Tin mới

Luật ngầm của “osin bệnh viện”

Thứ tư, 10/06/2015, 16:53 (GMT+7)

Để tồn tại được với nghề "ô sin bệnh viện , sự cạnh tranh giữa các nhóm với nhau là vô cùng khốc liệt. Thậm chí, những người làm nghề này phải chấp nhận chuyện 4 - 5 tháng không “được” về thăm nhà...

Để tồn tại được với nghề "ô sin bệnh viện , sự cạnh tranh giữa các nhóm với nhau là vô cùng khốc liệt. Thậm chí, những người làm nghề này phải chấp nhận chuyện 4 - 5 tháng không “được” về thăm nhà... 

Bệnh viện Bạch Mai nơi có nhiều người làm nghề "ô sin bệnh viện"

“Ma mới - Ma cũ”

Trong khuôn khổ của loạt bài viết về nghề “osin bệnh viện” này, nhóm phóng viên chúng tôi đã gặp nhiều nhóm “osin” ở các bệnh viện Hà Nội như Bạch Mai, Việt – Đức, Thanh Nhàn... để tìm hiểu về những bí mật trong nghề này.

Phải qua hai vòng trung gian giới thiệu, chúng tôi mới tiếp cận được nhóm “osin” làm nghề chăm sóc bệnh nhân lâu năm nhất ở bệnh viện Bạch Mai. Chị Trần Thị Q. – một người có 14 năm “phục vụ” những người bệnh cho biết, nhà chị ở Ý Yên, Nam Định. Chị là nhóm trưởng một nhóm chăm sóc bệnh nhân thuê ở đây.
Theo chị Q., ở bệnh viện Bạch Mai này có khoảng 6 – 7 nhóm người giúp việc cho người nhà bệnh nhân, mỗi người đều phải tự tìm cho mình một nhóm làm việc phù hợp, với những bệnh nhân nặng như cấp cứu, phục hồi chức năng thì người nhà bệnh nhân sẽ phải thuê đến hai người giúp việc để thay nhau chăm sóc người nhà của mình. Vì thế, tính đồng đội trong một nhóm cũng được nâng cao hơn.

Chị Q. cho hay, sau Tết Nguyên đán và các ngày lễ lớn như 30/4 – 1/5, số lượng bệnh nhân vào điều trị tại bệnh viện Bạch Mai tăng vọt nhu cầu tìm người chăm sóc bệnh nhân của người nhà là rất cao. Chị Q. tâm sự thêm, thị trường “osin bệnh viện” ít khi giảm mà chỉ tăng lên do thu nhập từ nghề này khá cao. Trung bình nếu làm trong 2 – 4 tuần, một “osin” sẽ được nhận từ 4 - 10 triệu đồng.

Tuy nhiên, để được vào nhóm, “ma mới” cũng phải khá chật vật và phải có sự giới thiệu của “đồng nghiệp” thì mới được phép hoạt động tại bệnh viện đó. Và khi có việc, công việc sẽ được chia đều cho các thành viên trong nhóm.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, sự cạnh tranh giữa các nhóm người giúp việc tại bệnh viện là khá khốc liệt và ồn ào. Chị Lê D. – một người chăm sóc bệnh nhân thuê tại bệnh viện Việt – Đức chia sẻ, nhóm của chị gồm 8 người, có độ tuổi từ 35 – 47, đến từ các tỉnh miền Bắc như Thái Bình, Hải Dương, Ninh Bình, Phú Thọ...
Những người này đều thạo việc và có kinh nghiệm chăm sóc bệnh nhân khá tốt, vì thế, nhận được sự hài lòng của nhiều gia chủ. Nhiều người chưa chăm sóc xong người bệnh này, đã được gia chủ khác “ngỏ ý” muốn thuê.

Trong nhóm của chị D. có hai chị em ruột quê ở Ninh Bình lên Hà Nội làm “osin bệnh viện” khoảng 5 năm nay, hai người này không lấy chồng, không vướng bận con cái nên dịp Tết Nguyên đán vừa qua, hai chị đã được một gia đình khá giả trên phố Đội Cấn thuê về để phục vụ một bà cụ bị tai biến và ăn tết cùng gia đình luôn.

Theo chia sẻ của các chị, mối quan hệ giữa các thành viên cùng một nhóm thường khá tốt nhưng quan hệ giữa các nhóm người giúp việc khác nhau lại không được “đoàn kết” như thế. Việc công kích, nói xấu nhau giữa những “đồng nghiệp” thường xuyên diễn ra.

Chị X.- một người chăm sóc bệnh nhân tại bệnh viện Bạch Mai cho biết, tuy đã liên lạc bằng điện thoại tiện hơn, nhưng việc tìm đến người nhà bệnh nhân có nhu cầu thuê “osin” lại khó khăn hơn xưa vì có quá nhiều nhóm “osin bệnh viện” để người nhà bệnh nhân lựa chọn. Chị X. kể, đầu tháng Ba vừa qua có một cô gái đi tìm thuê người giúp việc cho mẹ mình nằm ở khoa Ngoại.

