áp thuế một cách cứng rắn để buộc các nước khác phải nhượng bộ hay không.

Nội các của ông Trump đã trải qua nhiều xáo trộn bởi những bất đồng quan điểm về chuyện có nên áp thuế một cách cứng rắn để buộc các nước khác phải nhượng bộ hay không.

Chính sách thuế quan của nước Mỹ đột ngột quay ngoắt 180 độ sau vài tuần hạ nhiệt chính là biểu hiện bên ngoài của quá trình hoạch định Chính sách thương mại đầy kịch tính đã diễn ra bên trong Nhà Trắng.

Trong khi thương mại chính là vấn đề trọng tâm của chính sách kinh tế năm 2018, nội các của ông cũng đã trải qua nhiều xáo trộn bởi những bất đồng quan điểm về chuyện có nên áp thuế một cách cứng rắn để buộc các nước khác phải nhượng bộ hay không. Ông Trump thường khuyến khích các cấp dưới của mình tranh luận, và không ít lần nhiều quan chức cấp cao rơi vào cảnh "lên voi xuống chó" tùy theo các mục tiêu luôn thay đổi của ngài Tổng thống.

Trong nhóm các quan chức phụ trách vấn đề thương mại, cuộc cạnh tranh dành sự ủng hộ của Tổng thống rất khốc liệt. Bộ trưởng Tài chính Steven Mnuchin, Đại diện thương mại Mỹ Robert Lighthizer, cố vấn Peter Navarro, Giám đốc Hội đồng kinh tế quốc gia Larry Kudlow và một số người khác thường xuyên ganh đua với nhau. Hồi đầu tháng 5, trong khi Mnuchin trì hoãn 1 cuộc chiến tranh thương mại thì Navarro đã tái khởi động nó. Kết quả là nước Mỹ phát đi những tín hiệu đầy mâu thuẫn về mục tiêu mà mình muốn đạt được.

Mnuchin vs Lighthizer

Cách đây không lâu, Mnuchin từng là 1 ngôi sao đang lên. Ông theo đuổi chiến lược thân thiện với thị trường, muốn đàm phán để Trung Quốc tăng mua hàng hóa dịch vụ của Mỹ đồng thời giảm bớt các rào cản nhập khẩu. Các lệnh trừng phạt, cấm vận không nằm trong kế hoạch của ông.

Tuy nhiên giờ đây Mnuchin đã thất thế và ngôi sao mới là Lighthizer – người ưa thích cách tiếp cận cứng rắn và đang vận động tích cực để sử dụng thuế như 1 cách để buộc Trung Quốc phải thực hiện những thay đổi căn bản trong nền kinh tế của họ. Ông muốn Trung Quốc cắt giảm trợ cấp cũng như các chính sách hỗ trợ khác cho doanh nghiệp Trung Quốc hoạt động trong ngành công nghệ cao để cuộc cạnh tranh giữa các doanh nghiệp này và doanh nghiệp quốc tế trở nên công bằng hơn.

Không giống như những Bộ trưởng Tài chính đời trước, Mnuchin (55 tuổi) không quản lý danh mục đầu tư ở Trung Quốc của Mỹ. Ban đầu ông Trump giao nhiệm vụ này cho Bộ trưởng Thương mại Wilbur Ross. Ông Ross bị thất sủng khi các cuộc đàm phán mà ông thực hiện với Trung Quốc hồi giữa năm ngoái bị Tổng thống cho là "quá ngây thơ".

Trước đó, Robert Porter – 1 cựu cố vấn cấp cao – cũng đã cố gắng làm cho quá trình ra quyết định của Tổng thống trở nên "mượt mà" hơn. Hàng tuần ông đều tổ chức các cuộc họp với những nhân vật chủ chốt, gặp riêng Tổng thống Trump và trình lên những quan điểm đa chiều. Các quan chức được yêu cầu tổng hợp và chia sẻ các số liệu mà họ sử dụng để đưa ra kết luận. Họ sẽ ngừng chỉ trích lẫn nhau bằng cách vào phòng Bầu dục trình bày quan điểm của mình với Tổng thống.

