Do ảnh hưởng của rãnh áp thấp, từ đêm mai (3/8), các tỉnh Bắc Bộ sẽ có mưa, mưa vừa; khu vực vùng núi và trung du có mưa vừa đến mưa to, có nơi rất to. Đợt mưa lớn có khả năng kéo dài đến hết ngày 5/8.
Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thuỷ văn Trung ương, hiện nay rãnh áp thấp có trục vào khoảng 21-23 độ vĩ Bắc, nối với vùng áp thấp trên khu vực Bắc Bộ. Do ảnh hưởng của rãnh áp thấp nối với vùng áp thấp trên khu vực Bắc Bộ có xu hướng phát triển mạnh, mưa sẽ quay trở lại các tỉnh Bắc Bộ. Trong cơn giông có khả năng xảy ra tố, lốc và gió giật mạnh. Đợt mưa lớn có thể kéo dài đến hết ngày 5/8.
Mưa lớn kéo dài nhiều ngày, nguy cơ cao xảy ra ngập úng, lũ quét |
Dự báo này càng khiến người dân ở các vùng trũng thêm thấp thỏm, bởi trong những ngày qua, lũ lụt, sạt lở liên tục xuất hiện ở nhiều tỉnh phía Bắc. Đặc biệt các tỉnh Sơn La, Phú Thọ, Yên Bái đều có những thiệt hại năng nề. Ngay tại Hà Nội, huyện ngoại thành Chương Mỹ cũng ngụp lặn trong nước trong suốt 10 ngày qua. Mọi hoạt động đều bị đình trệ, thậm chí an toàn tính mạng của người dân cũng bị đe dọa.
Trong khi đó, do ảnh hưởng của rìa phía nam rãnh áp thấp kết hợp với gió mùa Tây Nam hoạt động mạnh nên trong đêm nay và ngày mai, ở khu vực Nam Biển Đông (bao gồm cả vùng biển quần đảo Trường Sa) và vùng biển từ Bình Thuận đến Cà Mau tiếp tục có gió Tây Nam mạnh cấp 5, có lúc cấp 6, giật cấp 8, sóng biển cao từ 2-3m; biển động.
Đến ngày 8/8, mực nước cao nhất trên sông Tiền tại trạm Tân Châu có khả năng lên mức 3,35m; trên sông Hậu tại trạm Châu Đốc có khả năng lên mức 2,75m. (Ảnh: VOH) |
Ở Nam bộ, do lũ thượng nguồn về, trong 2-3 ngày tới, mực nước đầu nguồn sông Cửu Long tiếp tục lên nhanh, sau đó lên chậm do triều thấp.
Ở khu vực giữa và Nam Biển Đông (bao gồm cả quần đảo Trường Sa), các vùng biển từ Bình Thuận đến Cà Mau, Cà Mau đến Kiên Giang và vịnh Thái Lan có mưa dông mạnh. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc xoáy và gió giật mạnh.
Trang Vũ (Tổng hợp)