Ngoài việc tự đi tìm “osin” thì cô gái kia cũng nhờ người thân tìm hộ. Thế là trong một buổi sáng, hai trưởng nhóm của hai nhóm “osin” đều gặp cô gái kia để thương lượng, đúng lúc đến gần cô gái nói chuyện về giá cả và thời gian thì X. nghe được phía bên nhóm kia “nói xấu” nhóm mình là lười biếng, ở bẩn và hay ăn vụng đồ của người bệnh nên cả hai nhóm... lao vào nói xấu nhau trước mặt người nhà bệnh nhân. Rốt cuộc là không nhóm nào được chọn và cô gái đã phải sang tận viện Lão khoa Trung ương tìm “osin” chăm mẹ.

Vào tận Sài Gòn... chăm sóc bệnh nhân

X. cho hay, sau vụ khẩu chiến giữa hai nhóm “osin bệnh viện” trên, các nhóm đã rút ra một nguyên tắc “vàng”, đó là phải biết giữ miệng để cùng nhau làm việc, nếu không thì việc nói xấu nhau sẽ  khiến người nhà bệnh nhân ấn tượng và không muốn thuê nhóm nào nữa.

X. bộc bạch, tuy công việc chăm sóc bệnh nhân vất vả, hay  phải thức đêm, tiếp xúc với nguồn lây bệnh nhưng bù lại, số tiền mà họ nhận được có thể giúp gia đình nên họ cố gắng chịu đựng, kể cả chịu sự cạnh tranh khốc liệt mà nghề “osin bệnh viện” này mang lại.

Theo chia sẻ của cô T. – một người làm nghề chăm sóc bệnh nhân tại bệnh viện Xanh – Pôn thì “làm nghề nào, ăn lộc ấy”. Năm ngoái, cô T. có chăm sóc một bệnh nhân lớn tuổi bị gãy chân, do tuổi đã cao, nên xương rất khó lành, mọi việc đều phải có người nâng đỡ và hỗ trợ. Sau 3 tuần chăm sóc bệnh nhân này, cô T. được gia chủ ngỏ ý “mời” về nhà làm giúp việc luôn. Vốn nhanh nhẹn, sạch sẽ, nên cô T. rất được lòng gia chủ.

Đầu năm nay, biết con trai lớn của cô T. vừa tốt nghiệp đại học, người con trai của bệnh nhân lớn tuổi kia đã đồng ý nhận con cô vào làm kế toán cho công ty riêng của mình. Cô T. mừng lắm vì con trai đã có việc làm và lại được làm đúng với chuyên ngành đã được đào tạo.

Theo tìm hiểu của PV, các nhóm “osin bệnh viện” không chỉ hoạt động ở Hà Nội mà còn “di cư” vào tận các tỉnh phía Nam để tìm cơ hội mới. Trưởng nhóm giúp việc tên N. mà chúng tôi đã đề cập ở kỳ trước cho chúng tôi hay, có hai nhóm giúp việc tại bệnh viện mà chị biết đã rủ nhau vào Sài Gòn để tìm việc. Nơi họ đến cũng là những bệnh viện lớn và có tiếng như: Ung Bướu, Chợ Rẫy, Hùng Vương...

Chị N. kể: “Ban đầu là một chị giúp việc quê ở Bắc Giang có con lớn thi đỗ đại học Kinh tế TP.HCM nên chị ấy cũng muốn vào trong đó, vừa để tìm việc mới, vừa để quản lý con. Vào Sài Gòn được một thời gian thì chị ấy thấy cuộc sống và công việc khá ổn định nên rủ bạn và một vài người quen trong nhóm vào đó tìm việc. Tôi được nghe kể là ở trong Sài Gòn “dễ sống” lắm..., nhiều người nhà bệnh nhân thấy “osin” chăm chỉ nên cho thêm tiền và cho ăn uống thoải mái như người nhà nữa...”.                            

 

Bật khóc đêm giao thừa...

Tâm sự về nghề “osin bệnh viện”, chị X. còn kể cho chúng tôi nghe việc Tết Nguyên đán vừa qua, chị đã phải ở lại Hà Nội để chăm sóc một bệnh nhân bị hôn mê với mức tiền công là 700.000 đồng/ngày. Chị nhận chăm sóc bệnh nhân từ 28 tháng Chạp đến mùng 3 Tết với số tiền là 6 triệu đồng, sau đó chị về quê ăn Tết muộn đến hết Rằm tháng Giêng mới ra Hà Nội.

Chị bảo: “Gia đình tôi khó khăn, chồng lại chẳng may mất sớm, con cái đều đã lớn nên dù không về nhà, tôi cũng yên tâm hơn. Đêm giao thừa gọi điện về cho con mà ứa nước mắt, nhưng lại nghĩ vì mưu sinh, vì tương lai của con nên đành phải cố thôi em ạ...”.

   

Theo Lạc Thành/ Đời sống & Pháp luật

Theo dõi Tinmoi.vn trên Tinmoi.vn - Google news
Từ khóa: osin