Tuy nhiên Porter đã từ chức hồi tháng 2 trước cáo buộc ông lạm dụng 2 người vợ cũ dù ông đã lên tiếng phủ nhận. Vắng bóng Porter, quy trình bị hủy bỏ và mọi thứ rối tung vì ai cũng ra sức thể hiện. Ông Trump đồng ý áp thuế lên nhôm và thép nhập khẩu – một trong những lý do khiến Gary Cohn, cố vấn kinh tế hàng đầu và từng dẫn đầu nhóm phản đối thuế trong Nhà Trắng, ra đi.

 Long tranh hổ đấu ở Nhà Trắng và những chuyện chưa kể đằng sau chính sách thương mại xoay như chong chóng của ông Trump - Ảnh 1.
 

Mnuchin đã cố gắng khẳng định bản thân trong những tháng đầu năm 2018. Ông vận động hành lang để có 1 phái đoàn tới Bắc Kinh đàm phán về vấn đề thương mại, nhưng nỗ lực bị cản đường bởi Lighthizer. Ngày 20/4, Tổng thống chấp thuận yêu cầu của Mnuchin nhưng lại bổ sung thêm cả Lighthizer và Navarro vào đoàn đàm phán. Là tác giả của một số cuốn sách có cái nhìn tiêu cực về Trung Quốc điển hình là cuốn "Chết bởi Trung Quốc", Navarro khiến đoàn đàm phán không được chào đón ở Bắc Kinh.

Mnuchin tận dụng chuyến đi tới Bắc Kinh ngày 5/3 để thay đổi mối quan hệ Mỹ - Trung đang "căng như dây đàn". Trong những ngày đầu tiên, đoàn đàm phán đi chung với nhau nhưng sang ngày thứ 2 Mnuchin và các quan chức Trung Quốc sắp xếp lại lịch trình để Mnuchin có thể gặp riêng Liu He – cố vấn kinh tế cao cấp của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình.

Ông Navarro rất tức giận vì cho rằng đây là hành động lạm quyền, nhưng cuối cùng lần này Mnuchin đã chiến thắng và ông Liu sẽ tới Washington vào ngày 15/5. Thông báo từ Nhà Trắng cho biết Bộ trưởng Tài chính "sẽ dẫn dắt các cuộc thảo luận", thậm chí Navarro không có tên trong danh sách các quan chức tiếp đón ông Liu.

Đó chính là công thức mà Trung Quốc đang tìm kiếm. Ở Bắc Kinh, các quan chức Trung Quốc rất đề cao Mnuchin, luôn nói với các lãnh đạo doanh nghiệp nước ngoài đến thăm Trung Quốc rằng Bộ trưởng Tài chính Mỹ đang cố gắng hạ nhiệt căng thẳng thương mại như thế nào.

Đầu tháng 5, Tổng thống Trump vẫn ủng hộ kế hoạch của Mnuchin mà theo đó sẽ đàm phán để Trung Quốc tăng mua hàng hóa Mỹ và xóa bỏ các rào cản thương mại. Hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều sẽ diễn ra vào đầu tháng 6, và ông Trump cần sự trợ giúp của Trung Quốc.

Khi tới Washington, ông Liu He được Tổng thống Mỹ mời tới Nhà Trắng. Dự định ban đầu cuộc gặp chỉ kéo dài 15 phút nhưng đã lên tới 45 phút. Sau đó ông Kudlow nói rằng Trung Quốc đã đề nghị mỗi năm sẽ mua thêm "ít nhất 200 tỷ USD" hàng hóa Mỹ.

Bắc Kinh cũng chỉ đạo truyền thông nhà nước trong các bài viết hay thể hiện Trung Quốc ít quan tâm hơn đến việc phát triển công nghệ - điều khiến Washington lo lắng, thay vào đó hãy tập trung nói về việc nhập khẩu thêm hàng hóa Mỹ.

Bão vẫn nổi lên

Nhưng sự tĩnh lặng bề ngoài lại đang che giấu 1 cuộc khủng hoảng đang leo thang trong Nhà Trắng. Đến giữa tháng 5, các quan chức an ninh Mỹ bị thuyết phục rằng Trung Quốc không có thái độ tích cực đối với cuộc gặp lịch sử giữa ông Trump và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un, do đó họ không cần phải nhún nhường trước Bắc Kinh nữa. Kết quả là nhóm này quay sang ủng hộ ý tưởng phải cứng rắn hơn với Trung Quốc của ông Lighthizer.

Ngày 18/5, ngày đàm phán cuối cùng của ông Liu ở Washington, một nhóm các quan chức thương mại xông vào phòng Bầu dục. Tổng thống nói với Mnuchin rằng ông muốn những cam kết cụ thể chứ không phải là những lời hứa mơ hồ.

Ngày 20/5, Mnuchin phát biểu trên kênh Fox News rằng "chúng ta đang trì hoãn chiến tranh thương mại". Nhưng làn sóng chống lại ông đang dâng lên mạnh mẽ. Vài giờ sau phát biểu của ông, văn phòng đại diện thương mại Mỹ phát đi thông báo Mỹ sẽ sử dụng "mọi công cụ pháp lý để bảo vệ công nghệ của mình thông qua thuế quan". Như vậy chẳng có "thỏa thuận ngừng bắn" nào cả.

 Long tranh hổ đấu ở Nhà Trắng và những chuyện chưa kể đằng sau chính sách thương mại xoay như chong chóng của ông Trump - Ảnh 2.

Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steven Mnuchin.

Mnuchin còn bị chỉ trích trên sóng truyền hình. Một trong những phát thanh viên mà Tổng thống Trump ưa thích, Lou Dobbs của Fox Business Network, chỉ trích phe ủng hộ toàn cầu hóa đã cho phép Trung Quốc xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ và duy trì thâm hụt thương mại khổng lồ với Mỹ. "Mnuchin quá tốt với Trung Quốc. Về cơ bản thì ông ấy đã đầu hàng và đưa cho Trung Quốc thứ mà họ muốn".

Ngày 22/5, tờ Washington Post như trêu ngươi khi lên bài bình luận "Cuộc chiến thương mại với Trung Quốc của Tổng thống đã kết thúc. Trung Quốc đã thắng".

 Long tranh hổ đấu ở Nhà Trắng và những chuyện chưa kể đằng sau chính sách thương mại xoay như chong chóng của ông Trump - Ảnh 3.
 

Những lời lẽ này "gặm nhấm" Tổng thống Trump, người rất ghét bị coi là quá mềm mỏng với Bắc Kinh. Ngay sau đó ông đã họp khẩn với nhóm cố vấn thương mại của mình và yêu cầu 1 phản ứng mạnh mẽ hơn. Sau cuộc họp, 1 nhóm nhỏ hơn ra đời, đi ngược lại với những mong muốn của Mnuchin.

Áp lực buộc ông Trump phải hành động gia tăng hơn nữa sau khi Tổng thống bị chỉ trích vì nội các của ông nới lỏng lệnh trừng phạt đối với tập đoàn ZTE (đây vốn là động thái được thiết kế để buộc Trung Quốc phải nhượng bộ).

Như vậy chỉ trong 10 ngày, Mỹ gạt bỏ cuộc đàm phán về 1 "lệnh ngừng bắn" trên mặt trận kinh tế sang một bên, tuyên bố đang chuẩn bị để áp đặt thuế quan lên số hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc trị giá khoảng 50 tỷ USD. Mỹ cũng bắn tiếng với EU, Mexico và Canada rằng nhôm và thép mà họ xuất sang Mỹ sẽ bị áp thuế, đồng thời đe dọa làm tương tự với ô tô nhập khẩu.

"Một cách dứt khoát, Tổng thống chính là người chỉ đạo chính sách thương mại của nước Mỹ", ông Kudlow nói với tờ The Wall Street Journal.

Bầu không khí mơ hồ và bất ổn bao trùm khắp thế giới, từ Trung Quốc đến châu Âu hay những nước láng giềng châu Mỹ. Chiến tranh thương mại trực chờ bùng nổ. Thái độ hiếu chiến của Mỹ khiến các đối tác thương mại bị Mỹ tấn công quay sang đoàn kết với nhau. Tại cuộc họp trước thềm hội nghị G7 ở Canada cách đây không lâu, ông Mnuchin bị Bộ trưởng Tài chính các nước tổng công kích. Và chính ông Trump cũng bị "bỏ rơi" ở G7.

Thu Hương

Theo dõi Tinmoi.vn trên Tinmoi.vn - Google news